Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Cố gắng thêm một chút để nhiều người được "hưởng lợi"

Kiều Phương

(Dân trí) - PGS.TS. BS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19: "Tôi luôn tự nhủ, mình cần phải cố gắng hơn bởi tôi cố gắng thêm một chút, có thể nhiều người được "hưởng lợi".

"Truyền lửa" cho sinh viên qua phong thái làm việc

Sinh năm 1978, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải hiện là giảng viên cao cấp bộ môn hồi sức cấp cứu ĐH Y Hà Nội; đồng thời giữ chức vụ Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19.

Năm 2008, sau khoảng thời gian dài học tập, nghiên cứu, bác sĩ Hoàng Bùi Hải chính thức trở thành bác sĩ điều trị tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Khám cấp cứu - Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; đồng thời đảm nhận vai trò giảng viên bộ môn hồi sức cấp cứu tại Trường ĐH Y Hà Nội.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Cố gắng thêm một chút để nhiều người được hưởng lợi - 1
PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải - Giảng viên cao cấp bộ môn hồi sức cấp cứu ĐH Y Hà Nội; Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; Phó giám đốc Bệnh viện điều trị Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Mười bốn năm gắn bó với sự nghiệp "gieo chữ", PGS.TS Hoàng Bùi Hải nhận được sự yêu mến của nhiều sinh viên, học viên. Khi hỏi về người thầy giảng dạy bộ môn hồi sức cấp cứu, một số bạn không ngần ngại trả lời: "Thầy Hải giỏi và nhiệt huyết lắm".

Chia sẻ về phương pháp giảng dạy của mình, PGS.TS Hoàng Bùi Hải cho hay, thay vì nói lý thuyết, tôi xây dựng cho sinh viên phương pháp từ những tình huống cụ thể để từ đó, sinh viên nắm chắc và tự vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn.

"Trong quá trình học, tôi sẽ đưa cho sinh viên một tóm tắt bệnh án gồm 10 bước, đồng thời yêu cầu sinh viên trong vòng 5 phút cần đọc và trình bày cho người khác hiểu được trước mặt mình là một bệnh nhân thế nào, những điều còn tồn tại và hướng giải quyết ra sao.

Học lâm sàng tại bệnh viện, tôi cho rằng mỗi ngày sinh viên cần học 5 bệnh án như vậy. Điều này sẽ giúp người học tích lũy kiến thức, bởi mỗi ca lâm sàng sẽ mang đến cho sinh viên một hình ảnh, một điểm lưu lại trên vỏ não. Tiếp cận được càng nhiều thì càng tốt, để đến khi gặp trường hợp tương tự, não bộ sẽ điểm lại những ca có điểm tương đồng, từ đó bác sĩ sẽ phản xạ nhanh và đưa ra quyết định một cách chính xác, kịp thời. Nếu không chăm chỉ học tập thì sẽ không thể trở thành một bác sĩ giỏi, không thể làm việc độc lập".

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Cố gắng thêm một chút để nhiều người được hưởng lợi - 2
PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. (Ảnh: NVCC)

Bên cạnh đó, PGS Hoàng Bùi Hải còn đề cao sự chuyên nghiệp trong công tác giảng dạy của mình. Du học nước ngoài từ khi còn trẻ, sớm tiếp xúc với bệnh nhân, làm việc tại phòng cấp cứu - môi trường đòi hỏi sự khẩn trương, nhanh chóng… đã giúp thầy giáo - bác sĩ Bùi Hải hình thành được phong cách làm việc nghiêm túc, luôn biết lắng nghe và thấu hiểu.

"Là một giảng viên, tôi mong sẽ "truyền" được điều gì đó tới sinh viên qua tinh thần, thái độ và cách làm việc của mình" - thầy Hải tâm sự.

Ngoài việc giảng dạy cho sinh viên Trường ĐH Y Hà Nội bằng tiếng Việt, thầy Hải còn tham gia công tác dạy học cho sinh viên lớp cử nhân tiên tiến bằng tiếng Anh và giảng dạy cho sinh viên khối tiếng Pháp của trường bằng tiếng Pháp. "Ngoại ngữ là niềm yêu thích của tôi. Tôi học tiếng Pháp từ khi còn học cấp hai, sau đó chủ yếu tự học, lên đại học thì trau dồi thêm tiếng Anh. Biết nhiều ngoại ngữ, khả năng giao lưu, cơ hội tiếp cận với quốc tế càng rộng mở".

