Bạc Liêu: Cán bộ Hội Khuyến học cơ sở phải thể hiện được “5 chữ T”

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Ngày 30/9, Hội Khuyến học Bạc Liêu tổ chức tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến học cho hơn 100 cán bộ chuyên trách hội khuyến học trên địa bàn tỉnh.

Tham gia tập tuấn là các cán bộ Hội Khuyến học chuyên trách ở cấp huyện và cấp xã, Chi hội Khuyến học các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, trường đại học, cao đẳng,… trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Bạc Liêu: Cán bộ Hội Khuyến học cơ sở phải thể hiện được “5 chữ T” - 1

Hơn 100 cán bộ chuyên trách Hội Khuyến học ở của Bạc Liêu tham gia tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến học năm 2020.

Ông Nguyễn Kiên Nhẫn, Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu, cho biết, lớp tập huấn nghiệp vụ công tác khuyến học cho cán bộ Hội Khuyến học chuyên trách là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của Hội Khuyến học trong 3 tháng cuối năm 2020.

2 nhiệm vụ còn lại là tổ chức hội thảo chuyên đề sơ kết đánh giá sự phối hợp liên kết giữa Hội Khuyến học tỉnh với các ngành giai đoạn 2015 - 2020; tổ chức đại hội đại biểu Hội Khuyến học nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Các cán bộ được tập huấn 3 chuyên đề (CĐ), gồm: Những nội dung cơ bản trong Kết luận số 49-KL/TW ngày 10/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” (CĐ1); Những nội dung cơ bản trong kế hoạch thực hiện Kết luận số 49 theo Quyết định số 489/QĐ-TTg ngày 8/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ (CĐ2); Vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Hội Khuyến học cơ sở (CĐ3).

Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu nêu tầm quan trọng công tác khuyến học

Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu khẳng định, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là người đứng đầu trong các tổ chức chính trị xã hội trong cả nước nói chung, tỉnh Bạc Liêu nói riêng.

Các cán bộ tham gia tập huấn là những người trực tiếp chuyên trách công tác khuyến học, trực tiếp tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác khuyến học. Do đó, Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu đề nghị các học viên cần nắm chặt từng vấn đề, nhiệm vụ cụ thể, để vận dụng thực hiện ở địa phương, đơn vị, mang lại chất lượng hiệu quả cao nhất, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả cao trong công tác này.

“Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời ở tỉnh, huyện, thị, thành phố đạt chất lượng hiệu quả đến mức độ nào là do Hội Khuyến học ở xã, phường, thị trấn và các tổ chức Hội Khuyến học ở các ngành, các cấp quyết định”, Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu nhấn mạnh.

Bạc Liêu: Cán bộ Hội Khuyến học cơ sở phải thể hiện được “5 chữ T” - 2

Ông Lê Văn Sum, Phó Ban Tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh, xã hội học tập thì cái chính là bắt đầu từ gia đình.

Trình bày chuyên đề 1, ông Lê Văn Sum, Phó trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Bạc Liêu, đã nêu rõ 7 nhiệm vụ cơ bản của Kết luận số 49.

Một trong những nhiệm vụ mà ông Sum nêu ra đó là tiếp tục xóa mù chữ cho người lớn, thực hiện chế độ đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc đối với cán bộ, công chức và người lao động.

“Chúng ta ngoài quan tâm lớp trẻ thì quan tâm người lớn tuổi, đây là một điểm nhấn trong Chỉ thị 11. Cho nên việc xóa mù chữ cho người lớn phải được thực hiện cho tốt, bên cạnh đó gắn với phổ cập, dạy nghề, giải quyết việc làm, điều này rất cần để thực hiện chất lượng xã hội học tập”, Phó Ban Tuyên giáo Bạc Liêu lưu ý.

Ông Lê Văn Sum cũng nhấn mạnh, xã hội học tập thì cái chính là từ giáo dục gia đình, bởi gia đình là nền tảng của xã hội, nơi tạo sự bình yên, phát triển nhân cách con người. Ở nhà cha mẹ lộn xộn thì con cái cũng vậy, cho nên gia đình hình thành nuôi dưỡng nhân cách con trẻ đầu tiên.

“Chúng ta hãy trân trọng khuyến học, nếu ai coi nhẹ khuyến học, khuyến tài thì xem lại nhận thức của mình. Bởi có thể nói đây là nền tảng, chỗ dựa để chúng ta chấn hưng giáo dục”, ông Sum nêu quan điểm.

Bạc Liêu: Cán bộ Hội Khuyến học cơ sở phải thể hiện được “5 chữ T” - 3

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu, ông Dương Hoài Ngọc nêu bật vai trò, nhiệm vụ quan trọng của Hội Khuyến học cơ sở trong công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Trong khi đó, ông Dương Hoài Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Bạc Liêu, đã trình bày chuyên đề 2 và 3. Trong đó, ông Ngọc đã nêu rõ vai trò, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, phát triển và quản lý hội viên khuyến học,... ở cơ sở. 

Hội Khuyến học cơ sở là nền tảng của Hội Khuyến học Việt Nam, là cầu nối trực tiếp giữa Đảng, chính quyền, Hội Khuyến học với nhân dân. Bởi mọi chủ trương, kế hoạch, hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và Hội Khuyến học đến với nhân dân mức độ nào, rộng hay hẹp, nông hay sâu là tùy thuộc vào trình độ của cán bộ, cách tổ chức thực hiện của Hội Khuyến học cơ sở.

Đội ngũ cán bộ khuyến học cơ sở phải là người có đủ phẩm chất, năng lực, thể hiện được "5 chữ T" có liên quan chặt chẽ với nhau. Đó là có Tâm (tận tụy, nhiệt tình), có Trí (hiểu biết), có Tài (biết thuyết phục, hiến kế), có Tín nhiệm (uy tín, tin yêu), có Thời gian (biết sử dụng thời gian hợp lý).

Do đó, việc lựa chọn cán bộ ở cơ sở, việc tập huấn để cán bộ và hội viên khuyến học nắm vững cách xây dựng tổ chức Hội, đẩy mạnh hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là việc làm vừa cấp bách, vừa cơ bản, quan trọng nhất hiện nay. Qua đó, góp phần thúc đẩy công tác khuyến học ngày càng phát triển đi lên.