Trương Ngọc Ánh: “Con đường tôi đi không hề trải hoa hồng…”
“Ngày mới tập làm nghề kinh doanh, gặp thất bại tôi đã khóc, thấy nản chí nhưng rồi tự gượng dậy đi lên, nhất quyết không đầu hàng. Bây giờ, sự từng trải đã đem lại cho tôi bản lĩnh” cô Dần của “Áo lụa Hà Đông” chia sẻ.
Sự kiện gây “ồn ào” ngay sau Liên hoan phim (LHP) VN lần thứ 15 (từ ngày 21 đến 24/11/2007 tại Nam Định) không phải từ gương mặt vinh dự đoạt giải diễn viên nữ chính xuất sắc, mà là từ người chỉ trong một năm đã hai lần vuột mất giải thưởng này trong sự tiếc nuối của không ít khán giả. Đó là Trương Ngọc Ánh, người đóng vai Dần trong bộ phim nhựa Áo lụa Hà Đông.
Lần trước, ở Giải Cánh diều vàng (tháng 5/2007), chị đã phải “nhường” giải thưởng danh giá ấy cho diễn viên Trung Quốc Can Đình Đình (phim Hà Nội, Hà Nội) và lần này là hai đồng nghiệp Đỗ Hải Yến (phim Chuyện của Pao) và Ngô Thanh Vân (phim Dòng máu anh hùng). Một số bài báo đã công khai bày tỏ sự tiếc nuối cho Trương Ngọc Ánh và không ngại gọi cô là “Bông sen vàng trong lòng khán giả”.
Hỏi thật, Trương Ngọc Ánh có cảm thấy thất vọng khi không được chọn để trao giải nữ diễn viên chính xuất sắc?
Nếu được giải thì sẽ vui hơn nhưng thật sự là tôi không thấy có gì phải thất vọng, chỉ hơi bất ngờ với kết quả thôi. “Rút kinh nghiệm” từ Giải Cánh diều vàng hồi đầu năm, lần này tôi đã tự đặt ra trước cho mình tình huống sẽ về tay không. Vì lẽ đó, tôi đến LHP với tâm trạng đi tham dự những ngày hội của điện ảnh nước nhà và chung vui với đồng nghiệp, với khán giả. Tôi tôn trọng sự lựa chọn của ban giám khảo và thấy tất cả những người được họ trao giải đều rất xứng đáng.
Song tôi cũng tự thấy vai Dần của mình cũng là một vai ấn tượng không hề thua kém ai tại LHP lần này. Đó là một vai tôi đã lao động nặng nhọc nhất trong sự nghiệp đóng phim của mình từ trước tới nay. Tôi cũng rất đồng ý với anh Phước Sang khi cho rằng LHP không phải là chiến trường mà là một dịp tôn vinh nghề nghiệp, là nơi gặp gỡ để cùng giúp nhau phát triển, không nên để sự phiền muộn nào chen vào.
Tuy không được trao giải nhưng tôi đã có hạnh phúc rất lớn là được sống trong niềm thương yêu của khán giả trong những ngày LHP diễn ra ở Nam Định. Họ đã cho tôi nhiều hơn những gì tôi hình dung trước đây. Hôm phim Áo lụa Hà Đông chiếu, trong buổi giao lưu có ba nữ khán giả lên ôm chầm lấy tôi mà khóc. Họ nói đã lâu rồi mới được xem một bộ phim gây nhiều cảm xúc đến thế. Họ khen vai tôi diễn rất đạt.
Còn điều này tôi cũng muốn nói thêm là ngay từ sau Giải Cánh diều vàng đến nay, dư luận đã tự trao cho Trương Ngọc Ánh giải diễn viên xuất sắc. Điều đó không dễ gì có được và như vậy đối với tôi cũng là quá đủ. Tôi sẽ lại tiếp tục phấn đấu ở LHP lần sau, còn giờ đây tôi đang hướng về giải Oscar 2008 mà bộ phim Áo lụa Hà Đông của chúng tôi đã lọt được vào top 50 trong số 63 phim dự thi.
