Tết cổ truyền của người Khơ Mú
Xuân về, khi những cành đào phai cổ thụ khoe sắc tô điểm cho bản làng Khơ Mú cũng là lúc đồng bào đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Mạz Chiêng.
Đồng bào Khơ Mú ở Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái ăn tết cổ truyền theo Tết Nguyên đán. Vào khoảng cuối tháng Chạp là thời gian đồng bào chuẩn bị cho ngày tết với mong muốn một năm mới đem lại nhiều điều may mắn và hạnh phúc cho gia đình.
Tục đón tết của người Khơ Mú ở Nghĩa Sơn khá độc đáo. Nổi bật nhất trong ngôi nhà đó là hai bàn thờ: thờ ma nhà và thờ thổ công được trang hoàng lộng lẫy với giấy nhiều màu sắc trong đó, giấy màu đỏ theo quan niệm của người Khơ Mú là biểu tượng cho hạnh phúc và may mắn. Theo tập quán, trước ngày 30 tết nhà nào cũng phải dựng bàn thờ để đón tổ tiên về nhà ăn tết.
Nếu người Dao quan niệm lấy nước vào ngày tết thì năm đó trời sẽ hạn hán, mất mùa thì với người Khơ Mú, lấy nước vào buổi sáng mồng một sẽ đem lại sự may mắn cho mọi người trong gia đình. Chính vì vậy, ngay từ sáng sớm, bà chủ gia đình sẽ địu ống bương ra khe lấy nước mới về cho mỗi người uống một ngụm nhỏ để lấy may, sau đó mọi người rửa mặt, chân tay bằng nước mới.
Người xông nhà có vai trò đặc biệt quan trọng, nếu bị người có vía dữ đến xông nhà thì coi như cả năm đó xui xẻo. Chính vì vậy, người xông nhà thường được lựa chọn và chuẩn bị trước. Trong ngày mồng một đầu năm, người ta kiêng từ làng này sang làng kia chơi, chúc tết vì quan niệm rằng nếu đi sang làng khác chơi thì của cải trong làng sẽ đi theo và làng mình sẽ đói kém suốt cả năm đó.
Sau ngày mồng một, dân làng đi chúc tết và dự lễ mổ lợn cúng tổ tiên, ma nhà và ăn tết tại gia đình. Bố mẹ cùng con cái đi chúc tết, mừng thọ ông bà và được ông bà mừng tuổi cho bánh chưng để lấy may chính vì vậy ngày tết, người Khơ Mú thường làm rất nhiều bánh chưng. Đồng bào ăn tết đến hết rằm tháng Giêng nên bánh chưng được gói liên tục nếu trong nhà hết bánh.