"Khi nắng thu về":

Thêm một bộ phim “đốt” tiền Nhà nước!

"Khi nắng thu" về hội đủ những yếu tố dở... chủ chốt: kịch bản và đạo diễn. Ngay sau buổi họp báo ra mắt bộ phim ở Hà Nội, một nhà báo đã thành thực: trước đó được lời gửi gắm phải lăng-xê phim, thôi tốt nhất là không viết nữa, cũng là sự ủng hộ lớn rồi...

Một bài thơ dở, một truyện ngắn dở thì không ai muốn đọc. Phim dở cũng vậy, không ai muốn xem. Nhưng thơ dở, truyện dở thì chỉ tốn công sức của tác giả, không tốn tiền của người khác. Còn một bộ phim dở làm bằng tiền Nhà nước thì ai cũng xót.  Đâu chỉ một hai chục triệu, mà ngót nghét 1,2 tỉ đồng.

 

Xem phim, có những điều thích hay không thích, có những sự gây tranh cãi, có những lời khen chê hay, dở... đó là chuyện bình thường. Nhưng phim mà để khán giả không còn muốn bình luận khen chê thì... Những người tâm huyết với nền điện ảnh nước nhà thì bị ức chế, vì sao phim tệ thế mà vẫn qua được đủ loại hàng rào kiểm soát nghệ thuật; người dễ tính hơn thì ngặt nghẽo cười giễu vì những lỗi quá ngô nghê không đáng có. 

 

Tại sao kịch bản như thế, phim như thế mà Hội đồng nghệ thuật của Hãng phim truyện Việt Nam, Hội đồng duyệt kịch bản và Hội đồng duyệt phim quốc gia, nơi tập trung toàn các nghệ sĩ lớn, các lãnh đạo đầu ngành của điện ảnh vẫn cho “ra lò”? Hỏi bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, ủy viên cả hai hội đồng trên, bà bức xúc: “Ngay từ khi còn đang là kịch bản, thấy quá dở, tôi đã mất cả một buổi chiều ngồi góp ý trực tiếp với Bùi Trung Hải nhưng đạo diễn có thèm nghe đâu. Thật phí công mình”.

 

“Vậy tại sao dở thế mà vẫn cho qua?”. “Mình là ủy viên, góp ý tất cả những gì thấy là dở, là chưa được. Vậy là đã làm hết trách nhiệm của mình rồi”. Phóng viên tiếp tục có cuộc trao đổi với một lãnh đạo ngành điện ảnh khác, cũng từng là thành viên của cả hai hội đồng trên.

 

Tuy nhiên, cũng một nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam phản đối: ai chẳng biết là kịch bản đó rất dở, nhưng vẫn lọt qua được hàng rào đầu tiên là Hội đồng duyệt kịch bản của hãng, tiếp đến lại là Hội đồng duyệt kịch bản quốc gia nữa.

 

Còn khi đã duyệt cho làm phim, lúc đó dù có sâu sát, góp ý thế nào đi chăng nữa, đạo diễn, người được trao toàn quyền cao nhất quyết định số phận của phim vẫn có thể nhân danh “quan niệm nghệ thuật” để bảo vệ “con đẻ” của mình...

 

Điều đáng lưu tâm nhất của Khi nắng thu về chính là 2 diễn viên Kiều Thanh và Kiều Anh đã diễn khá tốt. Cũng thương thay khi cả hai phải “hy sinh vì nghệ thuật” cho những cảnh “nóng” quá thô thiển, câu khách không cần thiết.  

Tại sao một kịch bản như vậy mà vẫn được Hội đồng duyệt kịch bản quốc gia chấp nhận?

 

Thực ra đó là một kịch bản ở mức trung bình. Kịch bản đó được duyệt bởi nhiều lý do. Khi ấy là cuối năm rồi, không có nhiều kịch bản phù hợp tiêu chí để chọn lựa nên đành phải duyệt thôi. Bởi khi ấy tài trợ của Nhà nước cho điện ảnh là theo cơ chế tài trợ cho từng đơn vị cụ thể. Nếu kịch bản đó không duyệt thì tiền tài trợ cho Hãng phim truyện VN của năm đó vẫn còn mà cán bộ công nhân viên của hãng lại không có việc làm. Tuy nhiên, trước khi duyệt, hội đồng đã yêu cầu tác giả phải chỉnh sửa lại kịch bản. 

 

Nhưng “ra lò” thì vẫn là một sản phẩm kém chất lượng?

