Thiết thực về việc bảo vệ quyền lợi cho nhạc sĩ Việt Nam

(Dân trí) - Như tên gọi: Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), nhiệm vụ trực tiếp của trung tâm là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả âm nhạc.

VCPMC hoạt động theo mô hình của một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, thực hiện quản lý tập thể đối với các quyền tác giả được ủy thác. Đây là mô hình hoạt động có hiệu quả nhất đang phổ biến tại các quốc gia đã tham gia Công ước Berne và cũng được Nhà nước ta mà trực tiếp là Bộ nội vụ, Bộ văn hóa thông tin khuyến khích, gây dựng.

 

VCPMC chính thức hoạt động từ năm 2002.

 

5 năm hoạt động là một cuộc chiến đấu với “cối xay gió” và rất nhiều thử thách ban đầu nhưng đến nay VCPMC đã ngày càng lớn mạnh với số tiền bản quyền thu được trong năm 2006 là gần 5 tỷ đồng so với con số 78,4 triệu đồng của năm 2002. Quan trọng hơn, VCMPC đã khẳng định được vị thế của mình như đại diện cho hơn 1.000 tác giả trong nước và đại diện cho quyền lợi của tác giả tại 16 quốc gia thành viên Liên hiệp các tổ chức bảo vệ quyền tác giả nhạc và lời thế giới.

 

Không chỉ là kết quả của sự khả thi, gieo cấy, vun đắp của các bộ ngành liên quan, thành công của VCPMC còn là sự đền đáp cho những nỗ lực vận động tự thân. Đây chính là yếu tố thuận lợi trong tư tưởng và ý nghĩa của hành động mà nói một cách đơn giản là “thuận lợi của một con đường, một sự nghiệp chính nghĩa”. Các thành viên đã động viên nhau hết lòng tin tưởng vào pháp luật, vào sự phát triển tất yếu của xã hội để khẳng định quyết tâm theo đuổi đến cùng công việc vô cùng cấp thiết và chính đáng: bảo vệ quyền lợi cho nhạc sĩ Việt Nam.

 

Tuy nhiên, vấn đề thực hiện bản quyền tác giả âm nhạc vẫn còn nhiều “vùng trắng” chưa quản lý được, nghĩa là người nhạc sĩ vẫn còn “thất thu”. Khó khăn lớn nhất đối với VCPMC hiện nay là cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng vẫn chưa đồng bộ và tự giác. Thêm vào đó là những trở ngại của thái độ bàng quang, né tránh hoặc nấn ná trì hoãn, thậm chí là những biểu hiện coi thường và bất chấp luật pháp của một số cơ quan tổ chức và cá nhân chịu trách nhiệm thi hành chính sách bản quyền.

 

5 năm không phải là một chặng đường ngắn với sự trưởng thành của một tổ chức chưa từng có ở Việt Nam. Sau rất nhiều những nỗ lực của những “chú ong thợ cần mẫn” VCPMC, hiện tại số lượng các tác giả, chủ sở hữu uỷ thác cho trung tâm không ngừng tăng lên. Đến hết tháng 3/2007, con số này là 1.070 người với khoảng 50.000 tác phẩm âm nhạc. Nhiều hội thảo chuyên đề đã được tổ chức nhằm không ngừng mở rộng mạng lưới, phạm vi ảnh hưởng của Trung tâm tới khắp các tỉnh thành trong cả nước và tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi với các tổ chức quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

 

Cũng thêm một tín hiệu vui cho tuổi lên 6 của VCPMC là mới đây UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu các quận, huyện nghiêm túc thực thi luật về quyền tác giả. Công ty cổ phần quảng cáo trực tuyến 24h không ngừng mở rộng vai trò làm người góp phần định hướng đời sống âm nhạc đương đại theo hướng tiếp cận với các quy định pháp luật trong nước và quốc tế về lĩnh vực bản quyền. Hợp đồng bản quyền âm nhạc với VCPMC là bước đi đầu tiên trong mục tiêu hợp tác sử dụng các thành quả lao động trí tuệ hướng tới mục tiêu đảm bảo công bằng cho cả tác giả lẫn độc giả.

 

PV