Thơ của tình yêu và sự trải nghiệm

(Dân trí) - Tác phẩm thứ mười của nhà báo, nhà thơ Duy Thảo. Hơn bốn mươi năm cầm bút, trải nghiệm bao nhiêu thăng trầm của đời sống, nói như Vônte “có bao nhiêu là ký ức, cuộc sống tưởng đã nghìn năm”, tác giả chiêm nghiệm thổ lộ ra trên những dòng thơ chân chất đằm sâu tâm sự.

Tên tập thơ Mưa giao mùa, trăm  năm mỗi cuộc đời như là bốn mùa thì cái tuổi ngoài bảy mươi của tác giả đã là cuối thu sang đông; những cơn mưa giao mùa này không còn cái mát mẻ hay nồng ấm của thì xuân, không hào nhoáng cháy bỏng cái sự lạ mùa hạ  hay trong trẻo hương đưa của mùa thu mà giao hòa giữa trầm lắng pha chút u hoài của cái gì đã qua và sắp tới ở mùa đông .
Thơ của tình yêu và sự trải nghiệm

Tập thơ là sự trải nghiệm nỗi đời và tình người chắt lọc lại thành lời. Tôi đọc tập thơ đến ba lần, càng đọc càng thấm cái vị đậm đà của chè mộc cái vị mà thoảng qua chưa thấy ngọt thơm. Thơ gợi ta trở lại với cái xuất phát điểm của nó: lấy tình làm gốc! Một chân lý sơ khởi mà đôi khi ta bị cái hào nhoáng của ngôn từ, cái lạ lùng của ý tứ, cái nặng nề của trách nhiệm làm sao  nhãng, quên rằng cái ra đi đầu tiên của thơ là tình cảm. Mưa giao mùa chính là sự thổ lộ, sự chiêm nghiệm cái tình đời, cái tình người trên các cung bậc gia đình, con cái, bạn bè, làng xóm cho đến tổ tiên. Tình rất thực và nói rất thật, tất cả như là một tự nghiệm, tác giả nói cho mình, kỷ niệm cuộc đời mình, nhưng cái thật đó đến ta thì cộng hưởng vì cái dư ba đời người mà ai cũng trải qua nhất là  chặng cuối con đường.

Khi nhà thơ nhắc đến song thân: Cha đi biệt xứ quê người bao năm/ Một đôi vai mẹ tảo tần/ Gánh bao cay cực âm thầm ngày đêm, hay nhớ đến ông bà tổ tiên trong mạch cảm hứng truyền thống dân tộc:  Rằm Xuân về viếng nghĩa trang / Tổ tiên cha mẹ họ hàng nằm đây/Chân hương bao lớp cắm dày/Mỏng manh số phận những ngày…quê ơi. Ta cảm thấy đã nói hộ cho tấm lòng của mình. Trong làn hương khói nhạt nhòa, sống lại với người đọc cái tâm thức một thời trôi nổi“ nửa thì gia tộc, nửa thì quê hương” (Hồ Dzếnh). Nhiều câu thơ nói về tình cảm gia đình, làng xóm thật cảm động. Đón người vợ sau tai biến trở về, chưa hoàn toàn bình phục “ Nhìn em lóng ngóng cầm rơi đũa/ Anh thương nước mắt bỗng trào ra”, câu thơ không có gì to tát, một chi tiết đơn giản mà thấm đẫm tình thương yêu tấm mẵn, tao khang! Và có thật gắn bó với quê làng mới thấy được đời sống bà con Đồng tiền gom nhặt dân quê/ Còn lo đóng đậu nhiều bề ăn theo! Câu thơ khiến người đọc không khỏi quặn lòng!

Trong chiều dài cảm hứng gia tộc, gia đình, tác giả tìm được sự kết nối, sự phát triển, từ bé đến lớn, từ nhạt nhòa đến sâu đậm, từ bóng tối ra ánh sáng, từ  đau khổ đến sướng vui. Tất cả hiển hiện qua cuộc đời của mẹ: Để suốt đời chiếc đòn gánh trên vai/ thời xa ngái con cất vào trân trọng, qua sự thay đổi của làng xóm, từ cái thưở lao đao giáp hạt ngược xuôi tảo tần, đến bây giờ một vùng văn vật nên thơ nên vần và qua sự thay đổi của chính bản thân, từ cậu bé quần đùi mò ốc rét cắt da/  mà nay đi giữa phồn hoa đô hội têt/  man mác ân tình xuân cố hương (Gặp lại tết xưa).Tập thơ tràn đầy tình nghĩa với cuộc đời, gia đình, bè bạn nhưng không chỉ có thế, với bao nhiêu năm tháng từng trải  tác giả còn ý thức được cả những va chạm, những cọ xát đằng sau bao sự việc. Những ân tình trải qua thời gian bao thử thách không phải không có nghịch lý, nhưng với những nghịch lý đó tác giả nghiệm sinh một lẽ sống, một cách xử sự nhẫn nại, yêu thương và tin tưởng.  Đó là cái mạch ngầm triết lý  mà người  đọc nhận thức gián tiếp qua bề sâu tập thơ.