Song song với việc giảng dạy tại trường đại học, bác sĩ Hoàng Bùi Hải còn được biết đến với vai trò là "người thầy của cộng đồng" khi tham gia giảng dạy, đào tạo cho gần 6000 nha sĩ, các trợ thủ trong phòng khám răng; những cô giáo ở trường mầm non, tiểu học; nhân viên bể bơi; người lái xe - những người vốn có ít cơ hội học về sơ cứu, với mong muốn họ sẽ biết cách sơ cấp cứu để có thể hỗ trợ cộng đồng.

Lý giải về sự đóng góp này, PGS.TS Hoàng Bùi Hải gói gọn trong hai từ "đam mê".

"Công việc này liên quan đến cấp cứu trước viện - một lĩnh vực tôi luôn khao khát chinh phục. Hy vọng những kiến thức mà tôi truyền tải sẽ giúp cộng đồng nâng cao nhận thức về sơ cấp cứu ban đầu, từ đó nhiều bệnh nhân sẽ gia tăng cơ hội được cứu sống".

Người tiên phong...

Không chỉ được biết đến là một giảng viên mẫu mực với phong cách làm việc "chuyên nghiệp, khẩn trương đúng như tên gọi của khoa hồi sức cấp cứu", PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải còn gây ấn tượng khi có nhiều thành tích trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Cố gắng thêm một chút để nhiều người được hưởng lợi - 3
Bác sĩ Hoàng Bùi Hải (đứng thứ 5 từ bên trái sang) cùng đồng nghiệp tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Những ngày giữa tháng 2/2022, cuốn sách "Chẩn đoán & Điều trị Covid-19" dày gần 900 trang được ra mắt. Đây là "đứa con tinh thần" xuất phát từ đề xuất của PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải và PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội khi cả 2 bác sĩ đang tham gia chống dịch tại nhiều "điểm nóng" Covid trên cả nước.

"Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát, Bộ Y tế đã quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội với quy mô 500 giường hồi sức. Quyết định này thôi thúc phải có cơ sở về lý luận, điều trị mang tính dễ tiếp thu, dễ sử dụng cho các đồng nghiệp trẻ cũng như đội ngũ y bác sĩ ở các cơ sở y tế trên cả nước.

Thực tế, những thông tin về dịch Covid-19 cũng đã có trên mạng hay trên bản tin của Bộ Y tế, nhưng lại chỉ dừng ở mức vắn tắt, ngắn gọn. Trong khi đó, đội ngũ y bác sĩ lại mong muốn có một cuốn sách đi sâu cặn kẽ từ cơ chế cho đến chẩn đoán, điều trị Covid; từ điều cơ bản như làm sao để đi găng, mặc đồ bảo hộ, tới những vấn đề lớn như dự phòng, tổ chức chống dịch ở ngoài bệnh viện cũng như trong bệnh viện, công tác chống nhiễm khuẩn trong bệnh viện… để vừa chống dịch, vừa phòng tránh lây nhiễm, đảm bảo nguồn nhân lực".

Trước những yêu cầu này, cuốn sách "Chẩn đoán & Điều trị Covid-19" đã gấp rút được viết và hoàn thành trong vòng 4 tháng, từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2021.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Cố gắng thêm một chút để nhiều người được hưởng lợi - 4
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu (bên phải) và PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải trong buổi ra mắt sách Chẩn đoán & Điều trị Covid-19. (Ảnh: NVCC)

"Ban đầu chúng tôi chỉ định cô đọng về phần hồi sức, tuy nhiên sau đó, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu có nói cần mở rộng thêm ra các vấn đề khác, bao gồm cả hậu Covid, bởi như vậy mới "xứng tầm" phục vụ cho công tác điều trị của bệnh viện nói riêng và các cơ sở y tế nói chung.

Sau đó, tôi và thầy Hiếu đã cùng nhau huy động thêm đội ngũ y bác sĩ trên cả nước tham gia viết sách. Các bác sĩ tham gia viết đều còn trẻ, nhiều người đang học nội trú, nhiều người đang mắc Covid-19 cũng tham gia".

