Bí quyết thêm yêu nghề “cõng chữ” đến vùng cao

Không ngại khó, ngại khổ, cháy hết mình với sự nghiệp đem con chữ đến cho các em nhỏ vùng cao là những điều chương trình “Chia Sẻ Cùng Thầy Cô” cảm nhận được về các tấm gương giáo viên của các huyện nghèo trên cả nước.

Trong 64 gương giáo viên được đề cử cho chương trình “Chia Sẻ Cùng Thầy Cô”, ban tổ chức đặc biệt chú ý đến cô giáo Nguyễn Thị Hương Bình ở điểm trường Na Cạn thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Dẫu biết đây là một trong những ngôi trường thiếu thốn và khó khăn của huyện Quản Bạ, nhưng vẫn không đủ từ ngữ để miêu tả sự khó khăn của những giáo viên đang công tác tại đây.

Điểm trường Na Cạn, thuộc xã biên giới giáp ranh với Trung Quốc, cách trung tâm xã 6km, đường đi lại vô cũng khó khăn vì toàn bộ đều là đường đất, những ngày mưa đi từ trụ sở chính vào điểm trường phải mất 2 tiếng đồng hồ. Chưa dừng lại ở đó toàn bộ lớp học đều là nhà đất trình tường, mái lợp ngói broximang và diện tích chật hẹp từ 18 – 20 m2. Một vài năm gần đây, nhận được sự quan tâm của cấp chính quyền thì ngôi trường đã 4 phòng lợp mái tôn. Chỗ lưu trú của giáo viên cũng chỉ là những nhà trình tường với diện tích vô cùng khiêm tốn chỉ 10m2.

Điểm trường Na Cạn thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Quản Bạ, tỉnh Hà Giang
Điểm trường Na Cạn thuộc xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện nghèo Quản Bạ, tỉnh Hà Giang

Thiếu thốn, khó khăn là thế, vậy mà cô giáo Nguyễn Thị Hương Bình đã có 19 năm công tác tại các điểm trường, riêng điểm trường Na Cạn là 7 năm. Cô Bình chia sẻ: “Những ngày này còn đỡ chứ khi vào đợt đông thì khó khăn lắm. Những ngày đông nhiệt độ hạ xuống chỉ còn 3 – 4 độ chúng tôi phải đi bộ vài giờ, vượt qua hàng km mới lấy được nước đem về sinh hoạt. Chưa kể những hôm trời mây mù thì khó khăn lại càng thêm khó khăn”.

Lớp học đơn sơ của cô Bình
Lớp học đơn sơ của cô Bình

Để vận động được học sinh đến lớp, cô cùng các thầy cô giáo tại điểm trường Na Cạn đã phải rất vất vả đến từng nhà tuyên truyền vận động phụ huynh cho con em đến trường, mỗi khi hộ gia đình nào có việc các thầy cô đều đến tham gia giúp đỡ, từ đó tạo nên tình cảm thân thiết và tạo dựng thêm niềm tin nơi bà con. Không những thế các cô còn tích cực giúp đỡ, quan tâm các em để chúng có điều kiện đến lớp. Khi thì mua quyển sách, quyển vở, khi lại bộ quần áo mới… những thứ nhỏ nhặt nhưng cũng là động lực để các em đến lớp thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó cô Bình không ngừng học hỏi, trau dồi những phương thức dạy học mới làm sao để các em không cảm thấy khó khăn khi tiếp nhận, thay vào đó là sự thích thú. Cô Bình tâm sự: “Để có được sự thành công mỗi người giáo viên cần có tình yêu nghề, tình yêu thương học trò. Hãy coi các em như một phần của cuộc sống, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân, cùng nhau quan tâm, chia sẻ để các em có một tương lai tươi sáng hơn”.

Tình yêu thương học trò và lòng yêu nghề đã giúp cô Bình vượt qua những khó khăn vất vả của một giáo viên cắm bản.
Tình yêu thương học trò và lòng yêu nghề đã giúp cô Bình vượt qua những khó khăn vất vả của một giáo viên cắm bản.

Vậy đó, tình yêu thương học trò và lòng yêu nghề đã giúp cô Bình vượt qua những khó khăn vất vả của một giáo viên cắm bản. Rồi đây những thế hệ học trò cô dạy dỗ sẽ trưởng thành và trở về xây dựng quê hương, giúp cho vùng đất Bát Đại Sơn thoát khỏi đói nghèo.

Bí quyết thêm yêu nghề “cõng chữ” đến vùng cao - 4

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do TƯ Hội LHTNVN phối hợp với Bộ GD&ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhằm tuyên dương các giáo viên tiêu biểu đang công tác tại 64 huyện nghèo của cả nước. Là năm đầu tiên, nên Tiến sĩ Võ Văn Thành Nghĩa, Tổng giám đốc Tập Đoàn Thiên Long đã chia sẻ những khó khăn khi thực hiện chương trình: “Có nhiều cái khó của chương trình cần nghĩ đến. Đó là có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn không những đối với thầy cô giáo cắm bản mà còn đối với bao học sinh ở những vùng cao, vùng xa hiện nay trên khắp cả nước.

Với những hoàn cảnh này, làm thế nào để có một nguồn tài trợ đáng kể để chia sẻ và để giúp thầy cô giáo và các em học sinh? Mục đích của chương trình “Chia Sẻ Cùng Thầy Cô” không chỉ dừng lại đối với thầy cô giáo cắm bản mà còn đối với bao tấm gương khác đang giảng dạy tại vùng biển đảo, biên giới xa xôi, với những thầy cô đã ngày đêm, trong nhiều năm liền, có công đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục nước nhà thông qua những công trình lao động trí tuệ có giá trị đối với công tác dạy và học, v.v… Chính vì vậy, một cái khó khác của chương trình là làm thế nào để kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay, góp sức lo cho thầy cô lâu dài, ổn định để thầy cô toàn tâm toàn ý cho công tác giáo dục. Làm được như vậy, cả vai trò người thầy lẫn chất lượng giáo dục mới thực sự được xem trọng, đúng với truyền thống “Tôn Sư, Trọng Đạo” của chúng ta.”

Mọi thông tin về chương trình, vui lòng truy cập website www.chiasecungthayco.com