Trong cuộc đời, tấm lòng các nhà thơ thường thể hiện rất rõ, trước cái đẹp thì ngợi ca, trước những vấn nạn thì bày tỏ lòng trắc ẩn. Tập thơ của Duy Thảo ta bắt gặp một tâm trạng riêng khá nổi bật, đó là sự tự hối, thấy cái hạn hẹp, tầm thường của mình trong mối cộng cảm cùng thế sự. Gần hết cuộc đời nhìn lại: Ngoái lại đằng sau bao nuối tiếc/ Tự trách mình chưa làm được nhiều hơn/ Qua nắng mưa qua nóng lạnh đời thường/ Vẫn chỉ thấy mình là người có lỗi/  Những toan tính của một thời nông nổi/  ( Trước xuân này). Trong cuộc đời đầy những hả hê, hãnh tiến tác giả luôn cảm thấy có cái gì không phải để rồi nhận thức soi xét, tự cảm về mình thông qua tình cảm , cách ứng xử với bạn bè, vợ con, rộng hơn với cuộc đời. Một cái gì có phần ray rứt có phần hối hận, khi nhớ đến một nhà báo, một người bạn đã đi xa, dang dở bao nhiêu ý nguyện, thấy mình có lỗi với người đã khuất:  Giữa cuộc đời bể dâu/ Giữa nhiễu nhương muôn vẻ/ Ta lữ hành đơn lẻ/ Trong giát nắng hoàng hôn (Giát nắng). Nhiều lúc tác giả trách mình không làm tròn trách nhiệm gia đình, hay nóng giận, ít chăm sóc vợ con, mải mê thơ phú và không  phải  không có lúc cảm thấy cô đơn Hè rợp cành xanh, trưa rợp bóng/ Đôi chim về đậu hót vang trời/ Chiều nay đông giá cành trơ lá/ Chỉ một chim về đậu lẻ loi ( Chim về). Cái cảm thức về sự suy tính thiệt hơn đầy toan tính cá nhân  thấy mình là người có lỗi luôn trở đi trở lại cùng tác giả. Để giải tỏa những ẩn ức về nghịch lý đời thường tác giả có khi nghĩ đến Trời - Phật, nhưng  đó là hiện thân của một luật công bằng mà dân gian hằng xác quyết: Trời công bằng không cho ai tất cả / Chẳng lấy của ai hết thảy mọi phần.

Rất chân thật, rất đời thường những cũng rất cảm kích. Tác giả nhận chân những nghịch lý trong cuộc sống nhưng phản ứng theo cách riêng của mình, một đạo đức có phần nhẹ nhàng trung dung nhưng đầy cảm mến. Trước hết là sự thông cảm cuộc sống dân quê, chịu nhiều hệ lụy, đã nghèo “còn lo đóng đậu nhiều bề ăn theo”, lo lắng với cảnh tương phản giàu nghèo đập vào mắt hàng ngày Phố sang góc chợ vẫn nghèo. Ông theo một triêt lý sống mà có lẽ phải từng trải, nhiều cọ xát với đời mới nghiệm ra cái hay mà ông bà tâm niệm dặn dò con cháu:

Bạn lên mấy chuyến lỡ rồi/ Biết mình sức yếu đành ngồi lại đây/ Thôi thì lấy rủi làm may/ “Sông sâu chớ lội đò đầy chớ qua”.( Lỡ đò)

Không chỉ là lời khuyên về văn hóa giao thông, mà là một triết lý về đạo đức về lối sống.  Để đi qua chuyến đò đời không phải cứ chen lấn là được, phải kiên nhẫn , biết tùy sức, biết hoàn cảnh, chờ thời, lúc thuận tiện sẽ biến rủi thành may mà đến đích. Mua xe là một “niềm vui trẻ thơ” của người già. Mua được cái xe để bù đắp thuở cơ hàn “ làm sang” chút hậu vận,  nhưng cái  vui lớn là Mua xe lòng thanh thản/ tiền không vay chẳng xin/ dù chiếc xe xoàng xỉnh/ nhưng là của chính mình. Tự lao động mà mua xe, tự hào và vui ở chỗ đó, khác với dòng xe sang trọng bon bon ngoài kia nhiều chiếc mua được không phải bằng lao động của mình. Duy Thảo muốn tách cái việc mua xe của mình ra khỏi cái dòng đời đen bạc đang tuôn chảy.

 Tập thơ đa phần viết bằng thể lục bát hoặc thơ tám chữ, xen vào đôi bài thể tự do, nhưng nhìn chung giản dị, dễ đọc, dễ hiểu. Đó cũng chính là cái tạng thơ của ông nuôi dưỡng từ những tập thơ ban đầu cho đến bây giờ. Cái bút danh Duy Thảo chắc có nhiều nghĩa, nhưng một nghĩa mà cụ Đào Duy Anh gợi ý, chúng tôi thấy gần với con người và thơ anh: sợi cỏ, cây cỏ nhỏ*. Tác giả tự cảm thấy mình chỉ là một “sợi cỏ nhỏ”  giữa cánh đồng thơ mênh mông. Con người mảnh khảnh, điềm đạm từng trải nhiều sự đời làm việc không mệt mỏi nhưng chân thành và sâu lắng yêu thơ đến tận cùng. 

Hà Quảng
(Nhà phê bình Văn học)
-------------------------------
(*) theo Hán Việt tự điển ( Đào Duy Anh),  thảo: cỏ;  duy: sợi nhỏ