Phim truyền hình sitcom “tấn công” màn ảnh nhỏ:
Vừa mừng, vừa lo!
Mở đầu là “Lẵng hoa tình yêu”, “Bà mẹ nhí”, “Nguyệt quán” trên sóng Đài truyền hình TPHCM, sắp tới là “Chung cư vui vẻ” của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), và cả những dự án đang âm thầm khởi động, thể loại sitcom đang bắt đầu chinh phục khán giả truyền hình Việt Nam.
Kể từ Lẵng hoa tình yêu với nhiều lời khen tiếng chê đến nay, thể loại sitcom (hài tình huống) đã trở thành một "món ăn" trong thực đơn của khán giả truyền hình phía Nam với Bà mẹ nhí, Nguyệt quán phát sóng vào chủ nhật hằng tuần trong chương trình Tạp chí Văn nghệ của Đài truyền hình TPHCM (HTV),
Điểm mạnh lớn nhất của loại phim này là việc đáp ứng kịp nhu cầu phát sóng liên tục. Thường, với sitcom, chỉ cần khoảng 2 ngày là có thể hoàn thành một tập phim. Chính điểm mạnh này đã giúp cho thể loại sitcom ngày càng được giới sản xuất phim truyền hình Việt để mắt đến.
Đạo diễn Lê Bảo Trung nhận xét: "Thể loại sitcom trên màn ảnh nhỏ phía Nam hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ căn bản. Do người xem Việt Nam chưa quen với thể loại này nên nhà sản xuất cũng đã lược bỏ bớt tiếng cười đệm trong các tình huống". Với sitcom, có thể khẳng định kịch bản là quan trọng nhất. Một kịch bản hay là điều kiện tiên quyết để níu khán giả ngồi lại trước màn ảnh nhỏ.
Hiện nay, đa phần kịch bản sitcom của chúng ta là mua của nước ngoài và Việt hóa. Chính vì thế, yếu tố hấp dẫn của sitcom ở các nước là tính thời sự đã không thể có trong các kịch bản này. Chính việc Việt hóa kịch bản nước ngoài "chưa tới nơi tới chốn" đã cho ra các sản phẩm sitcom có các chi tiết xa lạ với người xem Việt Nam.
Bên cạnh đó, mỗi tập kịch bản gốc sitcom của nước ngoài thông thường có độ dài 25-30 phút trong khi thời lượng một tập phim của ta là 45 phút nên đôi lúc người xem thấy hình như những kịch bản sitcom nước ngoài được Việt hóa có phần "kéo giãn" và "cười nhạt".
Sắp tới, Chung cư vui vẻ dự kiến sẽ lên sóng VTV vào tháng 8/2007 đang hứa hẹn một mùa sitcom mới kéo dài hàng năm dài trên sóng. Chung cư vui vẻ có kịch bản chuyển thể được mua từ tác phẩm sitcom cùng tên đang phát sóng trên truyền hình Trung Quốc đến tập thứ 500, kéo dài suốt 3 năm.
Gió mới sitcom đang thổi qua màn ảnh nhỏ Việt, làm khán giả vừa mừng vừa lo. Với tình hình khan hiếm diễn viên giỏi lẫn kịch bản hay, đa số kịch bản mua của nước ngoài, phim trường nơi có nơi không, nơi đang trong giai đoạn đầu tư thì việc tạo ra những tác phẩm sitcom hay, có dấu ấn đáng kể vẫn đang cần nhiều nỗ lực từ những người làm phim Việt Nam.
Đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn: "Một tác phẩm sitcom hay và có thể hấp dẫn khán giả thời gian dài phụ thuộc vào nhiều yếu tố: kịch bản, diễn viên, phong cách hài... Ví dụ như Friends (Những người bạn) từng làm người Mỹ điên đảo nhưng về Việt Nam đã... thua. Hơn nữa, sitcom mà quá nhiều tập, kéo dài, sẽ đòi hỏi một lượng diễn viên lớn, vừa giỏi nghề, vừa có duyên. Đây là một bài toán khó trong điều kiện diễn viên của chúng ta chưa chuyên nghiệp và đa số là diễn viên sân khấu sang đóng phim. Tuy nhiên, chúng ta vẫn tin tưởng các đồng nghiệp của mình sẽ làm tốt vì khán giả cần được ăn nhiều món ăn tinh thần đa dạng".
NSƯT Kim Xuân: "Theo tôi, hiện nay thể loại sitcom của chúng ta chưa ra chất sitcom lắm. Vì thể loại này chú trọng đặc biệt vào ngôn ngữ, lời thoại, diễn viên diễn giỏi thì không cần chọc cười nhưng vẫn làm khán giả phải phì cười và thú vị. Tôi nghĩ, sitcom ở ta cần khai thác cái duyên của diễn viên nhiều hơn". |
Theo Vinh Nguyễn
Thanh Niên