PGS Hoàng Bùi Hải cho hay, xuất phát từ đội ngũ tác giả là các bác sĩ tâm huyết, giàu kinh nghiệm cả trong lĩnh vực chống dịch cũng như giảng dạy nên cuốn sách rất thực tế, bao gồm nguồn kiến thức phong phú. Đây là điều giúp cuốn sách trở nên khác biệt.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Cố gắng thêm một chút để nhiều người được hưởng lợi - 5

PGS.TS. BS Hoàng Bùi Hải cùng các đồng nghiệp (Ảnh: NVCC).

Được biết, bên cạnh những thành tích đã đạt được ở thời điểm hiện tại, cách đây 14 năm, PGS.TS. BS Hoàng Bùi Hải vinh dự khi được biết đến với vai trò là một trong những người đầu tiên của giới y khoa Việt Nam nghiên cứu bài bản về bệnh tắc động mạch phổi.

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải chia sẻ: "Khi đang là bác sĩ nội trú năm thứ 2 chuyên ngành Hồi sức Cấp cứu (ĐH Y Hà Nội), tôi trúng tuyển đi học bác sĩ nội trú tại Bệnh viện châu Âu Georges Pompidou, Paris, Pháp. Tại đây, tôi được chứng kiến và tham gia cùng các đồng nghiệp chẩn đoán và xử trí căn bệnh tắc động mạch phổi một cách thường quy, trong khi đó tại Việt Nam, vấn đề này còn được biết một cách rất mơ hồ. Khi về nước, tôi đã chọn đề tài này làm đề tài tốt nghiệp. Khi đó, tôi là một trong những người đầu tiên ở Việt Nam làm về lĩnh vực này".

Năm 2008, BS Hoàng Bùi Hải lần đầu báo cáo đề tài nghiên cứu về căn bệnh tắc động mạch phổi tại Hội nghị Tim mạch Đông Nam Á bằng tiếng Anh, sau đó thực hiện luận án Tiến sĩ và tiếp tục đầu tư nghiên cứu đề tài này. Sự tâm huyết, nỗ lực không ngừng nghỉ mà bác sĩ Hải dành cho đề tài này đã được nhiều bài báo quốc tế ghi nhận.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải cho hay, bản thân luôn cố gắng thực hiện song hành các nhiệm vụ liên quan đến công tác khám chữa bệnh, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bác sĩ Hải quan niệm, ba yếu tố trên như ba cạnh của một tam giác, hay ba chân của một kiềng, luôn tương hỗ lẫn nhau; một bác sĩ có kinh nghiệm thì sẽ giảng dạy tốt, và bác sĩ có tham gia nghiên cứu thì sẽ có kiến thức tổng quát hơn.

Mong mỏi có môi trường hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu

Khi được hỏi về bí quyết "giữ lửa" đam mê, đồng thời có thể đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực giảng dạy, chữa bệnh cũng như nghiên cứu khoa học, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải cười và nói về quan niệm "tuổi nào việc nấy".

"Tôi cho rằng còn trẻ, còn khỏe, còn đam mê, đầu óc còn "mở" để tiếp nhận thì còn phải học. Học càng nhiều càng tốt, kiến thức càng khó, tôi càng muốn chinh phục.

Có được những thành quả như hiện tại, tôi tin rằng một phần là nhờ khả năng ngoại ngữ. Ngoại ngữ mở ra cơ hội học tập, giúp thời gian tìm tòi, nghiên cứu của tôi được rút ngắn hơn.

Trong công việc, tôi luôn nhìn xa, nhìn về phía trước để thấy mình thực sự nhỏ bé. Điều đó giúp tôi gia tăng động lực phấn đấu, vượt qua giới hạn bản thân.

Tôi luôn tự nhủ, mình cần phải cố gắng hơn bởi tôi cố gắng thêm một chút, sẽ có nhiều người được "hưởng lợi". Ví dụ, trong quá trình đào tạo sinh viên, tôi đem kiến thức đã học để bồi đắp cho họ; họ sẽ đem kiến thức ấy để cống hiến, để rồi những điều tốt đẹp sẽ như một cấp số nhân…".

Tuy nhiên, bác sĩ Hải cũng thừa nhận, bản thân phải đối diện với nhiều áp lực, khó khăn khi vừa phải thực hiện việc khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, đồng thời lên lớp.

