1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Tây nghe Ta hát tiếng Tây

Trong nỗ lực quốc tế hóa nhạc Việt vốn đã rục rịch từ nhiều năm trước, năm 2010 vừa qua làng nhạc Việt chứng kiến sự ra đời các album nhạc Việt tiếng Anh của các ca sĩ mới. Trong năm nay đợt sóng này có thể tiếp tục dâng trào nhưng liệu sóng có tới bờ?

Các album nhạc Việt tiếng Anh gồm Mai Khôi (Made in Mai Khoi), Thảo Trang (The new me), Đoan Trang (The Unmake - up) và Hà Anh Tuấn (Cock-tail).

 

Một trong những rào cản trong các cuộc “vượt biên âm nhạc” thường được nói tới chính là ngôn ngữ (lời ca). Điều này lý giải vì sao Celine Dion chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong các album của mình còn tiếng Pháp lại chỉ trong những album hoặc bản thu âm đặc biệt dù tiếng Pháp là tiếng mẹ đẻ - đơn giản vì thị trường âm nhạc tiếng Anh là toàn cầu, còn tiếng Pháp thì chỉ ở những quốc gia nói tiếng Pháp, môt phần rất nhỏ của cái thị trường khủng khiếp kia.
 

Nhóm nhạc nổi tiếng của Thụy Điển, ABBA, hay nhóm Morden Talking của Đức cũng đều nổi tiếng với các ca khúc và album hát tiếng Anh chứ không phải hát bằng tiếng mẹ đẻ của họ. Tất nhiên cũng có những trường hợp đặc biệt, khi một ca khúc, hoặc một ca sĩ trở thành nổi tiếng với bài hát non-english, nhưng rất hãn hữu và độ nổi tiếng, sự thành công trên thị trường thì kém xa những ca sĩ cùng đẳng cấp nhưng hát tiếng Anh.

 
Tây nghe Ta hát tiếng Tây - 1
Album Cock-tail của Hà Anh Tuấn

 

Từ những rụt rè đầu tiên khi Hồng Nhung chuyển ngữ 4 ca khúc trong album Bài hát ru cho anh sang tiếng Anh (1999), 10 năm sau, các ca sĩ trẻ hơn đã mạnh bạo ra nguyên album hát tiếng Anh, thậm chí những bài hát không còn chuyển ngữ từ Việt sang Anh mà viết thẳng lời ca tiếng Anh. Cách làm đã khác. Tuy nhiên vấn đề là hiệu quả, mà cụ thể ở đây: người nước ngoài, chủ yếu là những người sử dụng tiếng Anh như (là) tiếng mẹ đẻ, thưởng thức các sản phẩm “nhạc Việt lời quốc tế” này như thế nào?

 

Điều quan trọng đầu tiên để một album tiếng Anh gây được sự chú ý là ca từ và cách thể hiện ngôn ngữ. Chúng tôi có mời hai người Mỹ, một người là chuyên gia nghiên cứu âm nhạc Việt Nam là Jason Gibbs và người còn lại là Nick Ippel - một giáo viên Anh ngữ đang giảng dạy tại Việt Nam, cùng bình luận về hai album vừa phát hành của ca sĩ Đoan Trang (The Unmake-up) và Hà Anh Tuấn (Cock-tail). Một ý kiến mang tính học thuật, ý kiến còn lại mang tính phổ thông, với hy vọng sẽ gợi nên một cái nhìn khá sâu từ phía người nghe nước ngoài và từ đó làm sáng hơn con đường mà các ca sĩ trẻ định vươn mình ra ngoài biên giới.

 

Nick Ippel - Giáo viên Anh ngữ tại TP.HCM:

 

Về album của Hà Anh Tuấn - Cocktail: Tôi nghĩ đó là một album thú vị. Chủ đề bar/cocktail khá gợi mở. Từ những gì tôi hiểu, anh ta sử dụng rất nhiều phép ẩn dụ trong lời bài hát của mình. Về nội dung cơ bản của album này bạn sẽ thấy anh ấy hát về những điều xảy ra trong một quán bar và những công việc liên quan nhưng câu chuyện album này thực sự có ngụ ý.

 

Về album của Đoan Trang - The Unmake- up: Album của cô khá đa dạng, Đoan Trang không chỉ hát về những mối quan hệ mà còn có cả cuộc đời và những thứ khác. Thật sự tôi rất thích tiếng đàn piano trong album này. Nó rất phù hợp với không gian ca từ và giọng hát của Đoan Trang.

 

Jason Gibbs - Nhà nghiên cứu âm nhạc Việt Nam:

 

Chính tên album tiếng Anh của Đoan Trang có vấn đề. Chữ “The Unmake-up” không có trong từ điển Anh ngữ nào, có lẽ album này muốn ám chỉ đến việc “Không trang điểm”? Tiếng Anh vốn linh hoạt cũng như có khá nhiều từ vựng mới được xuất hiện nhưng tôi không hiểu tại sao không dịch đầu đề trên với cụm từ “No Make-up” hay “Without Make-up”? “Unmake” có nghĩa là “tẩy trang” nhưng tôi nghĩ từ ấy không mô tả đúng tinh thần của ê-kíp đầy tài năng sản xuất album này.
 

Trước khi mổ xẻ ca từ Anh ngữ của album này tôi muốn nói rằng Đoan Trang hát với một giọng ca dễ nghe và có kỹ thuật vững chắc. Cô ấy lựa chọn những bài hát có giai điệu đẹp hợp với phong cách của cô và hợp tác với những nhà sản xuất có nghề. Album này khó thực hiện vì phong cách ballad đòi hỏi nhiều về mặt ca từ, đặc biệt là các bài hát được chuyển ngữ theo những bài ca từ tiếng Việt có nhiều chất thơ. Vì vậy việc chuyển sang Anh ngữ rất chi là khó. Nói chung ca từ tiếng Anh trong The Unmakeup được viết đúng ngữ pháp tiếng Anh, nhưng đối với một người với vốn tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ thì nghe ra vẫn chưa thấy ổn.

