Vì sao chất lượng phim Việt kém?
(Dân trí) - Trên góc độ vị trí nghề nghiệp, đạo diễn Lê Cung Bắc, Nhà sản xuất Phước Sang, diễn viên Kim Xuân, Khương Ngọc, Kim Phượng, Vân Trang... đã cùng bàn luận để lý giải câu hỏi “tại sao chất lượng phim Việt ngày càng giảm sút”.
Không chỉ những ngày gần đây, mà kể từ khi chủ trương xã hội hóa được đưa vào lĩnh vực truyền hình, sau những “quả ngọt” đầu tiên ngay lập tức, người ta bắt đầu nói tới chất lượng của những “đứa con lai” xã hội hóa này. Song, chỉ đến khi hai bộ phim được coi là “thảm họa phim Việt” là Xin thề anh nói thật và Anh chàng vượt thời gian lên sóng và gây “nhức não” cho nhiều khán giả, câu chuyện về chất lượng phim Việt mới được đưa ra mổ xẻ kỹ lưỡng như trong Hội thảo về chất lượng phim Việt diễn ra chiều 5/5 tại TPHCM.
Ngay khi vấn đề về chất lượng phim Việt được đưa ra, khán phòng đã lập tức xôn xao bởi những nhân vật rất quen thuộc và có tâm huyết với truyền hình như: Đạo diễn Lê Cung Bắc, Nhà sản xuất Phước Sang, diễn viên Kim Xuân, Khương Ngọc, Kim Phượng, Vân Trang... Trên góc độ vị trí nghề nghiệp của mình, mỗi người đều đưa ra những ý kiến về nguyên nhân vì sao chất lượng phim Việt ngày càng giảm sút.
Ông là đạo diễn, không phải cái gì người ta dúi vào tay thì ông cũng nhận, đó là lương tâm nghề nghiệp. Tất nhiên, chúng ta làm việc vì kiếm tiền để sống, nhưng nếu kịch bản dở quá thì đạo diễn, diễn viên đừng nhận. Một kịch bản dở thì dù ông có là đạo diễn hay diễn viên đoạt giải Oscar đi nữa cũng không cứu được một bộ phim”, đạo diễn của Vó ngựa trời nam thẳng thắn bày tỏ.
Tuy nhiên, ý kiến của đạo diễn Lê Cung Bắc không nhận được sự đồng tình của diễn viên trẻ Vân Trang, cô phát biểu: “Tôi đồng ý là làm gì, nghề nào cũng cần có lương tâm với nghề nhưng với những diễn viên mới ra trường như chúng tôi thì làm sao có thể lựa chọn? Chúng tôi là những người mới, luôn phải kiếm tìm cơ hội cho mình, bất kỳ cơ hội nào tới tay thì cũng phải “chộp” lấy thôi.
“Trước khi có lương tâm, chúng tôi cần có lương tháng trước”, diễn viên Hạnh Thúy lên tiếng. “Là diễn viên, chúng tôi ai không muốn mỗi năm mình chỉ cần đóng vài ba phim mà vẫn sống được với nghề, có thời gian chăm chút, đầu tư cho vai diễn? Nhưng hãy nhìn lại thử xem? Diễn viên có vai thì sống, không vai thì chết. Thậm chí khi đi đóng phim chúng tôi cũng phải tự lo phục trang, tự lo nhiều thứ để có thể hoàn thành vai diễn của mình. Có quá không khi coi diễn viên là một nghề? Trong khi những người tâm huyết với nó đều phải sống bằng những công việc ngoài nghề, để nuôi dưỡng niềm đam mê của mình?“.
Rõ ràng, Nghị định 54/CP của Chính phủ đã mở ra một cơ hội lớn cho những người làm phim Việt, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn quá nhiều thách thức được đặt ra. Ngoài chuyện áp lực về số lượng phim phát hành khiến các nhà sản xuất phải “chạy đua theo số lượng” khiến chất lượng bị ảnh hưởng thì một trong những thách thức chính là việc cơ sở hạ tầng, tư duy làm việc và trình độ các mắt xích chưa phát triển đồng đều, theo kịp với xu thế. Điều này được nhà sản xuất (NSX) Phước Sang cùng các diễn viên Kim Xuân, Khương Ngọc nhấn mạnh.
