17h hôm nay, kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Thí sinh cần thực hiện đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng trước hạn cuối để tránh các rủi ro về kỹ thuật (nếu có).

Sáng 20/8, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo nhắc nhở thí sinh: Thời gian kết thúc đăng ký nguyện vọng là trước 17h hôm nay (20/8). Thí sinh cần khẩn trương đăng ký, tránh rủi ro.

Trước đó, thống kê của Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho thấy đến 12h trưa ngày 19/8, vẫn còn 343.300 thí sinh chưa nhập nguyện vọng lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT trên tổng số 941.300 thí sinh đăng ký xét tuyển.

Vụ Giáo dục Đại học nhiều lần nhấn mạnh, sau 17h ngày 20/8, Hệ thống sẽ tự động khóa chức năng đăng ký xét tuyển để chuyển sang các quy trình tiếp theo. Khi đó, thí sinh sẽ không còn quyền đăng ký hoặc điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển.

17h hôm nay, kết thúc thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học - 1
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 (Ảnh: Mạnh Quân).

Theo TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, thí sinh nên sắp xếp nguyện vọng theo 3 lớp như sau để tăng tối đa cơ hội trúng tuyển.

Lớp số 1 (đặt lên trên cùng) là những ngành mà khả năng đỗ có phần "hơi chới với", tức điểm chuẩn mọi năm của ngành này cao hơn một chút so với điểm của thí sinh. Nguyên tắc vẫn là ngành yêu thích nhất, trường yêu thích đặt lên trước.

"Ví dụ, em đang thích ngành Quản trị Kinh doanh và thích trường ĐH Hà Nội, em có thể xếp ngành Quản trị kinh doanh của trường ĐH Hà Nội lên đầu tiên, sau đó đến ngành Quản trị kinh doanh của một trường khác tương tự như ĐH Hà Nội mà có thể điểm thấp hơn một chút hoặc tương đương. Nhưng thường điểm của trường thứ hai nên thấp hơn, bởi vì nếu tương đương thì em đã đỗ nguyện vọng trước đó rồi", TS Phương giải thích.

Sau đó, tới lớp số 2 sẽ là những ngành mà điểm của thí sinh có thể "gần như đỗ", tức khả năng trúng tuyển đã lên đến 90-95% (so với điểm chuẩn các năm gần đây). Ví dụ, điểm chuẩn của trường đó, ngành đó mọi năm bằng điểm thí sinh đang có thì nên xếp vào nhóm này.

Lớp nguyện vọng cuối cùng là các ngành đã chắc chắn đỗ, tức những trường, những ngành mọi năm lấy điểm thấp hơn điểm thí sinh đang có. "Nếu xếp thành 3 lớp nguyện vọng như trên, cơ hội của các em sẽ là rất lớn", TS Phương khẳng định.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội cũng chia sẻ, qua thực tế tư vấn tuyển sinh, cô nhận thấy rất nhiều thí sinh vướng phải một lỗi có thể khiến các em bị trượt đáng tiếc, đó là sắp xếp rất nhiều nguyện vọng, nhưng các nguyện vọng đều tương đương nhau.

"Có một số bạn xếp tới 6-7 nguyện vọng, nhưng tất cả nguyện vọng đó có điểm chuẩn mọi năm như nhau, lấy cùng khoảng điểm như nhau. Các em cứ khăng khăng chỉ học ngành đó, ở những trường đó, trong khi điểm của mình không đạt, như vậy cơ hội trúng tuyển sẽ hạn chế hơn rất nhiều. Lúc ấy, khi biết mình trượt rồi mới hối tiếc thì đã muộn màng", TS Phương cho hay.

TS nhấn mạnh, thí sinh nên so sánh điểm mình đang có với điểm chuẩn trúng tuyển các năm trước và xét nguyện vọng giảm dần theo cấp bậc như đã hướng dẫn.