100% địa bàn dân cư có mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài

Nguyễn Liên

(Dân trí) - Theo GS Doan, mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài đã được triển khai trên 100% địa bàn dân cư, đang trở thành một phong trào quần chúng mang tính tự giác cao.

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thu được nhiều nét nổi bật

Phát biểu tại Hội nghị kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam và phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023, tổ chức ngày 27/9, GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam tâm sự, ngày 2/10/1996, Hội Khuyến học Việt Nam chính thức ra mắt nhân dân.

Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định lấy ngày 2/10 hàng năm làm Ngày Khuyến học Việt Nam.

Trong 15 năm qua, ngày 2/10 trở thành sự kiện có ý nghĩa "kép": kỷ niệm ngày thành lập một "Hội quần chúng" có sứ mệnh cùng toàn dân đưa Việt Nam trở thành một quốc gia học tập và kỷ niệm ngày khởi động một phong trào toàn dân học tập suốt đời. Đồng thời, tri ân những người có tâm huyết, công lao to lớn đối với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

100% địa bàn dân cư có mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài - 1
Toàn cảnh Hội nghị kỷ niệm Ngày Khuyến học Việt Nam và phát động Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2023 (Ảnh: Nguyễn Liên).

GS Doan khẳng định, trong nửa thế kỷ qua, cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta.

Cụ thể, triển khai thành công các Quyết định của Thủ tướng về xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005 - 2010 và giai đoạn 2012 - 2020 với những đề án thành phần, trong đó có đề án do Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì và làm nòng cốt là xây dựng 4 mô hình học tập: gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập.

Từ đó, định hình được mô hình xã hội học tập trên địa bàn hành chính cấp xã, đồng thời mở ra các mô hình học tập của người lớn từ gia đình, dòng họ, thôn bản, các cơ quan, công sở, trường học, các thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ. Các xã, phường, thị trấn học tập hiện nay đã góp phần không nhỏ trong xây dựng xã nông thôn mới và khu dân cư đô thị văn minh.

Kết quả này trở thành cơ sở vững chắc để Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD&ĐT triển khai các mô hình công dân học tập, đơn vị học tập theo Kết luận 49 của Ban Bí thư và các Nghị quyết, Quyết định của Thủ tưởng Chính phủ về khuyến học khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.

Phong trào xây dựng xã hội học tập đang hướng tới hình thành những cộng đồng học tập cấp huyện và cấp tỉnh vào năm 2025 và đến 2030. Việt Nam sẽ trở thành nước có xã hội học tập với các tiêu chí cụ thể và sẽ hội nhập sâu vào mạng lưới toàn cầu thành phố học tập của thế giới hiện đại.

Mối quan hệ phối hợp giữa Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan, ban ngành cũng ngày càng phát triển. Phong trào học tập suốt đời mà Hội đang tập trung thúc đẩy, khuyến khích trong những năm qua tạo nên một nền tảng lý luận và thực tiễn về xây dựng hệ thống giáo dục người lớn, bên cạnh hệ thống giáo dục đại học và giáo dục chuyên nghiệp.

"Việc xây dựng xã hội học tập mà nòng cốt là công dân học tập, học tập suốt đời hiện nay mà thành công thì chắc chắn kinh tế tri thức của đất nước chúng ta sẽ phát triển mạnh mẽ, chúng ta sẽ đạt các chỉ tiêu do Đại hội XIII đề ra", GS Doan nói.

100% địa bàn dân cư có mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài - 2
GS.TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam (Ảnh: Nguyễn Liên).

Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Doan, Hội Khuyến học Việt Nam hiện có trên 22 triệu hội viên. Mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài được triển khai trên 100% các địa bàn dân cư, đang trở thành một phong trào quần chúng mang tính tự giác cao.

Trong phong trào nhân dân làm khuyến học, Hội đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, kết nối mọi lực lượng xã hội để cùng nhau gánh vác sứ mệnh thúc đẩy sự học của người lớn và hỗ trợ giáo dục trong, ngoài nhà trường; lấy khuyến học, khuyến tài làm phương tiện thực hiện mục tiêu chiến lược đưa đất nước trở thành một xã hội học tập.

Khuyến tài cũng là hoạt động được Hội Khuyến học Việt Nam phát triển trên quy mô lớn với 2 hướng triển khai chính là Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và các phần thưởng cho học sinh, sinh viên, người lớn có thành tích học tập xuất sắc.

Song song, Quỹ Khuyến học được phát triển mạnh trong những năm qua dưới các hình thức huy động, sáng tạo của các cấp Hội. Đã có hàng triệu học sinh, sinh viên và người lớn được nhận học bổng, phần thưởng của các cấp Hội.

GS.TS Nguyễn Thị Doan cho biết, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ tập trung triển khai mô hình "Công dân học tập" và tiếp tục thực hiện 4 mô hình học tập theo Quyết định 387 của Thủ tướng Chính phủ.

"Việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ mô hình "Công dân học tập" có thể coi như một khâu đột phá trong toàn bộ kế hoạch xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030.

Phát triển tốt mô hình "Công dân học tập", chúng ta sẽ nâng cao chất lượng của các mô hình học tập hiện đang được vận hành. Thực hiện tốt mô hình này sẽ đóng góp cho đất nước những công dân học tập suốt đời, từ đó những công dân số sẽ là lực lượng nòng cốt xây dựng đất nước trong cuộc cách mạng 4.0", GS Doan nhấn mạnh.

Bà khẳng định, với sự tin tưởng và tinh thần quyết tâm cao độ, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.

100% địa bàn dân cư có mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài - 3
GS.TS Nguyễn Thị Doan cùng Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Liên).

Công tác khuyến học cần tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, Hội Khuyến học Việt Nam trong những năm vừa qua đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động phong phú, làm lan tỏa, tôn vinh và nhân lên các giá trị tốt đẹp bắt nguồn từ truyền thống hiếu học.

"Tôi rất vui mừng ghi nhận những phát triển mạnh mẽ của Hội, từ bước đầu chỉ có tổ chức Hội ở 21 tỉnh, thành, đến nay đã phủ kín 100% địa bàn cấp huyện và trên 98% cấp xã với 22 triệu hội viên (chiếm hơn 21% dân số cả nước).

Hội Khuyến học Việt Nam đã trở thành một lực lượng đông đảo, lớn mạnh, đi đầu thực hiện nhiệm vụ vận động toàn dân học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập", ông Nghĩa cho hay.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng bày tỏ sự đánh giá cao với những phong trào, chương trình hoạt động mang ý nghĩa và giá trị khuyến học thiết thực của Hội. Những phong trào này đã khơi dậy được tinh thần hiếu học trong mỗi người dân, được đông đảo nhân dân đồng tình đón nhận, ủng hộ, chia sẻ và làm theo. 

"Từ sự nỗ lực không ngừng của các cấp Hội; sự mẫn cán, tâm huyết của từng hội viên, phong trào khuyến học, khuyến tài đã từng bước ăn sâu, bắt rễ vào mỗi gia đình, thôn bản, làng xã, cộng đồng dân cư; tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp giáo dục đào tạo và đưa phong trào xã hội học tập phát triển rộng, mang lại hiệu quả thiết thực hơn", ông Nghĩa khẳng định.

100% địa bàn dân cư có mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài - 4
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Liên).

Theo ông, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã cấp học bổng đúng mục tiêu, địa chỉ cho hàng chục ngàn sinh viên, học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh, thành, các trường; vận động các lực lượng xã hội, doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ các địa phương xây dựng, sửa chữa trường học, nhà nội trú, giúp giáo viên bám lớp, bám trường… 

Thông qua các suất học bổng khuyến học, Hội đã kết nối các lực lượng xã hội, thắp lên ngọn lửa nghị lực, giúp nhiều em học sinh, sinh viên vượt khó vươn lên trong học tập, rèn luyện.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thực trạng công tác giáo dục, phát triển nguồn nhân lực con người gắn với mục tiêu xây dựng, phát triển đất nước những năm tới đây đang đặt ra yêu cầu và đòi hỏi mới đối với công tác khuyến học.

Ông cho rằng, công tác khuyến học trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy sức mạnh của nhân dân, được triển khai đồng bộ; trở thành ý thức, giá trị hướng đến và có sự tham gia của mỗi người dân, mỗi cộng đồng cũng như toàn xã hội.

Bên cạnh đó, phát huy vai trò cầu nối giữa truyền thống hiếu học tốt đẹp qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc với định hướng phát triển nguồn nhân lực, con người và khát vọng xây dựng đất nước hùng cường mà Đảng đã chỉ ra với nhu cầu học tập của mỗi người dân.

100% địa bàn dân cư có mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài - 5
Các đại biểu tham dự Hội nghị (Ảnh: Nguyễn Liên).

Ngoài việc chú trọng làm lan tỏa theo chiều rộng, công tác khuyến học cũng cần gắn với nâng cao chất lượng chiều sâu, triển khai có hiệu quả hơn nữa các phong trào xây dựng xã hội học tập, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập; mở rộng, tăng cường số lượng thành viên tham gia để lan tỏa, truyền tải, hình thành nhận thức đúng, cách hiểu đúng về việc học trong thời đại mới.

Công tác khuyến học cũng cần được triển khai song hành, gắn liền với công tác khuyến tài; tạo điều kiện cho phát triển nhân tài đất Việt, để việc khuyến học có đóng góp quan trọng trong đổi mới, sáng tạo và là động lực cho quá trình đổi mới giáo dục, phát triển đất nước.