Tác giả “Bóng đè” trước ngày vu quy

"Một tháng nữa tôi lên xe hoa. Anh ấy bảo tôi muốn làm gì thì làm, viết gì thì viết, miễn là đừng lăng nhăng ngoại tình như nhân vật" - Đỗ Hoàng Diệu, tác giả "Bóng đè" tâm sự.

Nghe nói tập “Bóng đè” của Đỗ Hoàng Diệu đã đến hồi tái bản. Phải chăng riêng “Bóng đè” đã được viết một cách “xuất thần” - nó có vẻ cao hơn hẳn những truyện khác của Diệu.

“Xuất thần” hay không thì không biết, nhưng viết xong tôi bị ốm, mộng mị linh tinh. Người đọc “Bóng đè” đầu tiên chính là bố tôi (nhà văn Đỗ Văn Phác, hiện công tác tại Hội Văn nghệ Thanh Hóa).

Sau đó đến chú Từ Nguyên Tĩnh, chú Văn Đắc trong Hội Văn nghệ. Bố tôi và các chú hình như đều choáng, nhìn tôi như thể... Nhưng bố tôi có khen tôi.

Lúc đầu truyện có tên là “Thung lũng 11 ngôi mộ”, và rất dài, khoảng 40 trang. Có người chê tên truyện vừa dài vừa gây hiểu lầm là truyện ma - “Tên truyện nào cũng dài như dòng sông” - họ nói. Thế là tôi đổi.

Bóng đè” cùng Đỗ Hoàng Diệu vẫn là đề tài trên một số diễn đàn văn nghệ báo chí. Cô cảm thấy thế nào trước những khen chê có lúc quá lời?

Những lời khen chỉ là sự khích lệ cho tôi. Còn chê? Tôi thuộc loại máu lạnh… Có người bạn làm đầu nậu ôm cả chồng báo đặt trước mặt, tôi cũng không đọc.

Chỉ nghe kể lại là chính, có người còn tập hợp hàng đống ý kiến chửi bới trên mạng, và đi đâu cũng thanh minh “nói với cái Diệu tôi không đánh nó mà đánh...”. Nếu phải bình luận thì đó là một cách chơi không công bằng.

Tôi có duy nhất đọc bài của Nguyễn Thanh Sơn, Sơn gửi cho tôi qua email. Đọc xong tôi hỏi “Anh chơi với em bao nhiêu năm, anh thấy em không có văn hóa thật à?” “Anh không bảo em mà là nhân vật của em không có văn hóa”.

Tôi có đọc bài đó. Chắc Thanh Sơn không chịu được khi nghe so sánh Đỗ Hoàng Diệu và Vệ Tuệ. Nếu có so sánh thì vinh dự thuộc về ai?

Tôi thấy sự so sánh đó nếu có, chỉ là vô thưởng vô phạt. Bản thân tôi cũng chưa nghe ai viết so sánh, chỉ là chuyện bàn trà quán nước. À, có lần tôi nghe nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phát biểu trong chương trình tiếng Việt của một đài nước ngoài rằng “ở trong nước bây giờ người ta gọi Đỗ Hoàng Diệu là Vệ Tuệ của Việt Nam”. Còn ngoài đời có nhiều chị gọi sau lưng tôi “Con Vệ Tuệ Việt Nam ấy...”.

“Nó viết toàn chuyện ngủ nghê, lại còn bố chồng- con dâu, lại còn ngủ với ma, ngủ với ma lại có mang”. Bên cạnh ý kiến loại này- cho rằng tác giả chẳng có thông điệp gì ngoài sex, là nhận xét kiểu “ý tưởng gì mà lộ liễu, trắng trợn”. Sau đây với những truyện có ý đồ thì cô định lộ hơn hay kín hơn?

Tôi sẽ dung hòa cả hai. Người kêu lộ, người kêu đọc chẳng hiểu gì! Đọc “Tình chuột”, có người bảo tôi sao không viết những chuyện thanh cao trong sáng, tôi thấy truyện ấy thanh cao trong sáng đấy chứ.

Truyện “Bóng đè”, khi anh Hồ Anh Thái thông báo sẽ đưa vào tập Văn Mới 2005, tôi rất ngạc nhiên.

Nghe nói sắp tới sẽ có hai sự kiện? Một tiểu thuyết và...

Tiểu thuyết của tôi đã gần xong, chắc không dễ ra. Và đúng là một tháng nữa tôi lên xe hoa.

Anh ấy là ai, ở đâu, làm nghề gì?

Anh ấy sống ở Mỹ, người Việt chứ không phải người nước ngoài. Anh ấy muốn chúng tôi sang Mỹ sinh sống nhưng tôi thích ở Việt Nam hơn, Sài Gòn chẳng hạn. Anh ấy cao to, sinh 62, giỏi giang đấy!

Nếu viết tiếp liệu cô có định trau dồi thêm một ít sau khi bị “kích” vấn đề văn hóa?

Đã bảo tôi máu lạnh, và rất độc lập. Hồi 9 tuổi tôi từng đi bộ 30 cây số từ thành phố Thanh Hóa (là nơi tôi ở nhờ nhà cô chú để dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia), về nhà ở Tĩnh Gia chỉ vì nhớ nhà.

Không ai bắt được tôi ngồi lên xe họ chở, hôm sau lại đi học tiếp. Tính tôi đã định làm gì là làm bằng được. Còn đọc, tôi vẫn đọc đấy chứ, chủ yếu là sách dịch.


Theo Tiền Phong