Võ Thị Xuân Hà : “Nhà văn nhất thiết không được nghèo”
(Dân trí) - “Nghèo đi đôi với thiếu thốn. Nhà văn mà thiếu thốn thì làm sao có đủ năng lượng sống. Làm sao học thêm, làm sao giúp được ai? Vì vậy không cần phải giàu có, mà nhà văn nhất thiết không được nghèo”, nhà văn Võ Thị Xuân Hà chia sẻ.
Thưa nhà văn Võ Thị Xuân Hà, với tư cách là Trưởng Ban Nhà văn Trẻ, Ngày hội Sách và Văn hóa đọc của Việt Nam tại Văn Miếu đang diễn ra (từ 21/4-22/4/2012). Ban Nhà văn Trẻ có những hoạt động gì tại buổi lễ để quảng bá văn học?
Đối với Ngày hội sách và Văn hóa đọc, các nhà văn luôn xác định rõ mình là những người cần phải tham gia tích cực nhất cùng với những nhà hoạt động văn hóa. Những người trực tiếp viết sách và các tác phẩm thì không thể nào ngoảnh mặt đối với những hoạt động tôn vinh sách và văn hóa đọc.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: "Chúng tôi muốn qua sự nỗ lực của mình, công chúng yêu văn chương sẽ có thêm những mối thiện cảm đối với các tác giả trẻ, từ đó tìm đọc tác phẩm của họ" (Ảnh: X.H)
Ý tưởng của Ban Nhà văn Trẻ tham gia trong Ngày hội sách lần này là gì?
Hội Nhà văn Việt Nam thường có sân thơ tại các Ngày thơ Việt Nam, nhưng chưa có sân nào cho văn xuôi. Ngày đọc sách từ năm 2011 đã có tầm cỡ quy mô quốc gia,vì thế trong dịp này chúng tôi đã đưa văn xuôi ra để trình diễn như một cách tiếp cận khác đối với tác phẩm.
Năm nay chúng tôi mời các cây bút văn xuôi trẻ đã thành danh như: Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Nguyễn Xuân Thủy; còn mảng thơ thì có Trần Hoàng Thiên Kim, Thụy Anh, Lệ Bình Quan, có cả những tác giả lần đầu xuất hiện trước công chúng tại sân Văn Miếu Quốc Tử Giám như: Vũ Anh Vũ, Vũ Thiên Kiều (từ Kiên Giang ra).
Thông qua buổi trình diễn này, Ban Nhà văn Trẻ sẽ đem thông điệp gì đến cho công chúng?
Chúng tôi muốn qua sự nỗ lực của mình, công chúng yêu văn chương sẽ có thêm những mối thiện cảm đối với các tác giả trẻ, từ đó tìm đọc tác phẩm của họ.
Chị từng nói, người Việt trẻ không có thói quen đọc sách như người nước ngoài và cảm thấy buồn khi văn hóa đọc xuống cấp trầm trọng. Vậy, theo chị làm thế nào đến giới trẻ không quay lưng lại với sách?
Tôi nghĩ là nền giáo dục nước ta thiếu hẳn bộ môn dạy đọc sách, tôi đã từng đọc tham luận ở một số Hội nghị về vấn đề này với mong muốn kêu gọi các nhà giáo dục đồng lòng với ý kiến của tôi và bổ sung tài liệu, nếu chưa dạy chính quy được thì nên tổ chức các buổi ngoại khóa. Các em nhỏ từ bậc tiểu học cần phải được dạy các thông số về một cuốn sách (tác giả, thể loại, kích cỡ…). Sau đó dạy cách đọc nội dung.
Có nhiều cấp đọc khác nhau, chẳng hạn như với nhà văn chúng tôi khi đọc một tác phẩm thì phải đọc làm nhiều lần, lần thứ nhất là quan tâm đến nội dung, khi đọc lần thứ hai thường đọc chậm hơn và nghiên cứu đến bút pháp. Với cộng đồng thì cũng chỉ cần hướng dẫn cách thẩm, hiểu nội dung cuốn sách.
Quan điểm của tôi là con người ta cần phải được dạy đại cương về đọc sách sau đó mới có kỹ năng đọc sách, có kỹ năng rồi thì mới thiết lập được thói quen đọc sách và tìm hiểu về sách, về tác giả. Có thói quen rồi thì mới có tình yêu. Từ tình yêu lại thiết lập một thói quen ở mức độ cao hơn. Điều này lý giải vì sao chúng ta hay nhìn thấy những người phương Tây đi du lịch cứ cầm một cuốn sách đọc bất cứ một chỗ nào. Họ đã được dạy cách đọc sách từ nhỏ. Và chúng ta thì cứ mơ ước người Việt cũng có thói quen đó.
Theo chị, muốn giới trẻ hứng thú sách vở phải có cách dạy đọc sách từ trong nhà trường?
Đầu tiên phải dạy đọc sách theo kiến thức đại cương như trên tôi đã đề cập và sau đó thông qua những ngày hội như Ngày Hội sách và Văn hóa đọc này.
Là một nhà văn, trước sự không săn đón mặn mà các tác phẩm văn học đích thực của độc giả trẻ, chị có nản lòng khi sáng tác?
Các nhà văn nhà thơ mà nản lòng trước bất cứ một sự việc gì khi mà sách không được tôn vinh thì không còn là nhà văn nhà thơ nữa.
Được biết chị mới ra các tác phẩm mới: tập truyện ngắn “Ăn trái đào hái hoa hồng đào” (2011 - NXB Hội Nhà văn), tập truyện thiếu nhi miền núi “Tiếng gà gáy trong rừng hoa A-rui”. Chưa ráo mực thì chị lại chuẩn bị phát hành một ấn phẩm mới trong năm nay. Chị có thể chia sẻ gì về tác phẩm mới này cũng như dự đoán hiệu ứng của nó đối với độc giả?
Hiện tại chị đang làm Tổng biên tập của Tạp chí Nhà văn, một tờ tạp chí được coi là “nghèo”. Vậy chị đương đầu thế nào với vai trò mới để gánh vác cả một trách nhiệm trên vai như thế?
Tạp chí Nhà văn là một tờ tạp chí văn chương truyền thống (tạp chí Tác phẩm mới trước đây). Để nói về sự đương đầu của tôi trong tình hình hiện nay, giữ cho tạp chí Nhà văn đứng vững, thì cần có cả một chuyên đề dài. Mà chúng ta lại đang nói về Ngày hội Sách và Văn hóa Đọc. Tạp chi Nhà văn cũng có đóng góp chút ít cho Ngày hội này, vì chính tạp chí Nhà văn cũng rất cần những người yêu văn chương tìm đọc. Cũng xin được nhắc lại là tạp chí Nhà văn không phải là tờ tạp chí “nghèo”, mà chỉ là nhất thời đang gặp nhiều khó khăn.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà xưa nay thường nổi tiếng là một người mạnh mẽ, tháo vát. Ít khi thấy chị buồn phiền hoặc cũng có thể là chị đã giấu cảm xúc của mình quá giỏi. Lúc chị buồn phiền hoặc trắc trở trong cuộc sống, chị thường làm gì?
Trân trọng cảm ơn chị!
Hoàng Nguyễn