Ám ảnh của nam sinh bị bạo lực học đường: Chạm mặt là đánh!

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Tuấn không rõ lý do bản thân bị ghét rồi trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Mỗi ngày đi học, nam sinh đều lo sợ, cố gắng né tránh ánh mắt của nhóm bắt nạt…

Những ngày vừa qua, các vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Dù bạo lực, bắt nạt trong học đường là vấn nạn không mới, nhưng mỗi vụ việc đau lòng được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng vẫn khiến dư luận không khỏi bức xúc.

Các nạn nhân của bạo lực học đường có thể phải đối mặt với cả những hệ lụy về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần. Không ít vụ việc, các em phải chịu đựng ám ảnh tâm lý đến nhiều năm sau…

2 năm sống trong ám ảnh vì hễ chạm mặt là bị đánh 

Đến tận bây giờ, Minh Tuấn (sinh năm 1996, Gia Lâm, Hà Nội) vẫn chưa hết ám ảnh khi nhớ về những ngày tháng bị bạo lực học đường.

Tuấn chia sẻ, cậu bắt đầu bị bắt nạt từ đầu năm học lớp 7, kéo dài tới hết năm lớp 8. Nhóm bắt nạt gồm hơn 10 người, đều là nam và hơn Tuấn 1 tuổi. Lớp Tuấn có 6 bạn nam, ngoài 1 người may mắn quen biết với vài thành viên trong nhóm bắt nạt nên được "tha", còn lại 5 người (bao gồm Tuấn) đều thường xuyên bị chửi bới, đánh đập trong suốt 2 năm.

Chỉ tới khi nhóm "đầu gấu" tốt nghiệp THCS, Tuấn mới thoát khỏi cảm giác sợ hãi mỗi ngày tới trường.

Ám ảnh của nam sinh bị bạo lực học đường: Chạm mặt là đánh! - 1
Các nạn nhân của bạo lực học đường có thể phải đối mặt với cả những hệ lụy về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần (Ảnh minh họa: infobae.com).

Theo Minh Tuấn, mọi chuyện dường như không có lý do bắt đầu. Cậu không rõ vì sao bản thân bị ghét rồi trở thành nạn nhân bị bắt nạt.

Một ngày, Tuấn đi trong sân trường và bất ngờ thấy có nhóm con trai khóa trên chặn đầu, liên tục gây hấn: "Mày dám lườm tao à", "Nhìn ngứa mắt thật". Mặc dù Tuấn chọn cách né tránh, không phản ứng nhưng từ ngày đó, "hễ gặp ở đâu cũng đều bị đánh".

"Cứ nhìn thấy mình là nhóm đó lao vào đánh, bất kể là mình chỉ đi ngang qua hay chỉ đứng ở hành lang lớp học. Chúng thường tát vào mặt, đánh vào sau gáy hoặc lấy chân đạp vào người.

Lúc đó, mình rất đau và tức, cũng muốn phản kháng lại nhưng nhóm đó quá đông. Mình thường bị đánh quanh khu lớp học hoặc ngay hành lang, ít bị đánh ngoài sân trường vì nhóm đó sợ Ban giám hiệu nhìn thấy. Khi tan học, ra ngoài cổng trường, họ cũng luôn cố tình đi sát, đẩy đổ xe mình rồi chửi bới", Tuấn nhớ lại.

Cũng theo Tuấn, các bạn nam cùng lớp khi chứng kiến cậu bị đánh đã rất muốn giúp, nhưng họ không dám vì cùng là nạn nhân bị bắt nạt, nếu giúp sẽ bị "trả thù" còn nặng hơn. Nhiều lần, nhóm bắt nạt gọi cả 5 bạn nam trong lớp Tuấn ra trước hành lang, đánh lần lượt từng người.

"Mỗi ngày đi học, mình đều lo sợ, cố gắng né tránh ánh mắt của nhóm bắt nạt. Mình không có ý định phản kháng vì chỉ cần nói lại một câu thôi sẽ bị đánh ngày càng mạnh tay hơn. Giờ ra chơi, mình đều ở trong lớp để trốn, khi tan học lại đạp xe thật nhanh, về tới nhà mới coi như an toàn. Mình vẫn thích đi học nên hôm nào cũng ước nhóm đó đột nhiên nghỉ học…", Tuấn kể.