 
Tây nghe Ta hát tiếng Tây - 2
Album The Unmake - up của Đoan Trang

 

Một thí dụ trong bài Praying là câu: “If you don’t love me I would get down” - “get down” thì không sai hẳn, nhưng “I would feel down” hay “it would bring me down” nghe tự nhiên hơn. Cụm từ “hold me at my soul in every way” trong bài Flowing Hair với chữ “at” cũng khó nghe - hát “hold my soul in every way” hay “hold me deep in my soul” thì nghe sẽ hay hơn. Bài Paper Fan (tôi rất thích phong cách nhạc jazz fusion kiểu Flora Purim của ca khúc này) bắt đầu với “This summer day it’s hot like burning” một lần nữa không sai, nhưng nếu tìm câu này trong Google thì đây sẽ là lần đầu tiên cụm từ này xuất hiện trên mạng. Cụm từ “united at our souls” cũng thế. Nghĩa là đây chưa phải tiếng Anh thông dụng.

 

Về mặt phát âm có nhiều chỗ hay, nhưng cũng có nhiều chỗ chưa lọt tai. Giống nhiều người học Anh ngữ khác, Đoan Trang cũng gặp khó khăn lúc phát âm chữ “th” đầu từ: lời “the” lắm lần thành “đơ”. Bên cạnh đó, cũng có vấn đề nhấn mạnh âm tiết. Trong cụm từ “pray for the rain in the desert” trong bài Praying âm tiết thứ hai trong “desert” (sa mạc) bị nhấn mạnh sai thành “dessert” (món tráng miệng). Bài Nocturnal có những đoạn phát âm không rõ đến mức tôi chưa được nắm được ý nghĩa.

 

Tham vọng văn chương của album Cock-tail của Hà Anh Tuấn không cao bằng The Unmake-up, vì vậy mà album này ít trục trặc hơn. Tôi đoán rằng ca từ Cocktail nghe tự nhiên hơn vì các giai điệu viết theo ca từ tiếng Anh và không phải dịch từng chữ. Còn nữa, tôi cũng nghĩ rằng phong cách electro-dance tạo điều kiện soạn những giai điệu hợp với cách phát âm tiếng Anh.

 

Nói chung cách phát âm trong Cocktail cũng tốt, nhưng có chỗ chưa rõ. Trong bài Bartender điệp khúc có cụm từ “fill me up” lặp lại, nhưng vì chữ “i” không được phát âm đúng kiểu nguyên âm ngắn (short vowel) thì có thể nghe nhầm thành nguyên âm dài nghe như “feel me up” (có ý nghĩa không đàng hoàng). Điệp khúc của Don’t mix your drinks girl có đoạn bị phát âm “it’s gonna make you white girl, you know this isn’t right girl”. Tôi nghĩ chắc Hà Anh Tuấn muốn hát “it’s gonna make you wild girl”.

 

Nhiều người cứ hỏi nhạc Việt có thể “vươn ra thế giới” không? Chất lượng âm thanh hai album này cũng tốt theo tiêu chuẩn quốc tế. Trình độ tiếng Anh chắc chưa đến tiêu chuẩn, nhưng cái đó tôi cũng nghĩ không thành vấn đề. Tôi nghĩ rằng nhạc pop Việt Nam còn thiếu một mặt quan trọng hơn là âm sắc. Thị trường âm nhạc quốc tế rất đông và khó vào. Nếu một tài năng lớn như Bi (Rain) chưa được đến với thính giả thị trường Âu-Mỹ thì làm sao các sao Việt được thành ngôi sao toàn cầu?

 

Nếu người Mỹ hiện nay chịu khó tìm hiểu đến nhạc Việt, họ thường đi qua hướng “world music”. Họ biết và thích nghe nhạc jazz của Nguyên Lê với Hương Thanh ca, nghệ sĩ ưu tú Kim Sinh, hay nhóm Đại Lâm Linh. Đây toàn là những nghệ sĩ không làm nhạc pop. Còn nữa, họ tìm cách để đổi mới những nét nhạc Việt truyền thống.

 

Tôi tự hỏi tại sao các ca sĩ Việt Nam làm album tiếng Anh? Có lẽ một lý do là để tham gia các chương trình hữu nghị ASEAN và châu Á. Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế thì nếu muốn đến với các nước láng giềng thì bắt phải trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Lý do thứ hai là để vượt rào kiểm duyệt. Album Cock-tail có đoạn tiếng Anh chắc sẽ gây dư luận nếu hát bằng tiếng Việt ở Việt Nam. Có lẽ lý do thứ ba là tiếng Việt khó vào khuôn khổ giai điệu pop rock quốc tế bởi từ khi tân nhạc ra đời, nhiều nhạc sĩ thấy khó viết giai điệu với các dấu ngã và hỏi mà việc này đòi hỏi cách hát và phát âm kéo dài và luyến láy nhiều.

 

Tôi tin rằng các ca nhạc sĩ Việt có thể thể hiện album đúng tiêu chuẩn quốc tế kể cả về ngôn ngữ. Nhưng đối với tôi làm như thế không thể gọi là thành công. Họ chỉ thành công lúc nào đáp ứng nhu cầu của những người yêu tiếng Việt và làm cho sức đa dạng của tiếng Việt được thành một cầu nối âm nhạc tuyệt đẹp.

 

Theo Thể thao & Văn hóa cuối tuần