Tuấn Hiệp: “Hai năm xa Hà Nội, tôi chưa bao giờ hết giằng xé cảm xúc"
(Dân trí) - “Thời điểm tôi hát bài hát “Hà Nội nơi tìm về” của nhạc sĩ Thành Trung thì cảm xúc rất mãnh liệt. Phải cố gắng lắm để không phải khóc nhưng thực sự nhiều lúc cũng muốn khóc một trận cho đã sự tiếc nuối, sự nhớ nhung”, ca sĩ Tuấn Hiệp tâm sự.
Anh có nói rằng, anh từng khát khao được trở thành một “phiên bản” của NSƯT Tấn Minh trong âm nhạc. Vì sao lại thế?
Với tôi, anh Tấn Minh là giọng ca mang tính quy chuẩn khi hát nhạc tình. Kỹ thuật của anh Tấn Minh cực kỳ tốt. Một tác phẩm âm nhạc mà đưa quá nhiều kỹ thuật thanh nhạc vào sẽ làm cho tác phẩm bị nặng nề nhưng nếu biết tiết chế kỹ thuật, cách bỏ nhỏ và cách rung sẽ làm cho tác phẩm nhẹ nhàng mà tới được với người nghe một cách tự nhiên.
Tôi học được nhiều từ anh Tấn Minh là cách nhả chữ và cách bỏ nhỏ. Cách nhả chữ và cách bỏ nhỏ là những kỹ thuật khó nhất trong thanh nhạc. Nếu hát to thẳng, rõ âm thanh ra thì tất cả các sinh viên hát trong trường thanh nhạc đều hát được hết. Vận dụng hơi thở để hát mà hơi thở rất nhỏ nhưng vẫn rõ nét từng câu chữ cái đó mới là khó. Về kỹ thuật này, tôi thấy mình giống với anh Tấn Minh nhất.
Trước đây, khi chưa biết một nốt nhạc nào tôi đã rất thích giọng hát của anh Tấn Minh. Ngày xưa làm gì có tivi như bây giờ đâu nhưng mỗi khi nghe anh Minh hát qua đài tôi đã nhận ra ngay giọng của anh. Nghe rồi cứ khao khát mình sẽ được trở thành một giọng ca như anh ấy.
Sau này, bất kể sản phẩm âm nhạc nào tôi đều gửi nhờ anh Tấn Minh nghe trước để anh góp ý cho. Thường thì những người như anh Tấn Minh rất yêu đồng nghiệp nên những ai có cơ hội được ở gần những người nghệ sĩ như anh ấy sẽ tiến bộ rất nhanh trong nghề nghiệp.
Ngoài đời anh với NSƯT Tấn Minh có chơi thân với nhau không?
Anh em cũng chơi thân, thân tới mức có bất kỳ sản phẩm nào mới, người tôi nghĩ đến đầu tiên phải là anh Tấn Minh. Như thế để biết tôi trân quý anh Tấn Minh cỡ nào.
Đối với anh Tấn Minh thì ai cũng thế thôi, anh ấy rất dễ gần. Còn về mức độ thân thiết thì mỗi người cảm nhận một cách riêng.
Gắn bó với Hà Nội từ những ngày mới chập chững bước vào trường nhạc cho đến khi đã có một vị thế vững chắc trong làng nhạc. Nhưng bỗng một ngày đẹp trời anh đưa cả gia đình Nam tiến. Vì sao anh lại có quyết định đó?
Tôi đã xa Hà Nội hai năm nay rồi. Tôi đã học tập và sinh sống ở Hà Nội được 20 năm. Khi quyết định rời Hà Nội vào TP.HCM là tôi muốn tìm một hơi thở mới và một môi trường mới cho dòng nhạc xưa mà mình theo đuổi.
Vào trong đó cũng nghĩ là sẽ có nhiều người đồng điệu với mình, chẳng hạn như nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nhưng không may khi tôi chuyển vào thì ông lại mất. Sự ra đi đường đột của ông khiến tôi đã vô cùng hụt hẫng vì bản tính của tôi vốn không vồ vập như những ca sĩ khác.
Trước nay, tôi vẫn là người độc lập, tự sản xuất âm nhạc, tự biểu diễn… nhưng khi vào TP.HCM tôi vẫn có cảm giác một mình cô đơn làm âm nhạc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hết cảm giác hụt hẫng.
Những gì mình đã có 20 năm ở Hà Nội đó là những người bạn, những người phụ nữ mình yêu thương, những hình ảnh về Hà Nội, những kỷ niệm song hành bao năm… Nhưng khi bước qua một môi trường mới, chưa đủ thời gian để hòa nhập, tôi gần luôn bị giằng xé về cảm xúc.
Do vậy, thời điểm tôi hát bài hát “Hà Nội nơi tìm về” của nhạc sĩ Thành Trung thì cảm xúc rất mãnh liệt. Phải cố gắng lắm để không phải khóc nhưng thực sự nhiều lúc cũng muốn khóc một trận để thỏa mãn sự tiếc nuối, sự nhớ nhung. Là một nghệ sĩ ai cũng có nhu cầu được khóc được cười hết. Việc khóc đó cũng biểu lộ một sự chênh vênh về cảm xúc của mình.
Tuy nhiên, đối với tôi từ xưa đến nay, một khi đã bước chân đi thì sẽ làm theo những gì mình muốn. Mình chưa quen, tiếc nuối những mối quan hệ bạn bè hoặc những giá trị cũ nhưng những mối quan hệ mới cũng cho mình những cảm xúc mới. Tôi nghĩ rằng, rồi sẽ có lúc, tôi cũng có thể xua tan đi cảm xúc nhớ nhung Hà Nội.