“Chúng ta làm gì cũng cần có lộ trình, đừng bắt một đứa trẻ lớp 1 phải học những bài học lớp 5. Hơn nữa, chúng ta cũng đừng “cào bằng” tất cả như hiện nay. Tôi nhớ thời phim “mỳ ăn liền”, phim của Phước Sang, của Lý Huỳnh... của ai cũng vậy. Cứ xin phép, làm phim, ra rạp thì mỗi người có một tuần để công chiếu. Hay dở gì cũng vậy. Thành ra thương hiệu là một cái gì đó quá xa xỉ. Bây giờ cũng tương tự vậy, chúng ta chiều trên sóng, của ai cũng vậy cả thôi.
Bây giờ tôi nghĩ, thử cho mỗi nhà sản xuất một kênh truyền hình chiếu phim xem? Phim hay thì khán giả xem, phim dở thì nhà sản xuất chịu. Thương hiệu là ở đó, nhà sản xuất phải có trách nhiệm với phim thôi. Tôi cảm thấy hơi “choáng” khi NSX của Anh chàng vượt thời gian chưa ai biết là ai, làm phim gì vẫn có thể chiếu ở giờ vàng?”
“Khi thương hiệu là thứ quyết định quyền được lên sóng, các nhà sản xuất sẽ chăm chút hơn cho đứa con của mình. Tôi từng được làm một bộ phim Việt hóa của một nhà sản xuất Việt kiều. Họ bắt chúng tôi ký một hợp đồng mà trong đó, chúng tôi phải học trước 10 tập thoại, phải cùng nhau ngồi để xây dựng các câu thoại, tình tiết phim sao cho Việt Nam nhất. Họ cũng xây một phim trường trước đó vài năm với khoảng 20 bối cảnh để phục vụ phim. Cách làm như vậy vừa tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo sự tập trung của diễn viên”, nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân phát biểu.
Cuộc hội thảo có sự góp mặt của rất nhiều nhân vật đến từ nhiều lĩnh vực trong “nền công nghiệp” sản xuất phim truyền hình Việt Nam đã đưa ra rất nhiều lý do vì sao Phim Việt dở. Thậm chí nhà thơ Lê Minh Quốc còn thẳng thắn phê bình: “Tôi có cảm tưởng như các đạo diễn, biên kịch không bao giờ... đọc. Các bạn cần phải liên kết chặt chẽ hơn nữa với Hội nhà văn. Rất nhiều những tác phẩm điện ảnh hay trên thế giới hiện nay xuất phát từ những tác phẩm văn học. Tôi không thể chấp nhận được việc có rất nhiều biên kịch hiện tại, vừa tốt nghiệp phổ thông, ra trường đã viết kịch bản, ông đạo diễn lấy lại ý tưởng đó rồi chỉnh sửa, tạo nên một kịch bản phim. Những người trẻ, họ có đủ trải nghiệm, đủ kinh nghiệm sống để dựng lên cả một đường dây phim truyền hình không? Thật phi lý”.
Một trong những điều rất quan trọng khác được đưa ra trong buổi hội thảo là quá trình kiểm duyệt phim ở Việt Nam vẫn khá dễ dãi. Người ta kiểm duyệt trên kịch bản thô, các ý tưởng... nhưng khi làm xong một bộ phim, còn là cả một quá trình. Lại có cả những bộ phim “cuốn chiếu” chưa quay xong vẫn được phát dần dần, nhà đài đành phó mặc mọi niềm tin cho nhà sản xuất. Lỡ có vấn đề gì thì... dừng phát như đã làm với Anh chàng vượt thời gian là xong.
ảnh: Phạm Thành Nhân
Phim hay không chỉ ở kịch bản, không chỉ ở đạo diễn, không chỉ ở diễn viên... mà là tổng hợp cả một quá trình với hàng trăm con người. Vì sao phim Việt dở? Vì cả một guồng máy đó, dở từ từng con ốc, chiếc đinh vít... nhưng người ta lại không thể mua ngay một cỗ máy mới tinh về xài. Mà buộc phải sửa chữa từng thứ, từng thứ một... Làm sao để giải quyết tình trạng phim Việt dở? Vẫn là một câu hỏi không dễ gì có câu trả lời thỏa đáng trong ngày một ngày hai.
Phan Anh