Bài học giáo dục giới tính qua cách dạy con của nữ ca sĩ nổi tiếng

Lê Nga

(Dân trí) - Giáo dục giới tính cho trẻ em là một việc làm cần thiết nhưng nhiều bậc phụ huynh còn e ngại, né tránh khi nhắc đến. Tuy nhiên cách dạy con của một nữ ca sĩ nổi tiếng được chuyên gia khen ngợi.

Nhiều bậc phụ huynh thường nghĩ rằng việc giáo dục giới tính cho con trước tuổi dậy thì là quá sớm, nhưng thực tế không phải vậy.

Bài học giáo dục giới tính qua cách dạy con của nữ ca sĩ nổi tiếng - 1

Giáo dục giới tính cho con trước tuổi dậy thì là điều hoàn toàn cần thiết (Ảnh minh họa: Freepik).

Gần đây, video ca sĩ Hòa Minzy dạy con trai (bé Bo) được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội. Trong video có đoạn nữ ca sĩ hỏi: "Thế bây giờ, người lạ muốn chạm vào vùng bí mật của con", bé Bo nhanh chóng trả lời: "Thì không được chạm vào vùng bí mật của cháu", nữ ca sĩ nói tiếp: "Thì con phải hét lớn lên cho người xung quanh giúp đỡ nha".

Như vậy có thể thấy, dù bé Bo mới 4 tuổi nhưng đã được mẹ giáo dục về cơ thể, về "vùng bí mật" của mình và dạy bé bảo vệ mình được những hành vi xâm hại. Những việc tưởng chừng đơn giản như thế này, nhưng nhiều gia đình, nhà trường còn ngần ngại khi nói với trẻ.

Một ví dụ cho thấy việc giáo dục giới tính không hề quá xa vời như chúng ta từng nghĩ, giáo dục giới tính bắt đầu từ những điều đơn giản như việc dạy các bé mẫu giáo nói "không" khi bị người ngoài gia đình ôm hôn và sờ mó, thậm chí nói "không" khi cảm thấy khó chịu vì bị chính người trong gia đình ôm hôn sờ mó, bởi ta không nên quên là 90% các vụ xâm hại trẻ em đến từ chính người thân và người quen".

Chia sẻ với PV Dân trí, Thạc sĩ Phương Hoài Nga - chuyên gia Tâm lý học trẻ em và vị thành niên nhận định, những gì Hòa Minzy dạy con cho thấy người mẹ đã ý thức hướng dẫn con. Tuy nhiên, có thể mở rộng thêm, không ai có thể chạm vào cơ thể con nếu con không đồng ý, cho dù đó là bộ phận nào.

Trừ trường hợp, đó là bác sĩ khi họ cần giúp con, nhưng ngay cả thế, cũng cần có xác nhận của người thân hoặc ai đó con tin tưởng như bố mẹ, thầy cô.

Bài học giáo dục giới tính qua cách dạy con của nữ ca sĩ nổi tiếng - 2
Thạc sĩ Phương Hoài Nga - chuyên gia Tâm lý học trẻ em và vị thành niên (Ảnh: NVCC).

Trẻ con thường thắc mắc em bé chui ra bằng đường nào? Nhưng nhiều phụ huynh lại bịa đặt ra câu trả lời như: "Con được sinh ra từ nách", "Con cò mang con tới với bố mẹ", "Con là do bà mụ nặn ra"…; hay né tránh câu hỏi của con: "Con chưa hiểu được đâu, bao giờ lớn con sẽ biết. Giờ thì con đừng hỏi nữa nhé".

Chuyên gia cho rằng, tùy vào điều cha mẹ muốn là gì, nếu muốn con hiểu sai hoặc bối rối quá không biết nói gì thì đành nói dối. Còn nếu cha mẹ muốn mượn lúc con bắt đầu tò mò và đặt câu hỏi để dạy con những kiến thức ban đầu về tình yêu, sự đồng thuận, mong chờ và hạnh phúc của người mẹ người cha, trân quý thế nào, thậm chí đặc biệt và linh thiêng thế nào, thì đây thực sự là cơ hội tốt.

Trẻ con mới hỏi câu hỏi này, nó cũng không cần phải nghe về tình dục, mà đôi khi là khoa học thường thức và sự đặc biệt của chính bé sẽ khiến bé vừa thỏa lòng về tri thức, vừa cảm thấy mình được yêu thương.

Việc giáo dục giới tính cho con ngay từ nhỏ là điều cần thiết, tuy nhiên, nếu giáo dục sai cách có thể là nguyên nhân gián tiếp vẽ đường cho con yêu đương vượt giới hạn.

Các nghiên cứu về tính hiệu quả của chương trình giáo dục giới tính cho thấy, các chương trình nhằm hướng đến việc cấm đoán các con quan hệ tình dục, tập trung quá nhiều vào các vấn đề do quan hệ tình dục như bệnh lây nhiễm, mang thai ngoài ý muốn, đạo đức, tôn giáo,... lại có tác dụng ngược. Nó khiến các bạn thêm tò mò và thậm chí còn cảm thấy thiếu thận trọng hơn khi nếu đã quan hệ mà không bị các vấn đề như đã được "dạy".

Vị chuyên gia này cho rằng, hệ lụy đầu tiên khi nhà trường và phụ huynh ngại ngùng, né tránh các vấn đề liên quan đến giáo dục giới tính là thầy cô và bố mẹ chối bỏ trách nhiệm cũng như khả năng ảnh hưởng lành mạnh tới các bạn ấy. Điều đó vô tình có thể khiến tình trạng giáo dục giới tính qua bạn bè hay ấn phẩm khiêu dâm, hay các thông tin sai lệch còn trở nên có cơ hội hơn trong việc định hướng cho con em mình.

Ngoài ra, nó cũng khiến các em mất đi nguồn lực bảo vệ chính là thầy cô và bố mẹ, những người được kỳ vọng cần có mặt để giúp các em khi gặp bối rối về chuyện tình cảm, giới tính (vệ sinh cá nhân đến phát triển bản thân) hay tình dục (quấy rối, đến đồng thuận, đến tình dục an toàn),...

Thạc sĩ Phương Hoài Nga chia sẻ: "Cách đây không lâu, trong một ca trị liệu tâm lý, một bạn gái lớp 10 có nói với tôi về group chat (hội nhóm trò chuyện - PV) của hội bạn thân. Một bạn trong nhóm kể về việc bạn ấy có quan hệ tình dục và thấy rất đau, nhưng mà đau thế là bình thường, hơn nữa bạn ấy cũng rất thích bạn trai kia.

Thân chủ của tôi rất bối rối, và tự hỏi, chuyện đó có bình thường thật không? Sau khi chúng tôi thảo luận, bạn thân chủ đã tự rút ra, chuyện đó không bình thường, và nó cần được xem xét cả yếu tố sức khỏe lẫn việc trao đổi với bạn trai về điều này nếu các bạn vẫn tiếp tục quan hệ với nhau.

Ngoài ra, chúng tôi cũng xem xét cả áp lực bạn bè. Thật may, thân chủ của tôi cũng tháo gỡ được cảm giác "không nhất thiết phải bằng bạn bằng bè", mà là quyết định cá nhân, mình sẽ chỉ quan hệ tình dục với mối quan hệ nghiêm túc và khi đã trưởng thành hơn, khi cả hai có thể trao đổi với nhau và cùng giải quyết khi gặp khó khăn".