Hai năm đưa gia đình vào TP.HCM sinh sống, cuộc sống của gia đình anh hiện tại như thế nào?
Cuộc sống ở Hà Nội đã ổn định nhưng khi vào TP.HCM thì cũng có một số xáo trộn. May là có gia đình vợ và chị gái tôi trong đó nên sự xáo trộn đó cũng nhanh qua. Tôi may mắn hơn một số ca sĩ ở Hà Nội là khi vào đó không phải làm lại từ đầu. Có điều, hai đứa con nhỏ, phải thay đổi môi trường sống và môi trường học tập. Với các con đó quả là sự xáo trộn rất lớn.
Nhìn các con quyến luyến và buồn bã khi chia tay bạn cũ tôi đau lắm. Cho nên bây giờ muốn đưa cả gia đình qua nước ngoài sinh sống nhưng nghĩ đến các con lại không nỡ lòng. Con chuyển từ Hà Nội vào TP.HCM đã là một sự thay đổi lớn rồi.
Tuổi thơ của con đã bị đứt đoạn, không được đầy như các bạn khác rồi, bây giờ lại qua nước ngoài nữa thì sợ các con không chịu nổi. Nhiều khi tôi có những giằng xé và từ sự giằng xé đó mà nhiều hơn những cung bậc cảm xúc để thả vào bài hát. Cảm xúc đó tương tự cảm xúc của nhân vật trong bài hát “Hà Nội nơi tìm về” nên việc truyền tải tác phẩm âm nhạc dễ hơn.
“Hà Nội nơi tìm về” của nhạc sĩ Nguyễn Thành Chung mới đây đánh đúng tâm trạng cảm xúc của tôi. Xa Hà Nội là dâng trào một cảm xúc tiếc nuối, hoài niệm… Tôi nhớ mùa thu Hà Nội bởi đó là mùa tôi thích nhất. Mùa thu Hà Nội cũng cảm hứng để các nhạc sĩ sáng tác ca khúc và tác phẩm thơ văn. Tiết thu Hà Nội rất dễ chịu và tôi cũng rất háo hức để đón cái thời tiết ấy.
Nhiều người bảo, Tuấn Hiệp qua nước ngoài biểu diễn, cát sê hậu hĩnh nên không muốn nhận lời biểu diễn trong nước. Anh nói gì về điều này?
Tôi không diễn nhiều ở nước ngoài nhưng cát sê mỗi lần lưu diễn cũng nhiều hơn so với việc đi diễn nhiều trong nước. Đi một vài tháng có thể có được một khoản tiền để làm được nhiều việc. Chẳng hạn như chỉ chuyên tâm sản xuất âm nhạc trong phòng thu mà không phải lo chạy show như những ca sĩ khác.
Có những người có một cái duyên rất lạ là chỉ thích hát ở môi trường đó thôi và khi trở về lại không bao giờ nghĩ tới chuyện chạy đôn chạy đáo để được mời đi hát. Bản thân tôi từ xưa đến nay chưa bao giờ đặt vấn đề với các ông bầu để xin họ hát chỗ này chỗ kia gì cả. Ai mời mà tôi thích thì tôi nhận, không thì thôi. Có thể đó là cá tính của tôi.
Tôi có thể không cần chạy khắp nơi kiếm tiền nhưng tôi sẽ làm những công việc khác. Chẳng hạn như mở nhà hàng Tôi có thể bưng tô phở mời khách chứ không nhất thiết phải đi xin show.
Anh có nghĩ rằng, làm âm nhạc mà cá tính quá sẽ khiến mình mất đi nhiều thứ?
Nhiều khi tôi tự hỏi “Tại sao mình làm âm nhạc mà không mở lòng hoặc tiếp xúc với nhiều nhà sản xuất âm nhạc để có nhiều cơ hội hơn?”. Tôi cũng muốn cho các bạn trẻ và những người đang theo học âm nhạc biết rằng, trong âm nhạc bây giờ có những người đánh đổi những vị trí rất đáng tiếc không hẳn vì họ không có tài năng mà vì họ muốn sống đúng với con người mình, không muốn ràng buộc bởi bất kỳ điều gì.
Là nghệ sĩ ai cũng muốn nổi tiếng hết nhưng cách mình nổi tiếng như thế nào mới là quan trọng. Là một nghệ sĩ cũng từng gắn bó với nhà nước mười mấy năm cũng đầy đủ hết vị trí. Ở đâu cũng được lãnh đạo cho làm quản lý. Từ đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị cho đến Đoàn Ca múa nhạc Trung ương, ai cũng bầu tôi làm đội trưởng nhưng tôi từ chối luôn. Tôi chỉ muốn làm nghệ sĩ chứ không muốn làm quản lý.
Nhiều khi có những người khó chịu, đập bàn đập ghế bảo: “Cậu là người đầu tiên tôi bầu vào vị trí này mà cậu từ chối” nhưng quả thật đó là cá tính của tôi. Tôi là một nghệ sĩ nên tôi muốn các em đi sau mình biết rằng, hãy lao động nghệ thuật thật sự. Giá trị của sự lao động nghệ thuật đích thực luôn cho người nghệ sĩ có một vị trí vững chãi đó chính là sự tôn trọng của khán giả.
Cảm ơn anh đã chia sẻ thông tin.
Hà Tùng Long