Thanh Lam hát “Màu Hoa Đỏ” tri ân bố mẹ
(Dân trí) - Chưa bao giờ Thanh Lam lại hát “Màu Hoa Đỏ”, một sáng tác của bố cô - nhạc sĩ Thuận Yến - xuất sắc như trong album Nơi Gặp Gỡ Tình Yêu. Đây trước hết là lời tri ân mà cô gửi đến bố mẹ.
Ra mắt vào thời điểm cả nước bước sang giai đoạn “tái khởi động” sau đại dịch Covid-19, album đôi Nơi Gặp Gỡ Tình Yêu của Thanh Lam được ví như món quà thú vị dành tặng công chúng, khi hầu hết các dự án nghệ thuật khác đã bị đình trệ vì giãn cách xã hội.
Nhạc cách mạng, hoặc, có thể gọi theo cách thân thuộc hơn là nhạc đỏ, tiếp tục được thể hiện theo một cách thức mới, mang một hơi thở mới, qua tiếng hát của một Thanh Lam cũng rất mới, khác hẳn những gì mọi người vẫn hình dung về chị bấy lâu nay.
Như chia sẻ của nữ ca sĩ trong buổi gặp gỡ báo giới thì album trước hết là lời tri ân gửi đến bố mẹ với một tình yêu nồng thắm và bền vững được ươm mầm trong khói lửa đạn bom.
Đây không phải lần đầu tiên Thanh Lam “thử sức” với nhạc đỏ, nhiều ca khúc trong album đã được cô trình bày trên các sân khấu lớn nhỏ, nhưng ghi âm và phát hành rộng rãi thì lại là một câu chuyện khác hẳn.
Hai CD với 15 ca khúc, với những người yêu mến “nữ hoàng nhạc nhẹ”, chắc chắn đây là một món hời. Nhìn vào danh sách, có thể nhận ra Thanh Lam chưa bao giờ đánh mất sự ngẫu hứng đã trở thành bản năng.
Không theo một concept, một tinh thần chung nào, có lẽ Thanh Lam lựa chọn các bài hát theo cảm xúc bất chợt, theo những kỷ niệm và trải nghiệm riêng.
Nhưng tất cả lại có nhiều hơn một điểm chung: kỹ càng trong phần hòa âm, cho thấy một Thanh Lam ngày càng sâu sắc, đằm thắm với khả năng tiết chế xuất sắc đến kinh ngạc.
Cũng vì thế, cô làm chủ được những ca khúc đã gắn liền với rất nhiều nghệ sĩ ở nhiều thế hệ một cách vô cùng dễ dàng, mang lại cho chúng một diện mạo mới mà không hề đánh mất đi hồn cốt quen thuộc.
Nếu Mùa Xuân Đầu Tiên hay Mùa Xuân Nho Nhỏ được xem là những bất ngờ thú vị thì ca khúc chủ đề Nơi Gặp Gỡ Tình Yêu đúng là một sự lạ, bởi nó được phối theo điệu smooth jazz tung tẩy, bay bổng, mang dáng dấp của một bản tình ca hiện đại.
Với kỹ thuật đã ở đỉnh cao, Thanh Lam hát jazz khá phiêu với một chút nhấn nhả đủ gợi lên nét đặc trưng của dòng nhạc này, nhất là với tiếng piano rải rác làm nền. Phần hòa tấu ở khúc giữa lại càng đặc sắc hơn với tiếng saxophone lĩnh xướng, hòa quyện cùng tiếng piano và tiếng trống giữ nhịp.
Xuất sắc không kém là Lên Ngàn, với nửa đầu ca khúc Thanh Lam thoải mái khoe giọng trên tiếng “gằn gừ” của contrabass, kèm tiếng dàn nhạc dây “mướt mải” phía sau.
Cùng với những Mẹ Yêu Con, Ký Ức Đêm hay Tình Em, dường như lâu lắm rồi thính giả mới thấy Thanh Lam hát “nhẹ và bay” đến vậy.
