Bà chủ hàng tạp hóa nhắn con: "Nhất định phải đỗ đại học!"

Hoài Nam

(Dân trí) - Mọi người ai nấy đều động viên con chỉ cần cố hết sức, kết quả thi thế nào cũng được nhưng chị Thu Giang, ở Nghệ An ngay từ lâu đã thể hiện rõ quan điểm với các con: "Nhất định phải đỗ đại học!".

Bà chủ hàng tạp hóa và ước mơ tuổi 17 dang dở 

Chị Giang (42 tuổi) có con trai thứ hai vừa trải qua kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, cháu sẽ dùng kết quả thi đợt này để xét tuyển vào đại học. 

Vợ chồng chị có 3 người con, con gái đầu đang học đại học năm ba ở Sài Gòn, từ lâu anh chị đã nói với các con, sau lớp 12, nhất định phải vào đại học. 

Bà chủ hàng tạp hóa nhắn con: Nhất định phải đỗ đại học! - 1

Phụ huynh tại TPHCM chờ con trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua (Ảnh: Hải Long).

Các con sinh ra và lớn lên ở vùng quê nhưng ruộng đồng không có, cũng không có nhiều cơ hội nghề nghiệp. Ở quê chị, sau phổ thông, con trẻ có các lựa chọn như vào đại học, đi miền Nam làm công nhân, hoặc nhà làm ruộng đồng, buôn bán tự do, làm "lơ" xe...

Nhiều năm gần đây rộ lên làn sóng xuất khẩu lao động, nhiều thanh niên miền Trung chọn đây là con đường lập nghiệp và giàu lên nhanh chóng. Chính vì thế không ít bạn trẻ có suy nghĩ học xong 12 sẽ đi xuất khẩu lao động, xem nhẹ việc học đại học. Gần nhà chị còn có trường hợp bỏ ngang đại học về đi xuất khẩu lao động.

"Tôi kể với các con về câu chuyện "thùng nhân" 39 người Việt ở Anh cách đây không lâu. Ngay cả những người đi lao động xuất khẩu lao động chính ngạch, gửi tiền tỷ về xây nhà cũng có rất nhiều mảng tối, con cái ở quê không có người chăm sóc, gia đình ly tán", chị Giang trải lòng. 

Người mẹ cũng chỉ cho các con hình ảnh vào dịp này năm ngoái, các con chứng kiến dòng người từ miền Nam "chạy dịch" về quê. Đó chủ yếu là công nhân, người lao động tự do... Còn các anh chị được ăn học đến nơi đến chốn như vợ chồng chị Chi con nhà bà Hương, anh Cương con nhà bà Hoài... đều yên ổn ở thành phố. 

Chị lấy chính hình ảnh vợ chồng mình để các con thấy sự khác biệt của cơ hội học lên cao. Vợ chồng chị chỉ học xong hết phổ thông, ở nhà buôn bán kiếm đồng tiền cực kỳ chật vật, khó khăn.

"Nhưng không chỉ là chuyện kiếm tiền, ít học nên chúng tôi cũng ít có cơ hội đi đây đi đó, cơ hội tiếp xúc để mở mang và cả những cơ hội thực hiện những ước mơ, cống hiến", bà chủ tạp hóa chùng lòng khi nhắc đến ước mơ trở thành bác sĩ năm 17 tuổi của mình mãi chỉ là ước mơ. 

Từ những trải nghiệm của bản thân, vợ chồng chị Giang rất quan tâm, đầu tư đến việc học cho các con từ bé, cả ba đứa con đều thích học và có lực học tốt. Anh chị nói với các con, mẹ chỉ có tiền nuôi các con học đại học, không có tiền cho các con đi xuất khẩu lao động. 

Bà chủ hàng tạp hóa nhắn con: Nhất định phải đỗ đại học! - 2

Kiếm một suất vào đại học là mục tiêu của nhiều học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: Hải Long).

Chị bộc bạch: "Có thể tầm nhìn của tôi hạn hẹp nhưng với các con tôi, học đại học là con đường tốt nhất, ít chông chênh nhất và mở ra nhiều cơ hội nhất". 

Năm nay, con trai đi thi, chị động viên con nếu chưa đỗ thì năm sau đăng ký thi tiếp. Đến khi nào con tự tin tìm cho lối đi khác cho mình thì tính sau... 

Thiếu cả thầy lẫn thợ!

Nhiều năm trở lại đây trước lo ngại "thừa thầy thiếu thợ", đâu đó xuất hiện tâm lý bài trừ việc học đại học. Nhất là trong làn sóng kiếm tiền nhanh chóng như buôn đất, livestream bán hàng, đồng lương cử nhân bị chê bai. Những tình huống so sánh lương cử nhân không bằng anh chạy grab, thua xa cô bán hủ tiếu hay cô bán cá ngoài chợ liên tục được nhắc đến. 

Ông Nguyễn Anh Trọng, hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở TPHCM cho hay mọi so sánh là khập khiễng, mỗi người sẽ có những lựa chọn khác nhau tùy vào khả năng, sở thích, điều kiện sống, tài chính và mục tiêu.

Tuy nhiên, có một điều chắc chắc đầu tư cho giáo dục là đầu tư không bao giờ lỗ, trong đó học đại học là con đường phù hợp với lộ trình học tập của nhiều học sinh và đầu tư cho học tập của các gia đình. 

Bà chủ hàng tạp hóa nhắn con: Nhất định phải đỗ đại học! - 3

Đầu tư cho học hành là đầu tư cho con đường phát triển bền vững.

Chuyên gia này nêu quan điểm: "Học đại học thể hiện bạn đã trải qua thời gian học tập, rèn luyện trong một lĩnh vực chuyên môn nhất định. Trong tuyển dụng điều kiện "có bằng đại học" vẫn rất phổ biến, không ai phủ nhận được vai trò của việc học đại học. Ai có khả năng, điều kiện để học mà không học là một điều vô cùng đáng tiếc". 

Trong lần trao với PV Dân trí về chủ đề "thừa thầy thiếu thợ" trên thị trường lao động, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết, thực tế tiếp cận đại học của Việt Nam còn rất thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong khi yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, cho chuyển đổi số và yêu cầu xã hội lại ngày càng lớn. 

"Chúng ta không "thừa thầy thiếu thợ", chúng ta rất thiếu cả thầy lẫn thợ. Chúng ta cần phát huy, tăng cường sự tiếp cận giáo dục đại học, tiếp cận với việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao. Số lượng gia tăng và không thỏa hiệp giảm chất lượng. Chất lượng và số lượng trong đào tạo luôn là hai thứ song hành của giáo dục ĐH Việt Nam", Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy khẳng định.  

Về thực tế đồng lương cử nhân quá bèo bọt so với nhiều công việc tự do khác, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy bày tỏ, nhu cầu đi làm việc, có thu nhập là nhu cầu chính đáng. Tuy nhiên, nếu nóng vội, muốn thấy kết quả ngay lập tức thì có thể các bạn sẽ phải hy sinh những kết quả còn lớn hơn rất nhiều lần cái chúng ta đạt được trước mắt. 

Theo bà Nguyễn Thu Thủy, muốn có sự thành công xứng đáng thì phải có sự đầu tư về thời gian, công sức và cả tài chính dành cho học tập, tiếp thu những tri thức mới. Việc đầu tư hôm nay sẽ mang lại thành quả cho tương lai, mỗi nỗ lực ở thời điểm này sẽ mang đến trái ngọt về sau.