Tác giả “Người ngủ thuê”: Không phải viết để câu “view”

(Dân trí) - Nhật Phi hiện đang là cây bút trẻ được bạn đọc yêu mến với tác phẩm “Người ngủ thuê”, tác phẩm đoạt giải nhất cuộc thi Viết cho tuổi 20 lần thứ 5. Nói về việc viết văn, Nhật Phi chia sẻ: “Doreamon ảnh hưởng đến sáng tác của tôi”.

Trung tuần tháng 10, nhà văn trẻ Nhật Phi đã có buổi giao lưu cùng sinh viên Đại học Văn hóa Hà Nội trong chương trình “Mùa thu đọc sách” cùng nhà thơ Lữ Thị Mai chia sẻ những quan điểm về việc đọc sách, viết sách và học viết văn. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh.

Vừa giành giải nhất cuộc thi văn học “Viết cho tuổi 20” với tập truyện dài “Người ngủ thuê”, khi gửi dự thi bạn có nghĩ mình sẽ giành giải nhất không?

Tôi cảm thấy tự tin rằng khi mình vào được vòng này rồi sẽ cầm được một món gì đó mang về. Còn giải nhất thì cho đến trước buổi tối hôm trao giải tôi vẫn không nghĩ rằng mình được nó vì nhiều cái tên to quá mà. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình sẽ đoạt giải cao đến vậy. Khi đứng trên bục nhận giải tôi vẫn còn run cầm cập trong niềm hạnh phúc quá lớn và đầy bất ngờ này.

Tác giả “Người ngủ thuê”: Không phải viết để câu “view”
Nhà văn trẻ Nhật Phi (giữa) cùng nhà thơ Lữ Thị Mai (bên trái) và nhà văn Di Li chia sẻ về việc viết văn và đọc sách.

Và khi giải nhất đã về tay, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên?

Giải thưởng mở ra một cánh cửa mới, cho tôi một lợi thế mới trong công việc và cuộc sống. Chẳng hạn như những cuốn sách sau này của tôi sẽ dễ được các nhà xuất bản lựa chọn hơn. Bạn đọc cũng chú ý hơn đến những tác phẩm tiếp theo. Giải thưởng này cũng buộc tôi phải lao động nhiều hơn, tạo động lực cho tôi viết nhiều hơn để tạo ra những tác phẩm chất lượng hơn.

Vậy đối với bạn liệu văn chương có phải chỉ là một giấc mơ ngắn?

Năm lớp 6 tôi đã thử viết văn và đã viết từ đó đến tận bây giờ. Trước đây có người nói tôi chỉ mới mon men được ngoài rìa văn chương thôi, còn nếu muốn đi sâu thì phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Tôi biết văn chương là một con đường dài vất vả. và thật ra tôi cũng chưa biết khả năng của mình ở mức nào. Sân chơi Văn học tuổi 20 là nơi tôi gửi gắm tác phẩm để được những nhà văn đi trước có uy tín thẩm định và đánh giá. Tôi chỉ muốn biết mình đang ở đâu.

Dường như sự tò mò của độc giả đối với tên tác phẩm “Người ngủ thuê” đã góp phần thành công vào cuốn sách. Từ đâu mà bạn lại nghĩ ra nó vậy?

Ý tưởng viết tập truyện chỉ từ câu nói của một người anh của tôi. Anh ấy kêu mệt mỏi thiếu thời gian ngủ và bảo “Giá mà em ngủ được hộ anh thì tốt, rồi chuyển giao năng lượng ấy cho anh”. Lí do để khơi nguồn lên bất kì một ý tưởng nào đó đôi khi bắt nguồn từ những thứ rất bình dị và lí do để viết lên tác phẩm của Phi cũng giản dị như vậy thôi. Tôi bắt đầu viết từ giữa tháng 10 năm ngoái và dừng bút tháng 3 năm nay. Trong quá trình viết thì vẫn phải đi học ở trường nên thời gian viết bài bị ảnh hưởng. Thực ra trước đó vì đã có ý định viết “người ngủ thuê” nên tôi đã đăng ký học ít môn ở trường đi, nhưng dù sao cũng không tránh khỏi việc bị ảnh hưởng đến thời gian hoàn thành tác phẩm.

Còn thông điệp từ việc “ngủ thuê” ấy?

Đôi khi đứng trước những chán nản của cuộc đời, tôi cảm thấy giá trị của thời gian rất quan trọng và cần thiết. Vì vậy ngay từ bây giờ khi bạn đã có ước mơ thì hãy cố gắng thực hiện ước mơ của mình, hãy tìm kiếm mục đích sống của bản thân. Đừng để thời gian trôi qua một cách vô nghĩa. Thời gian là thứ  trôi đi rồi thì chẳng bao giờ lấy lại được nữa.

Bạn mê đọc truyện tranh Doreamon và chơi game, điều này có ảnh hưởng thế nào đến sáng tác văn chương của bạn? Nó có tác động nhiều đến óc giả tưởng không?