Nhẹ mà vẫn thấm thía, vẫn thể hiện được nội lực tràn trề của một người thường xuyên “cháy hết mình” khi trình diễn. Tiếng trumpet gợi bầu không khí hân hoan trong buổi hành quân thực sự độc đáo. Đây cũng là một ca khúc đặc biệt xuất sắc ở phần phối khí, vừa phô diễn được hết thế mạnh của dàn nhạc lớn, lại vừa cho thấy một Thanh Lam dịu dàng, mềm mại mà không hề bị dàn nhạc lấn át.
Vậy thì đâu mới là ca khúc gây ấn tượng nhất album? Hiển nhiên, nhiều người sẽ có chung ý kiến với nhạc sĩ Lưu Hà An, rằng đó phải là Đất Nước. Có lẽ đây là một trong những lần rất hiếm hoi ca khúc quen thuộc này được hòa âm theo điệu rock, dù chỉ là rock ballad thôi, nhưng cũng đủ mang đến sự phấn khích cho người nghe bằng những cú tỉa và riff guitar sắc sảo, hòa trộn với nhịp trống dồn dập.
Mà Thanh Lam với rock thì… không phải dân chuyên nhưng rõ ràng là thừa kinh nghiệm, thừa máu lửa để bắt nhịp với bản phối độc đáo của nhạc sĩ Thanh Phương.
Bên cạnh đó, trong Đất Nước còn có cả màu sắc chầu văn đậm đà qua tiếng đàn nguyệt chơi hòa tấu cùng trống và guitar điện, và Thanh Lam dù lên cao hay xuống thấp đều tròn vành rõ chữ, không cần gào thét vẫn ra được trọn vẹn tinh thần của rock.
Và dường như, chưa bao giờ Thanh Lam lại hát Màu Hoa Đỏ, một sáng tác của bố cô - nhạc sĩ Thuận Yến - xuất sắc như trong album này.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, bằng tư duy của một người chuyên về khí nhạc, đã tạo ra sự khác biệt lớn so với các phiên bản Màu Hoa Đỏ trước đó bằng một bản phối thực sự cầu kỳ, không chỉ giúp Thanh Lam thêm một lần nữa cho thấy khả năng diễn tấu lão luyện mà còn đưa cảm xúc của người nghe thêm một lần nữa thăng hoa.
Đó là nhịp trống mang âm hưởng rock, là bè dây chơi đầy kịch tính, là dàn hát bè để làm tăng độ hoành tráng. Có lẽ ngoài Thanh Lam, sẽ chẳng ca sĩ nào giúp Màu Hoa Đỏ tỏa sáng theo phong cách này được nữa.
Album khép lại bằng Nhạc Rừng, chỉ với một guitar acoustic đệm cho Thanh Lam thoải mái tươi tắn, tung tẩy theo những nốt nhạc vui, như lời chào tạm biệt để khép lại album “tình ca nhạc đỏ” lạ thường, có lẽ là cả với người hát cũng như người nghe.
Chính Thanh Lam và cả ê-kíp của cô, trong quá trình thực hiện Nơi Gặp Gỡ Tình Yêu chắc cũng không hình dung được ra tổng thể album lại lãng mạn đến thế, gợi hình ảnh của một dòng sông êm đềm hơn là biển khơi cuộn sóng.
Những hoài niệm về hạnh phúc có lẽ cũng vậy thôi. Còn người nghe, hẳn họ cũng vui mừng khi được chứng kiến một màn “lột xác” ngoạn mục của Thanh Lam - mà cũng không hẳn là lột xác - chỉ đơn giản là bước sang một giai đoạn khác trong niềm đam mê ca hát và cả cuộc đời, với những “ngấm” , “ngộ”, “ngấu” để khiến mọi thứ “nhẹ bẫng đi”, như lời nhạc sĩ Lưu Hà An, nhưng chắc chắn là cảm xúc vẫn luôn đong đầy…
Hoài Điệp