Trương Ngọc Ánh nghĩ thế nào khi Áo lụa Hà Đông đã đoạt được đến ba giải phim khán giả yêu thích nhất tại LHP Busan (Hàn Quốc), LHP Fukuoka (Nhật Bản) và LHP Kim Kê - Bách Hoa Tô Châu (Trung Quốc), nhưng lại thất bại ở LHP tại nước nhà? Cảm giác của chị khác nhau thế nào khi có mặt tại các LHP này?
Ở các LHP nước ngoài, mình là khách mời nên tâm trạng đúng là của một người khách, đến để quan sát, nhìn ngắm nhiều hơn là tham dự. Chính vì điều đó mà khi đoạt giải, mình có cảm giác hoàn toàn bất ngờ vì các nước tham gia LHP đều có phim hay với nhiều đề tài lạ, khó có chỗ cho phim mình chen chân. Còn ở LHP của VN, mình là người nhà nên giải thưởng của LHP không quan trọng bằng giành được tình cảm nồng ấm của khán giả.
Giải thưởng nào cũng có giá trị nhất định của nó, nhưng dù sao đó cũng chỉ là sự lựa chọn của một số thành viên ban giám khảo chứ không phải sự lựa chọn của đông đảo khán giả. Trong hai lần đại diện đoàn phim Áo lụa Hà Đông lên nhận giải ở nước ngoài, cảm xúc mạnh mẽ nhất là ở LHP Busan khi tôi mặc áo dài bước lên thảm đỏ giữa tiếng hô nhịp nhàng “Việt Nam, áo dài” của một rừng khán giả nước ngoài.
Còn ở LHP Fukuoka thì tôi cảm thấy vinh dự vì được sự quan tâm đặc biệt của vị thị trưởng nơi đây và vị chủ tịch LHP. Có đến mấy chục phim tham dự nhưng hai ông đã quyết định chọn Áo lụa Hà Đông để đến xem và dành cho đoàn đại biểu VN một cuộc gặp gỡ riêng đặc biệt. Vị thị trưởng Fukuoka nói rằng ông rất ít khóc nhưng phim VN (Áo lụa Hà Đông) đã làm ông chảy nước mắt. Nói rồi, ông đặt bàn tay lên chỗ trái tim để bày tỏ cảm xúc. Ông nói rằng ông hi vọng điện ảnh hai nước Việt và Nhật sẽ hợp tác lâu dài để làm ra những bộ phim hay.
Trước đây, giữa lúc đang tỏa sáng với những bộ phim được công chúng yêu thích như Em và Michael Jackson, Đồng tiền xương máu, Giã từ dĩ vãng... rồi lại đoạt cả giải hoa hậu thời trang quốc tế ở Ai Cập, vững bước trên sàn diễn catwalk, vì sao Trương Ngọc Ánh lại rẽ ngang sang kinh doanh?
Tôi sinh ra và sống cả tuổi thơ ở Hà Nội nhưng TPHCM lại là nơi tôi chọn để lập nghiệp. Năm 17 tuổi, tôi đoạt giải Hoa hậu Noel Hà Nội cùng lúc với giải Nữ sinh duyên dáng của ngôi trường cấp III Lý Thường Kiệt nơi tôi đang học, bất ngờ nhận được lời mời của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tham gia vai chính trong bộ phim truyện ca nhạc video Em còn nhớ hay em đã quên.
Nhờ phim này, đạo diễn Lưu Huỳnh đã mời tôi vào vai cô gái trong bộ phim truyện nhựa Em và Michael Jackson của Hãng phim Phước Sang, phim đoạt doanh thu cao nhất năm 1994. Từ đó, tôi có thêm nhiều sô quảng cáo, chụp hình lịch...
Công việc ở lĩnh vực giải trí của tôi cứ thế mở rộng dần nhưng nhờ được tiếp cận với đời sống ở TPHCM, tôi nhận ra phải chọn cho mình con đường kinh doanh. Tôi đã tạm ngưng đóng phim, làm người mẫu, tự bỏ tiền sang Singapore theo học ngành quản trị và marketing.
