Các thầy cô chia sẻ cách giảm áp lực cho học sinh lớp 1

Bình An

(Dân trí) - Sách giáo khoa (SGK) mang tính mở nên giáo viên hoàn toàn có thể chủ động thay thế về ngữ liệu trong bài học sao cho phù hợp và học sinh dễ tiếp thu.

Các thầy cô chia sẻ cách giảm áp lực cho học sinh lớp 1 - 1

Một giờ học tiếng Việt của Trường tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc)

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới.

Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.

Theo công bố của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước có 14.000 trường tiểu học, tỷ lệ chọn bộ Cánh Diều cao nhất 32%, kế đó là Kết nối tri thức 28%, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục 8%, hai bộ sách còn lại quanh ngưỡng 16%.

Tuy nhiên, sau khi đưa vào giảng dạy, bộ sách Cánh Diều đã gây xôn xao dư luận do có một số điểm chưa phù hợp cần điều chỉnh.

Thầy Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Phúc) cho hay, với môn Tiếng Việt lớp 1, nhà trường chọn bộ Cánh Diều. Quá trình lựa chọn hoàn toàn khách quan, được bỏ phiếu kín về quyết định chọn sách. Có thể Hội đồng chọn sách của trường không phải là những chuyên gia về sách, vẫn còn góc nhìn chưa toàn diện, song họ đều là những giáo viên (GV) đã có kinh nghiệm dạy học lớp 1, lấy học sinh làm trung tâm, đặt hết tâm sức… để quyết định.

Mặt khác, năm nay dạy học Tiếng Việt có áp dụng sách mềm (tất cả nội dung trong SGK được số hóa), nhà trường đã đầu tư trang bị 100% máy chiếu trên lớp nên việc GV hướng dẫn học sinh về hình ảnh, kênh hình, kênh chữ… khá nhẹ nhàng. Đặc biệt có sự hỗ trợ thiết bị dạy học sẽ giúp GV thêm sáng tạo, HS dễ tiếp thu bài giảng, hứng thú với tiết học Tiếng Việt.

Cô giáo Nguyễn Thị Hải Quyên – lớp 1A3 Trường tiểu học Kim Ngọc cho biết: Ngoài một vài HS chậm hơn một chút thì cơ bản các em đều theo kịp chương trình. Các nội dung giảng, đặt câu hỏi, phân tích trên lớp mà GV đặt ra HS đều hiểu và trả lời được. Với những HS chậm hơn một chút, GV sẽ dạy nhiều lần như vậy chắc chắn các em sẽ theo nhanh chóng tiến bộ. Đến trung tuần của tháng 3, tất cả HS trong lớp sẽ đọc, viết, nghe, nói tốt, đi kịp tiến trình chung của chương trình.

Cô Quyên cho rằng, những bước đi ban đầu của đổi mới thường gặp một số khó khăn nhưng dần dần sẽ quen. Biết phát huy sự chủ động, linh hoạt và sáng tạo với từng đối tượng HS thì quá trình dạy học không còn áp lực với cả cô và trò.

Cô giáo Đinh Duyên Thịnh - Giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Victoria Thăng Long chia sẻ: “Chương trình này cũng giúp chúng tôi tạo ra những bài giảng gần gũi hơn với học sinh, giúp các em hứng thú hơn trong mỗi tiết học. Sau 2 tháng, cô và trò chúng tôi đã có những thay đổi rất cụ thể.

Qua nghiên cứu các cuốn SGK và qua các chương trình tập huấn, tôi thấy chương trình phải dựa trên 3 nguyên tắc: thứ nhất, phải huy động vốn hiểu biết của học sinh, thứ hai, là phải hướng dẫn các kỹ năng học tập qua các trò chơi, thứ ba, là học phải có sự tương tác giữa học sinh và giáo viên, để học sinh được sống ở trong bài học của mình nhiều hơn”.

Các thầy cô chia sẻ cách giảm áp lực cho học sinh lớp 1 - 2

Các thầy cô cần điều chỉnh giảm áp lực cho học sinh lớp 1

Thầy Đào Quốc Vịnh –Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) chia sẻ, chương trình Tiếng Việt học 29 chữ cái, 14 chữ ghép và trên 140 vần được các nhà biên soạn sách phân bổ trong 26 tuần; môn Toán được giảm tải rõ rệt.

Nội dung của các môn học bám sát chuẩn chương trình, nên lượng kiến thức cho mỗi tuần phù hợp với sức khoẻ và sự tiếp thu cũng như sự hấp thụ kiến thức của học sinh. Trong mỗi tiết học, học sinh vừa được ôn đi ôn lại kiến thức bài cũ , vừa được học kiến thức mới.

Sau khi được cung cấp kiến thức, các em học sinh được rèn kỹ năng thực hành, nhưng các bài thực hành không chỉ dừng ở chỗ rèn luyện kỹ năng, mà bước đầu các em học sinh đã tập làm quen với việc sử dụng kiến thức đã học để so sánh, đối chiếu với người, đồ vật, hiện tượng thiên nhiên mà trong sách phản ánh hoặc các em gặp trong cuộc sống.

Với yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung ngữ liệu để GV có thể thay thế một số đoạn/bài đọc cho phù hợp hơn với HS lớp 1 thầy Đào Chí Mạnh chia sẻ, đây là sự cầu thị, tinh thần trách nhiệm, tiếp thu ý kiến góp ý để chỉnh sửa SGK cho phù hợp hơn. “Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao điều này”- thầy Mạnh nói.

Theo thầy Mạnh, những “hạt sạn” trong SGK Tiếng Việt 1 Cánh Diều không phức tạp và hoàn toàn có thể khắc phục bằng nhiều cách. Chẳng hạn như, bài A có ngữ liệu không hợp thì nhà trường, tổ chuyên môn, GV có thể cùng ngồi lại bàn bạc lấy ngữ liệu khác phù hợp thay thế.

SGK mang tính mở nên GV hoàn toàn có thể chủ động thay thế về ngữ liệu sao cho phù hợp và HS dễ tiếp tiếp thu. Hơn thế, điều chỉnh một vài ngữ liệu trong bài học không phải quá nhiều hay vượt xa khả năng, trình độ của GV.