Trương Ngọc Ánh và hành trình ra đời Hội Người mẫu

Trương Ngọc Ánh tự hào nói: “Mục đích của những người mẫu đã đạt được, xã hội và luật pháp Việt Nam đã công nhận người mẫu là một nghề như bao nghề chân chính khác”.

Cầm quyết định của bộ trưởng Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội Người mẫu Việt Nam trên tay, Trương Ngọc Ánh thở phào. Phải mất 7 năm nỗ lực đeo đuổi và chờ đợi cuối cùng ý nguyện của những người mẫu TPHCM, do Trương Ngọc Ánh khởi xướng, đã trở thành hiện thực.

Khởi đầu khó khăn chồng chất

Đầu năm 1999, sau khi dự khóa học biểu diễn và quản lý người mẫu tại Singapore trở về, Trương Ngọc Ánh ôm ấp giấc mộng đưa nghề người mẫu Việt Nam lên hàng chuyên nghiệp, như Singapore đã làm. Thế nhưng trở ngại lớn nhất lúc này, ở Việt Nam, người mẫu chưa được công nhận là một nghề. Muốn được luật pháp công nhận điều này, những người hoạt động nghề người mẫu chuyên nghiệp phải vận động thành lập cho được Hội Người mẫu.

Ban vận động thành lập Hội Người mẫu Việt Nam khởi đầu là một nhóm nghệ sĩ có hoạt động người mẫu, gồm: Trương Ngọc Ánh, Chi Bảo, Kim Chi... Đề án thành lập Hội Người mẫu của ban vận động đưa ra là gặp ngay khó khăn. Không ai chịu vơ vào mình một tổ chức mà dưới mắt nhìn của xã hội lúc bấy giờ là quá nhạy cảm. Bộ VHTT lấy lý do người mẫu thời trang phục vụ hoạt động làm mẫu cho các công ty may mặc nên chuyển sang cho Bộ Công nghiệp quản lý.

Bộ Công nghiệp không chịu nhận vì người mẫu tham gia biểu diễn trong các chương trình ca nhạc thời trang nên Bộ VHTT quản lý là đúng rồi. Khó khăn càng khó khăn hơn, khi các phương tiện thông tin đại chúng thỉnh thoảng đưa tin những vụ án tổ chức mại dâm có dính líu đến một vài người mẫu càng làm cho những cơ quan có trách nhiệm muốn giúp đỡ việc này cũng ái ngại.

Không vươn đến tầm quốc gia thì về TPHCM, những người trong ban vận động đến gõ cửa Hội Liên hiệp Thanh niên VN TPHCM và nhận được sự giúp đỡ của tổ chức này. Ban vận động lúc này có thêm thành viên là cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên VN TPHCM và CLB người mẫu trực thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên VN TPHCM ra đời, trở thành nơi sinh hoạt cho một số người mẫu chuyên nghiệp tại TPHCM. Để xây dựng một hình ảnh tốt đẹp về người mẫu, nhằm làm thay đổi cách nhìn khắt khe đầy ác cảm của không ít người, CLB người mẫu này đã tích cực làm công tác từ thiện.

Những người có khả năng tài chính như Trương Ngọc Ánh trở thành mạnh thường quân cho CLB. Vừa hoạt động qua hình thức CLB, ban vận động lại tiếp tục hành trình đi vận động thành lập hội của mình với những nỗ lực, chờ đợi và hy vọng.

Lúc này ban vận động có sự tiếp sức thêm của Sở VHTT TPHCM, Sở VHTT TP Hà Nội, một vài công ty hoạt động người mẫu và một cơ quan báo chí chuyên ngành thời trang... Nhưng quan trọng hơn là vai trò của người mẫu trong các hoạt động thời trang đang ngày càng được khẳng định. Từ đó, xã hội không thể không thừa nhận vai trò của người mẫu và những đóng góp của họ trong nền công nghiệp thời trang đang ngày càng phát triển, nhất là trong giai đoạn toàn cầu hóa, Việt Nam sắp bước vào sân chơi WTO.

Quyết định cho phép thành lập Hội Người mẫu Việt Nam của bộ trưởng Bộ Nội vụ từ ngày 3-10- 2006 là một thắng lợi lớn của những người đã đổ bao công sức thời gian cho quá trình đầy khó khăn này. Trương Ngọc Ánh tự hào nói: “Mục đích của những người mẫu đã đạt được, xã hội và luật pháp Việt Nam đã công nhận người mẫu là một nghề như bao nghề chân chính khác”.

Nỗi lo còn trăm bề

Nhiều người thắc mắc: Tại sao Trương Ngọc Ánh phải khổ sở về việc này bao năm nay trong khi Ánh là người nổi tiếng ở hoạt động điện ảnh? Trương Ngọc Ánh nói: Dù hoạt động người mẫu của Ánh không nhiều nhưng mình phải có trách nhiệm với đồng nghiệp. Nếu mình biết việc mà không làm thì lúc ấy không ai đứng mũi chịu sào để làm. Bức xúc của Ánh lúc đó là tại sao những nước xung quanh mình làm được mà mình không làm được”. Có được một tổ chức có tư cách pháp nhân, Ánh có điều kiện để thực hiện tiếp những dự án phát triển nghề nghiệp người mẫu ấp ủ bao lâu nay của mình.

Thời buổi toàn cầu hóa, hoạt động người mẫu và biểu diễn thời trang giao lưu giữa các nước sẽ phát triển. Điều này đòi hỏi đội ngũ người mẫu phải có trình độ chuyên nghiệp, ít nhất là phải ngang bằng các nước trong khu vực. Hiện nay cả nước có khoảng 500 người mẫu hoạt động trên các sàn diễn chuyên nghiệp nhưng theo Trương Ngọc Ánh, rất ít người được đào tạo bài bản về nghề.

Đây là việc trước mắt mà Hội Người mẫu Việt Nam phải làm, sau khi thành lập. Mở trường đào tạo nghề, tổ chức các sô diễn thời trang giao lưu quốc tế... là những hoạt động không thể thiếu để gắn kết các hội viên. “Không thể lập ra hội để rồi chỉ tồn tại trên giấy. Hội phải là nơi đem lại những lợi ích thiết thực cho người mẫu và để làm tốt điều này thì những người lãnh đạo hội phải còn lo trăm bề” - Trương Ngọc Ánh chia sẻ nỗi lo của mình như thế.

 Theo Cẩm Nhung
Người Lao Động