Nói về lý do không tâm sự với gia đình hay nhà trường, Tuấn chia sẻ, cậu nghĩ "nói ra cũng không giải quyết được gì". "Vì các trận đòn không để lại thương tích nặng để làm bằng chứng. Bên cạnh đó, ở lớp khác cũng đã từng có bạn báo lên nhà trường, nhưng trường chỉ mời nhóm đó lên nói chuyện một lần, rồi lại đâu vào đó. Mình sợ bị trả thù và không tin việc nói ra sẽ có ích", Tuấn nói.

Sợ đám đông, thường xuyên giật mình do bị đánh công khai

Ngọc Anh (sinh năm 1997, quê Quảng Trị) cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Dù sự việc không kéo dài nhiều năm như Minh Tuấn, nhưng Ngọc Anh cũng phải chịu những ám ảnh tâm lý đến nhiều năm về sau.

Năm học lớp 7, trong giờ ra chơi, Ngọc Anh bị một bạn nam nổi tiếng nghịch ngợm ném chiếc bút vào má gây chảy máu. Cô bé khi ấy đã mắng bạn nam và đề nghị dừng ngay những hành động nghịch ngợm tương tự.

Tuy nhiên, Ngọc Anh không ngờ những lời nói này lại bị cho là "to gan, dám bật đầu gấu trong trường". Ngay sáng hôm sau, Ngọc Anh bị một nhóm khoảng 3-4 bạn nữ lớp khác gọi ra ngoài để "nhờ có chút việc". Khi cô vừa ra ngoài đã bị hăm dọa: "Sao mày dám nói như thế với anh ấy" kèm những cái tát mạnh vào má.

Khi về nhà, Ngọc Anh đã quyết định kể lại toàn bộ vụ việc với gia đình, nhờ sự giúp đỡ. Cuối cùng, nhóm nữ sinh hành hung và nam sinh xúi giục đều bị kỷ luật trước toàn trường. Dù mọi chuyện đã được giải quyết ở thời điểm đó, nhưng Ngọc Anh tâm sự, sau vụ việc, cô bị ám ảnh, rơi vào hội chứng sợ đám đông do bị đánh công khai. Bên cạnh đó, cô cũng thường xuyên bị giật mình khi nghe có người gọi tên hoặc nghe thấy tiếng động lạ.

Về bạn nam trong vụ việc, mỗi lần tới lớp, Ngọc Anh đều tìm cách né tránh, không dám nói chuyện. Cô luôn sợ sẽ lại có ngày bị trả thù vì bản thân đã làm cho nhóm "đàn anh, đàn chị" bị kỷ luật.

Theo Ngọc Anh, tại ngôi trường cấp 2 nơi cô theo học, những vụ bạo lực, bắt nạt học đường xảy ra "như cơm bữa", hầu như tuần nào cũng có vụ đánh nhau. Nguyên nhân đa số chỉ do "thấy chướng mắt", "thấy ngứa mắt, gai mắt" nên sinh mâu thuẫn. Có lần, Ngọc Anh chứng kiến một nhóm con trai cầm dao đe dọa một nhóm con trai khác ngay trong trường. Nhà trường sau đó đã báo công an và kỷ luật những cá nhân liên quan.

Ám ảnh của nam sinh bị bạo lực học đường: Chạm mặt là đánh! - 2

Nhiều nạn nhân bị bạo lực không dám nói với gia đình, nhà trường do lo sợ sẽ bị trả thù (Ảnh minh họa: teens.lovetoknow.com).

"Thấy vui" khi tham gia đánh hội đồng bạn cùng lớp

Những ngày còn học THCS, Diệu Linh (sinh năm 1999, quê Hải Phòng) là người thường xuyên tham gia vào những "cuộc vui" bắt nạt, trêu chọc, "động tay chân" với một bạn nữ trong lớp.

Theo Diệu Linh, năm học lớp 8, cô đột nhiên thấy không thích một bạn nữ cùng lớp vì bạn này rất điệu. Trong lớp Linh cũng có một số bạn nam thường xuyên bắt nạt bạn nữ này. Do đó, Linh quyết định "nhập hội" và luôn tham gia trong những lần bắt nạt đối tượng mình ghét. Nhóm bắt nạt gồm khoảng 5-6 người, có mình Linh là nữ.