Trong đó, khó khăn lớn nhất mà bác sĩ Hải gặp phải chính là thời gian. Đôi khi, công việc áp lực, thời gian dành cho gia đình và bản thân không nhiều khiến bác sĩ rơi vào stress. "Lúc đó, tôi phải tự mình cân bằng, tự sắp xếp thời gian và lựa chọn việc nào cần làm trước".

Với vai trò là một bác sĩ, giảng viên cao cấp, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải cho biết, điều mà tôi mong mỏi nhất trong tương lai chính là có được môi trường hiện đại, chuyên nghiệp phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học, khám chữa bệnh cũng như đào tạo, nâng tầm chất lượng đội ngũ y bác sĩ.

Hiện tại, PGS.TS Hoàng Bùi Hải đang trong quá trình tìm hiểu về các công trình "cấp cứu trước viện". Khẳng định đây là một lĩnh vực khó, ở Việt Nam chưa phát triển, chưa có mã nghề, mã ngành; BS Hải hy vọng, trong tương lai, cấp cứu trước viện sẽ trở thành lĩnh vực y học phổ biến, dù để làm được điều này thì có thể sẽ mất mười năm, thậm chí hai mươi năm.

Bác sĩ Hoàng Bùi Hải: Cố gắng thêm một chút để nhiều người được hưởng lợi - 6
PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải (đứng thứ 3 từ bên phải) trong lần tiếp Đại sứ CHLB Đức thăm Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19. (Ảnh: NVCC)

Là giảng viên đại học,  PGS.TS. BS Hoàng Bùi Hải mong muốn sinh viên ĐH Y Hà Nội nói riêng và sinh viên ngành y dược nói chung, khi đã chọn nghề này, thì phải chuyên tâm, yêu nghề và học tập suốt đời.

"Cố gắng đừng cắt đứt mạch học của mình, ví dụ làm bác sĩ thì phải học nội trú, cử nhân thì hãy học lên thạc sĩ… Con đường học phải liên tục, học sớm thì sẽ đến đích sớm, trưởng thành sớm hơn. Song song với chuyên ngành, các bạn đừng quên trau dồi ngoại ngữ. Với các bạn trẻ, tôi khuyên các bạn hãy chú trọng, đầu tư vào việc học của mình. Hãy học vì đam mê, làm theo đam mê, luôn tìm đến những kiến thức đúng đắn và sáng tạo dựa trên tinh thần vì cộng đồng" - Bác sĩ Hải chia sẻ.

PGS.TS.BS HOÀNG Bùi Hải (SN 1978), Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19:

Quá trình đào tạo:

Đào tạo trong nước: 

- 2002: Tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Hà Nội.

- 2008: Tốt nghiệp BSNT chuyên ngành HSCC tại Đại học Y Hà Nội.

- 2013: Bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội. 

Đào tạo nước ngoài:

- 2005 - 2006: Bác sĩ Nội trú Bệnh viện Châu Âu Georges Pompidou, Paris, CH Pháp. 

- T6/2011: tại Bệnh Viện National University Hospital of Singapore, Singapore.

- T7/2011: Royal Northsore Hospital, Sydney, Australia.

Quá trình công tác:

- Từ 2008 đến T3/2014: Bác sĩ điều trị tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Bạch Mai, Khoa Khám cấp cứu - Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; Giảng viên Bộ môn Hồi sức tích cực (HSCC) - Trường ĐH Y Hà Nội.

- Từ 2011 - 2014: Phó trưởng Khoa khám - Cấp cứu tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; Giảng viên Bộ môn HSCC - Trường ĐHY Hà Nội.

- Từ 2016-2018: Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; Giảng viên Bộ môn HSCC - Trường ĐH Y Hà Nội.

- Từ 2018-2021: Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực tại Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; Giảng viên cao cấp Bộ môn HSCC - Trường ĐH Y Hà Nội.

- 9/2021- nay: Trưởng khoa Cấp cứu & Hồi sức tích cực, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội; Giảng viên cao cấp Bộ môn HSCC - Trường ĐH Y Hà Nội.

Lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu: Có 77 bài báo khoa học (67 trong nước và 10 quốc tế) về các lĩnh vực: Chẩn đoán và điều trị thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch; Chẩn đoán và xử trí các bệnh lý hồi sức cấp cứu; Chẩn đoán và điều trị Covid-19; Cấp cứu trước viện và các vấn đề tổ chức, đào tạo, nghiên cứu liên quan.