Trong thời gian này, ngoài giờ học, tôi đến làm thông dịch tình nguyện cho những bệnh nhân VN ở Bệnh viện Glane Eagle, vừa giúp đỡ họ vừa luyện đàm thoại tiếng Anh. Sau hai năm học, tôi về nước mở Công ty quảng cáo Ánh Việt, hoạt động cho tới nay đã được bảy năm.
Có người cho rằng Trương Ngọc Ánh đã mượn hào quang của một diễn viên, một người mẫu để làm kinh tế, điều đó có bao nhiêu phần trăm là sự thật?
“Nhan sắc tựa như miếng trầu” - tôi rất thích câu ví này trong một bài viết về tôi trước đây của một nhà báo. Ông bà mình thường nói “miếng trầu là đầu câu chuyện” mà. Nhan sắc và cả danh tiếng nếu có của tôi ở lĩnh vực giải trí có thể chỉ tạo cho đối tác chút cảm tình, hoặc hơn chút nữa là họ vì tò mò mà cho mình cơ hội ban đầu, nhưng khi đi vào chuyện “làm ăn” thì tiêu chí của nó lại nằm ở chỗ khác.
Ngay từ khi bước vào lĩnh vực kinh doanh, tôi đã có đủ tỉnh táo để không bị nhầm lẫn giữa hai chuyện này. Người ta không đánh giá tôi ở sắc đẹp hoặc vai diễn mà ở hiệu quả công việc họ mong muốn. Dù có cảm tình mấy với mình thì họ cũng phải lo cho sản phẩm, cho uy tín của họ trước tiên và dịch vụ của chúng tôi là làm vừa lòng khách hàng. Khi ngồi vào bàn đấu thầu, tôi phải chứng tỏ tính ưu việt của công ty mình, có khả năng đem lại hiệu quả cao so với mục tiêu của họ thì mới mong giành được hợp đồng.
Như vậy, giờ đây, hẳn chuyện đóng phim đối với Trương Ngọc Ánh chỉ còn là một cơ hội nhằm đánh bóng thêm thương hiệu kinh doanh?
Với tôi, đóng phim là niềm say mê vì nó mang lại cho cuộc đời mình nhiều sự thú vị. Tôi quan niệm rằng con người ta nếu sống mà không cảm thấy có điều gì thú vị, sống chỉ để cho qua một đời thì buồn lắm. Tôi làm kinh doanh trước hết là để có điều kiện lo cho gia đình, và bây giờ, khi đã mở công ty rồi còn là trách nhiệm với cuộc sống của các nhân viên.
Công việc kinh doanh mỗi khi thành công, lo được cho những người xung quanh, tôi cũng có niềm vui nhưng cảm giác hoàn toàn khác với chuyện được hóa thân vào một vai diễn, được sống một cuộc đời khác với mình và được công chúng nhìn nhận. Nếu không đóng phim, cuộc sống của tôi có thể nhàn nhã hơn nhưng vì đó là niềm đam mê không thể thiếu nên tôi phải nỗ lực gấp đôi. Bên nào đối với tôi cũng là sự nghiệp chính, không có cái nào “đánh bóng” cho cái nào.
Con đường tôi đi không hề trải hoa hồng, có lúc thăng lúc trầm, có thành công và thất bại. Ngày mới tập làm nghề kinh doanh, gặp thất bại tôi đã khóc, thấy nản chí nhưng rồi tự gượng dậy đi lên, nhất quyết không đầu hàng.
Bây giờ, sự từng trải đã đem lại cho tôi bản lĩnh. Một phần sự trải nghiệm tôi có được là nhờ những lần đi làm phim, nhờ vào những số phận nhân vật mà tôi thủ diễn. Họ dạy tôi sống phải biết nhìn mọi người xung quanh, phải biết san sẻ niềm vui, nỗi buồn với họ.
Theo Tuổi Trẻ