Cấm học sinh nghề dự thi ĐH: “Rào cản” bất hợp lý

(Dân trí) - Theo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy chế tuyển sinh năm 2009, Bộ GD-ĐT quy định: “Học sinh trung cấp nghề sẽ không được dự thi ĐH vào năm 2009”. Quy định này làm cho không ít học sinh học hệ trung cấp nghề rơi vào trạng thái bất an.

Nhiều bất ổn khi đề xuất quy định

Theo ý kiến của nhiều trường dạy nghề, nếu không cho học sinh trung cấp nghề dự thi ĐH, CĐ là thiếu công bằng và bình đẳng trong giáo dục, bởi đối tượng xét vào trường dạy nghề là học sinh đã tốt nghiệp THPT và THCS.

Bộ GD-ĐT đã có lý khi đã quy định “trình độ văn hóa không tương thích hoặc chưa tốt nghiệp THPT thì không được tham gia thi ĐH, CĐ”. Điều này có nghĩa là điều kiện dự thi phải có trình độ văn hóa phổ thông hoặc tương đương. Tuy nhiên, trong bộ phận học nghề, vẫn có những đối tượng học chương trình văn hóa chưa tương thích. Do vậy, với những đối tượng này muốn dự thi ĐH, CĐ thì phải học lại để lấy bằng tốt nghiệp tương đương trình độ văn hóa phổ thông do Bộ GD-ĐT quản ‎lý mớiđược tham gia dự thi.

Vấn đề đặt ra là học sinh tốt nghiệp THCS vào các trường trung cấp nghề do Bộ LĐ-TB&XH quản lý có được học các môn văn hóa, học những nội dung gì, thời lượng có đảm bảo đúng theo chương trình của Bộ GD-ĐT ban hành hay không, có được tổ chức thi và cấp bằng theo đúng quy định hay không?

Để biết được điều này, lẽ ra Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH phải ngồi lại với nhau để bàn bạc thống nhất sau đó mới quyết định, chứ không nên đưa ra một từ lạnh lùng: “cấm”!

“Chặn đầu” sẽ làm cho các trường nghề ế ẩm?

Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long từng khuyên thí sinh nên biết lượng sức mình. Nếu sức học có hạn thì nên đầu đơn vào các trường TCCN, các trường nghề…

Lời khuyên của thí sinh quả thật đúng đắn khi mà với cơ chế hiện nay sinh viên hoàn toàn có thể học liên thông từ cấp TCCN-CĐ-ĐH.

Tuy nhiên, điều bất ổn hiện nay là do hệ thống đào tạo nghề chỉ có thể liên thông từ bậc sơ cấp lên trung cấp và CĐ nghề mà chưa được liên thông lên bậc ĐH. Ngoài ra, những thí sinh tốt nghiệp các trường nghề lại không được đăng ký dự thi liên thông lên các trường ngoài khối trường nghề (tức là khối thi K).

Trong khi đó nhu cầu của học sinh trường nghề muốn được học lên cao là điều hoàn toàn chính đáng. Do đó nếu cấm học sinh trường nghề dự thi ĐH sẽ làm cho việc phân luồng gặp nhiều trở ngại, bởi vì học sinh chắc chắn sẽ không chọn trung cấp nghề mà chọn CĐ và ĐH.

Nếu điều đó xảy ra thì “đề án đào tạo 20.000 giáo viên dạy nghề” mà Phó Thủ tướng Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân vừa chỉ đạo sẽ khó còn tính khả thi. 

Bên cạnh đó, không hẳn những thí sinh tìm đến các trường học nghề đều có học lực yếu kém. Nhiều thí sinh có học lực tốt nhưng do điều kiện khó khăn nên đành phải đến với các trường dạy nghề nhằm kiếm một nghề để sinh nhai sau đó sẽ quyết tâm dự thi đại học với phương thức vừa học vừa làm.

Do đó, nếu ban hành quy định trên thì Bộ GD-ĐT đã vô tình “chặn đường” vào giảng đường ĐH của những thí sinh “nghèo” hiếu học.

Như vậy, việc cấm hay không cấm học sinh trung cấp nghề dự thi ĐH chỉ nên công bố sau khi thống nhất giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH chứ không nên “lạnh lùng” tung tin gây tâm lý bất ổn cho không ít thí sinh.

Nguyễn Hùng