Từ nhỏ tôi đã mê đọc Doraemon và chơi game nên rất mê mẩn không gian kỳ ảo. Với tôi thì thể loại kỳ ảo, siêu thực cũng chỉ là cái cớ để truyền tải câu chuyện. Thật sự thì cái khó nằm ở chỗ giữ được mạch truyện, tạo diễn biến sao cho hấp dẫn người đọc, còn thể loại chỉ là cái nền. Doremon cho ta thấy sự hướng thiện, đây là thế giới của sự tưởng tượng khiến cho cuộc sống bớt khô khan, thêm nhiều tiếng cười. Truyện Doraemon tràn đầy trí tưởng tượng sáng tạo. Có lẽ sự sáng tạo đó đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều tác giả chứ không chỉ riêng Nhật Phi. Sau khi bay bổng đủ mọi cảm xúc thì Doraemon lại kéo người đọc trở về đời sống thực. Tác phẩm “Người ngủ thuê” của tôi cũng vậy. Ban đầu, tác phẩm đặt ra những giả định, chiếc máy ngủ thuê là sản phẩm của trí tưởng tượng. Nhưng cuối cùng tôi vẫn muốn đưa nhân vật về thực tại. Như vậy có thể nói Fujiko F.Fuijio có ảnh hưởng trực tiếp đến tác phẩm của tôi. Giữa cuộc sống bận rộn xô bồ, những người viết văn được quyền ngồi lại để tìm ra điều đặc biệt và chia sẻ với mọi người. Đó là quyền năng đặc biệt của người viết văn, đây là cách thể hiện sự tưởng tượng của mình.

Ngoài Doreamon, bạn còn đọc loại sách nào khác nữa chứ? Bạn đọc bao nhiêu cuốn sách một năm?

Tôi đọc hơn 10 cuốn sách một năm.

Truyện dài Người ngủ thuê đã giúp Nhật Phi giành giải nhất Văn học tuổi 20 lần thứ 5.
Truyện dài "Người ngủ thuê" đã giúp Nhật Phi giành giải nhất Văn học tuổi 20 lần thứ 5.

Còn về số sách trung bình mà mỗi người Việt đọc trong một năm, bạn nghĩ sao về nó?

Gần đây báo chí có nói mỗi năm một người Việt đọc trung bình 0,8 cuốn sách tức là thậm chí không được một cuốn trọn vẹn. Nếu vậy thì ngày xưa người Việt đọc còn ít hơn nữa, thời phong kiến hay chiến tranh lại còn ít hơn nhiều. Do dân số đa phần làm nghề nông vất vả, nếu họ cần một cái gì để giải trí thì sách lại ở xa họ quá nên họ giải trí bằng những gì ở gần với họ nhất. Nên tôi nghĩ việc đọc 0,8 cuốn sách/năm đã là con số tăng so với những năm trở về trước.

Có nhiều ý kiến cho rằng người trẻ bây giờ ngại đọc sách. Hoặc nếu có thì phần nhiều họ đọc những cuốn sách mang tính giải trí nhiều hơn là suy ngẫm. Bản thân anh thì sao?

Cái này thì tôi đồng ý thôi, nó là xu hướng mà. Tôi có rất nhiều bạn bè hay đọc những cuốn sách thiên về suy ngẫm, nhưng giờ lại thường chọn những cuốn sách thiên về giải trí nhiều hơn, vì những cuốn sách đó có nội dung dễ dãi, nhẹ nhàng, không bắt độc giả phải suy nghĩ nhiều, nó phù hợp với cuộc sống vội vã và không có nhiều thời gian cho việc đọc sách hàn lâm như hiện nay. Một phần là do các nhà xuất bản cũng tích cực cho phát hành những tác  phẩm mang nhiều tính giải trí, dễ dãi nữa. Bản thân tôi thì vẫn muốn các bạn đọc sách dạng suy ngẫm hơn vì tôi cũng thích viết kiểu đó chứ không viết các tác phẩm có nội dung nhẹ nhàng, suy ngẫm ít và nhiều yếu tố giải trí.

Là một nhà văn trẻ thành công, bạn muốn chia sẻ điều gì với các bạn trẻ yêu thích và hướng tới nghề viết văn?

Nói là một nhà văn trẻ thành công thì nó hơi to tát quá. Gọi là trẻ thôi, và có một chút thành tựu. Đối với những bạn trẻ sau này muốn đi theo nghiệp viết văn thì tôi chỉ muốn nói một điều rằng trước hết là mình phải là người thích viết, muốn viết cho bản thân mình trước khi là có ý định viết thành sách. Viết để thỏa lòng đam mê của bản thân chứ không phải viết để câu “view”, để toan tính một điều gì đó như sách được xuất bản, bài viết được đăng báo.

Vậy sắp tới bạn dự định sẽ gửi tới độc giả những tác phẩm nào của mình?

Chắc là tôi cũng sắp ra sách mới rồi. Hiện giờ tôi đã có bản thảo nhưng đang muốn “ngâm” đấy đã, để đầu năm sau chẳng hạn. Đầu tiên là một tập truyện ngắn, trong đó cơ bản là dành cho những người trẻ, đặc biệt là những người trẻ với cuộc sống đô thị vì mình là trẻ thành phố mà (cười). Ngoài ra thì tôi cũng đang viết một cuốn thuộc thể loại khoa học viễn tưởng, Dự định là năm sau sẽ cho trình làng hai cuốn sách này.

Xin cảm ơn!

Xuân Thoán - Ngọc Lệ (thực hiện)

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm