Việc Angelina nhận con nuôi Việt Nam có hợp pháp?

Thông tin từ Wenn (mạng thông tin giải trí toàn cầu) cho hay, việc nhận nuôi một bé trai tại Trung tâm trẻ mồ côi Tam Bình, Thủ Đức, TPHCM của nữ diễn viên Angelina Jolie là trái với luật pháp của Việt Nam.

Đầu tháng 3, "bà Smith" đã trình các văn bản, giấy tờ cần thiết lên các quan chức của Việt Nam và Mỹ để có thể trở thành người bảo trợ hợp pháp cho bé trai với tư cách là người mẹ độc thân. Họ nhận định, theo luật của Việt Nam, những cặp cha mẹ độc thân, chưa kết hôn thì không thể nhận con nuôi.

 

Ông Tatiana Beams, quan chức của tổ chức Con nuôi quốc tế cho biết: "Điều này rõ ràng trái với luật pháp Việt Nam. Những trường hợp tương tự thế này với các cặp đôi khác là hoàn toàn không được phép. Hầu hết các cặp cha mẹ chưa kết hôn, xin nhận nuôi với tư cách là cha mẹ độc thân, sẽ bị các cơ quan chức năng sở tại loại bỏ hồ sơ hoặc gặp những khó khăn nhất định".

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Đức Long, Cục trưởng Con nuôi quốc tế, Bộ Tư pháp, khẳng định: "Trường hợp nhận nuôi này hoàn toàn không trái với các điều luật của VN. Nữ diễn viên Angelina một mình đứng ra xin nhận con nhưng không có bất cứ dấu hiệu vi phạm hay trái pháp luật nào ở đây".

 

Hiện tại, cặp đôi Angelina Jolie và Brad Pitt chưa tổ chức hôn lễ chính thức tại Mỹ.

 

Với trường hợp của Angelina, các cơ quan chức năng Mỹ cũng tán đồng và khẳng định điều này hoàn toàn tuân thủ các quy định nhận con nuôi của Việt Nam.

 

Mặc dù nam tài tử Brad Pitt, người tình của Jolie đã trở thành cha nuôi của hai bé Maddox 5 tuổi người Campuchia và Zahara 2 tuổi người Ethiopia, nhưng Jolie vẫn đệ trình các thủ tục nhận con nuôi với tư cách là mẹ độc thân.

 

Pitt và Jolie đã có với nhau một con gái ruột, bé Shiloh 10 tháng tuổi. "Đại gia đình Smith" hiện sống tại New Orleans, Mỹ.

 

Theo văn bản mới nhất quy định về việc người nước ngoài nhận con nuôi là công dân Việt Nam - Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 19/7/2002 (có hiệu lực từ 2/1/2003):

 

- Trẻ em Việt Nam được nhận làm con nuôi người nước ngoài phải dưới 15 tuổi; trường hợp trẻ bị tàn tật, mất năng lực hành vi không hạn chế tuổi.

 

- Trẻ em chỉ có thể làm con nuôi của một người hoặc của cả hai người là vợ chồng. Vợ chồng phải là những người khác giới có quan hệ hôn nhân.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Theo Nhật Thu

Ngôi Sao