 

Cái này phải nói đến vấn đề tài năng của đạo diễn. Có những kịch bản ở mức trung bình nhưng đạo diễn đã làm thành sản phẩm tốt. Phim tồi, trách nhiệm trước hết thuộc đạo diễn, nhưng cũng có một phần trách nhiệm không nhỏ của lãnh đạo, quản lý Hãng phim truyện Việt Nam. Trường hợp cụ thể này, tôi muốn nói đến Hội đồng nghệ thuật của hãng. Anh được phân công trách nhiệm duyệt kịch bản phân cảnh phim, nếu theo sát, kịp thời góp ý, chỉnh sửa tác phẩm thì “cái tệ” của phim sẽ bớt đi rất nhiều. Còn buông xuôi, mặc kệ thì trách nhiệm của Hội đồng nghệ thuật của hãng cũng rất lớn.

 

Kịch bản dở, vẫn phải duyệt vì “miếng bánh đã chia phần”, vì “miếng cơm manh áo” của cán bộ công nhân viên... Có cách nào khắc phục để hạn chế được tác phẩm kém phẩm chất ra lò?

 

Đó chính là sự bất cập của cơ chế. Vậy nên, tôi và Ban lãnh đạo ngành điện ảnh khi đó cũng đã cố hoàn thành xong quy chế tuyển chọn kịch bản văn học và quy chế tuyển chọn nhà sản xuất. Theo Luật Điện ảnh mới, tài trợ của Nhà nước cho điện ảnh sẽ không còn cho từng đơn vị mà là tài trợ cho tác phẩm cụ thể. Kịch bản hay sẽ được chọn, tiếp theo là tuyển chọn nhà sản xuất. Không còn tình trạng kịch bản của hãng này được duyệt thì đương nhiên phim phải do hãng đó làm. Cũng chấm dứt tình trạng hãng đó bỏ bê cả 3-4 năm trời mới xong. 

 

Đầu tiên phim có tên Một chiều mùa hè. Sau đó, chẳng hiểu sao tác giả lại đổi tên là Khi nắng thu về. Và dù mùa hè hay mùa thu, thậm chí có thể là mùa đông hay mùa xuân thì những tên này chẳng liên quan chút gì đến nội dung phim cả. Điều đó chứng tỏ ngay từ kịch bản, tác giả đã hoàn toàn lúng túng trước việc tìm cho ra một thông điệp có ý nghĩa của phim. Và sự lúng túng này thể hiện rõ tác giả kịch bản sa vào việc cố gắng dựng nên một loạt những tình tiết, chi tiết, “thắt nút”, “mở nút” hòng cố làm “dày” nên câu chuyện.

 

Tác giả từng giới thiệu trong cuộc họp báo: chuyện kể về giới trẻ thời hiện đại với cách kể chuyện mới lạ, đầy tính sáng tạo nghệ thuật. Nhưng rõ ràng, càng kể, càng xem, càng thấy câu chuyện không chỉ giả, nhạt nhẽo mà còn phi logic và trượt ra ngoài cuộc sống.

 

Một anh chàng tốt nghiệp khoa tiếng Đức, có nhà riêng tại Hà Nội mà cuộc sống lại liên tiếp gặp tai nạn theo kiểu họa vô đơn chí, tìm được việc làm ở một đài truyền hình rồi mẹ ốm nên phải bị đuổi việc (chẳng có lãnh đạo đài nào “dã man” đến thế). Người yêu tham giàu, bỏ anh nhưng rồi một ngày đẹp trời trước khi cưới lại mời anh đến nhà để “dâng hiến”. Rất nhanh, cảnh trước mở cửa mời vào, cảnh sau đã lao vào làm chuyện ấy... chẳng cần phải rào trước đón sau gì cả. Rồi trong cuộc tình, cô lại luôn khoe về người chồng sắp cưới.

 

Chưa hết, cùng là dân làm ăn, mở nhà hàng chung cùng nhau nhưng người đàn ông lại cưỡng hiếp bạn làm ăn với mình (doanh nhân mà “dại” đến thế sao?). Người em trai “hoàn lương” ngay tức khắc sau khi ông anh lên lớp cho một bài đạo đức, mà không cần đến bất cứ một tình huống hợp lý nào để đưa đẩy câu chuyện. Rồi những đoạn thoại giả dối, lời dẫn chuyện rườm rà, thừa thãi. Sự gượng, sự giả... tất cả đều có thể tha thứ được nếu đạo diễn biết cách kể câu chuyện. Nhưng chính đạo diễn lại mắc phải những lỗi ngô nghê khó có thể kể hết...

 

 

Theo Lan Dung

Thanh Niên