"Bọn mình trêu chọc bạn ấy đủ mọi chuyện. Ví dụ như tóc bạn ấy mỏng, chúng mình sẽ hùa vào chửi là "con hói". Rồi trùm áo lên đầu bạn ấy để đánh. Khi bị trêu, bạn ấy chỉ tủi thân khóc, cũng không phản ứng lại nên chúng mình càng muốn trêu", Linh nói.

Nhớ lại khoảng thời gian đó, Linh chia sẻ, cô "thấy vui" khi tham gia những cuộc bắt nạt hội đồng và chứng kiến người mình không thích bị đánh. Linh cũng không sợ việc nạn nhân sẽ mách với thầy cô.

"Hình như bạn ấy từng mách với nhà trường, nhưng thầy cô chỉ nghĩ là trẻ con chơi đùa với nhau nên không quan tâm lắm. Khi mình đánh bạn đó, cũng không có bạn nào trong lớp đứng ra bảo vệ. Các bạn chỉ ngồi rồi nói vọng lên "Đừng có đánh nó như thế". Tuy nhiên, chúng mình không để ý đến những lời nói đó", Linh kể.

Dần dần, Diệu Linh cảm nhận bạn nữ sợ hãi nhóm mình, không muốn nhìn, không muốn nói chuyện. Sự việc bắt nạt kéo dài khoảng 1 năm. Đến năm lớp 9, lần lượt từng thành viên trong nhóm của Linh đột nhiên không muốn trêu nữa, bởi vậy Linh cũng dừng lại.

Cô gái trẻ tâm sự, đến thời điểm hiện tại khi sự việc đã trôi qua rất nhiều năm, cô luôn thấy ân hận mỗi khi nghĩ lại những điều bản thân và nhóm bạn đã làm. "Mình thấy thương, thấy tội nghiệp cho bạn bị bắt nạt. Bạn ấy không làm gì cũng bị bắt nạt, bị chúng mình đánh. Bản thân mình hồi ấy thật trẻ con. Đến bây giờ, xin lỗi chắc cũng muộn…", Diệu Linh nói.

(Tên nhân vật đã được thay đổi)

Chia sẻ với PV Dân trí, Tiến sĩ Hoàng Trung Học, Trưởng Khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục cho rằng không thể hy vọng trong môi trường học đường tuyệt đối hết bạo lực.

"Ở đâu còn có một cộng đồng làm việc cùng nhau, thì ở đó sự khác biệt, mâu thuẫn, xung đột và thậm chí bạo lực vẫn có thể xuất hiện. Tình trạng bạo lực thời nào cũng có, ở đâu cũng có, chỉ là mức độ, tính chất khác nhau mà thôi.

Chúng ta không thể đặt mục tiêu về một môi trường hoàn toàn không còn bạo lực. Vấn đề là phải làm sao để giảm thiểu đến mức thấp nhất nguy cơ bạo lực, tạo ra một môi trường giáo dục tối ưu, lành mạnh", Tiến sĩ Học nói.

Tiến sĩ Học nhấn mạnh, việc trẻ bị bạo lực trong một thời gian dài nhưng không được hỗ trợ có trách nhiệm lớn của cha mẹ, thầy cô, nhà trường. Trong đó, kỹ năng ứng phó, giải quyết bạo lực của học sinh ấy còn thiếu hụt; cha mẹ, thầy cô đã chưa đủ quan tâm đến con, đến học trò của mình.

Nếu trẻ bị bạo lực thời gian dài, cha mẹ, thầy cô có thể quan sát thấy từ các biểu hiện bên ngoài như: trẻ có biểu hiện lơ đãng, thất thần; sợ đến trường, xao nhãng học tập, kết quả học tập suy giảm. Thậm chí, có thể xuất hiện những dấu hiệu trên cơ thể: các vết xước, vết bầm tím; quần áo bị xé, cúc áo bị đứt một cách bất thường.

Đứa trẻ bị bạo lực, trải qua cảm giác sợ hãi cũng dễ bị mất ngủ, có những cơn hoảng loạn khi ngủ, hoặc thường rụt rè trong các mối quan hệ. Bố mẹ, thầy cô có thể dựa vào những dấu hiệu đó để quan sát, dự đoán trẻ có thể là nạn nhân của hành vi bạo lực.