Bộ Giáo dục lên tiếng về kiến nghị của Hiệp hội và trường ĐH Tôn Đức Thắng

Hồng Hạnh

(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa có công văn trả lời kiến nghị của Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam và trường ĐH Tôn Đức Thắng về việc thí điểm tự chủ đại học.

Bộ Giáo dục lên tiếng về kiến nghị của Hiệp hội và trường ĐH Tôn Đức Thắng - 1

Trường ĐH Tôn Đức Thắng - đơn vị đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ tại Việt Nam

Phúc đáp công văn số 7203/VPCP-KVX ngày 28/8/2020 của Văn Phòng Chính phủ về việc chuyển công văn số 79/HH-VP ngày 17/8/2020 của Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam; Công văn số 1307/2020/TĐT – CV ngày 5/8/2020 của trường ĐH Tôn Đức Thắng và thư của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng Hiệp hội các trường ĐH,CĐ Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung về việc thí điểm tự chủ đại học và trường ĐH Tôn Đức Thắng, Bộ GD&ĐT có ý kiến như sau:

Cho các trường tự chủ về tất cả các phương diện

Để cụ thể hóa các nội dung về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của trường ĐH trong khung khổ pháp lý được quy định, đồng thời để thúc đẩy hoạt động tự chủ đại học tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 (Nghị  quyết 77). Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới hoạt động giai đoạn 2015 – 2017 cho 23 trường đại học trong cả nước.

Qua 3 năm triển khai Nghị quyết 77, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tiến hành khảo sát thực tế, tổ chức Hội nghị tổng kết đánh giá kết quả thực hiện, cụ thể:

Tiến hành khảo sát thực tế tại 27 trường, trong đó có 19 trường đã được giao thí điểm tự chủ (gồm 12 trường tự chủ trên 24 tháng, 7 trường tự chủ dưới 24 tháng tính đến tháng 6/2017) và 8 trường chưa tự chủ để đối sánh kết quả.

Tổ chức điều tra, phỏng vấn trực tiếp trên 1250 cán bộ quản lý, giảng viên của 27 trường (gồm đại diện Ban Giám hiệu, Hội đồng trường, Đảng ủy viên, trưởng phòng/trưởng khoa/bộ môn và các giảng viên, nhân viên).

Tổ chức hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập giai đoạn 2014 – 2017 vào ngày 20/10/2017 tại trường ĐH Kinh tế quốc dân.

Kết quả cho thấy, Nghị quyết 77 đã tạo điều kiện cho các trường công lập khi cam kết tự đảm bảo toàn bộ kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư thì được thực hiện tự chủ về tất cả các phương diện: đào tạo và nghiên cứu khoa học; tổ chức bộ máy và nhân sự; chính sách học bổng, học phí đối với sinh viên đối tượng chính sách; đầu tư, mua sắm.

Thực  tế cho thấy việc thực hiện tự chủ tại các trường bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tăng tính chủ động, linh hoạt trong các tổ chức thực hiện hoạt động của nhà trường.

Mô hình thí điểm tự chủ bước đầu được đánh giá tích cực, các trường đã có những thành tựu nhất định và được xã hội công nhận.

Tuy nhiên, để tự chủ đại học phù hợp với thực tế triển khai ở Việt Nam và đảm bảo hội nhập quốc tế cũng còn nhiều vấn đề cần được giải quyết.

Bộ Giáo dục lên tiếng về kiến nghị của Hiệp hội và trường ĐH Tôn Đức Thắng - 2

Hơn 2.000 sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng chưa nhận được bằng tốt nghiệp do không có hiệu trưởng

Đang hoàn thiện các hệ thống văn bản hướng dẫn về tự chủ đại học

Trên cơ sở kết quả tổng kết thí điểm thực hiện tự chủ, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật GDĐH sửa đổi); tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (Nghị định 99), trong đó quy định rõ về tự chủ trong các hoạt động chuyên môn, tổ chức và nhân sự, tài chính tài sản… và đang được áp dụng triển khai thực hiện trong toàn hệ thống giáo dục đại học.

Ngày 28/12/2018 và ngày 17/7//2019 nay sau khi Luật GDĐH sửa đổi có hiệu lực, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội nghị chuẩn bị và Hội nghị triển khai Luật, chủ yếu để hướng dẫn triển khai thực hiện tự chủ đại học trong toàn hệ thống.

Ngày 06/1/2020, sau khi Nghị định 99 ban hành, Bộ GD&ĐT cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định 99.

Trên cơ sở quy định của Luật GDĐH sửa đổi và Nghị định 99, Bộ GD&ĐT đã và đang hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học như các thông tư ban hành quy chế tuyển sinh các trình độ trong GD ĐH, quy chế đào tạo các trình độ trong GD ĐH, chuẩn chương trình đào tạo…

Tiếp tục sơ kết, tổng kết triển khai tự chủ

Về ý kiến của Hiệp hội về việc tổ chức hội nghị sơ kết về tự chủ đại học, Bộ GD&ĐT cho rằng, hiện nay để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới, Bộ GD &ĐT đã có kế hoạch phối hợp với Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức Hội thảo Giáo dục 2020 với chủ đề: “Tự chủ trong giáo dục đại học – Từ chính sách đến thực tiễn”, dự kiến tổ chức trong tháng 11/2020.

Trong thời gian tới, khi các trường đã triển khai tự chủ theo quy định của Luật GD ĐH sửa đổi và Nghị định 99, Bộ GD &ĐT sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết để đánh  giá kết quả thực hiện và đưa ra các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ.

Bộ Giáo dục lên tiếng về kiến nghị của Hiệp hội và trường ĐH Tôn Đức Thắng - 3

Nhờ tự chủ, ĐH Tôn Đức Thắng đã “lột xác” với tổng tài sản hơn 2.200 tỷ đồng

Trong 11 năm, từ năm 1997 đến 2008, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TDTU) là đại học dân lập, rồi đại học bán công. Đến 2008, dù trường đã được chuyển sang công lập thuộc Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, nhưng ngược với toàn bộ các đại học công khác, là phải được Ngân sách nhà nước đầu tư như Luật giáo dục qui định, thì TDTU vẫn tiếp tục tự chủ tài chính hoàn toàn, không nhận chi thường xuyên và chi đầu tư từ Ngân sách nhà nước hay Công đoàn.

Đến nay, TDTU được QS xếp hạng TOP 291-300 trong hơn 500 đại học tốt nhất Châu Á; URAP (Tổ chức xếp hạng đại học theo thành tựu học thuật) xếp TDTU đứng thứ 2 Việt Nam và đứng thứ 1422 thế giới; Green Metric xếp TDTU hạng 142 trong TOP 750 đại học phát triển bền vững nhất thế giới; THE xếp TDTU trong TOP 101-200 đại học thế giới có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

TDTU cũng là ĐH duy nhất của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng các đại học xuất sắc nhất toàn thế giới năm 2020 do Hệ thống xếp hạng đại học thế giới ARWU công bố.

Hiện nay, mỗi năm TDTU tuyển trên dưới 6.000 sinh viên với qui mô đào tạo hơn 23.000 học viên, sinh viên học tập trung.

Đến cuối 2018, trường đã có đội ngũ 1.340 cán bộ, giảng viên, viên chức. Nhân lực chuyên môn có trình độ tiến sĩ và đang hoàn tất Nghiên cứu sinh tiến sĩ chiếm hơn 50%, trong số đó, 205 tiến sĩ và giáo sư là người nước ngoài.

Đến thời điểm hiện nay, TDTU có 63 Nhóm nghiên cứu khoa học-công nghệ trọng điểm. Trường đã có 3.172 công trình khoa học công bố trên các diễn đàn khoa học quốc tế uy tín với 2.705 bài báo khoa học trên các tạp chí hàng đầu thế giới thuộc danh mục tạp chí ISI.

Chuẩn đầu ra của sinh viên Trường không thua các đại học lớn trên thế giới, trình độ tiếng Anh từ khóa tuyển sinh 2008 trở đi tối thiểu phải TOEIC quốc tế 500 điểm (khóa tuyển sinh năm học 2016-2017 trở đi, chuẩn tiếng Anh phải từ IELTS 5.0 trở lên);

Qua 10 năm với 2 kỳ kế hoạch phát triển, TDTU vẫn là đại học đầu tiên và duy nhất hiện nay của hệ thống đại học Việt Nam được USPTO cấp Bằng sáng chế khoa học công nghệ. Tính từ 1975 đến nay, cả nước mới có 26 Bằng sáng chế USPTO do Việt Nam đứng tên chủ sở hữu, trong đó có 07 Bằng sáng chế là của TDTU.

Tính đến cuối 2018, trường đã tạo ra tổng giá trị tài sản đã đầu tư trên mặt đất hơn 2.200 tỷ đồng, đóng góp vào tài sản Nhà nước. Thành tựu này chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam. Trường là một hình mẫu thành công về tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục đại học công lập.