Sự “khôi hài” ở những cuộc hội thảo của ngành điện ảnh
(Dân trí) - Nỗ lực cố gắng thay đổi, song cuộc hội thảo “Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong sản xuất và phổ biến phim” giữa các nhà làm phim Việt vẫn diễn ra trong không khí tẻ nhạt, cũ kỹ như chính những vấn đề họ đưa ra!
Có thể nhìn thấy nỗi niềm mong mỏi tìm thấy “ánh sáng cuối đường hầm” trong những cuộc hội thảo của ngành Điện ảnh. Những khó khăn chất chứa trong cơ chế, trong cơ cở kỹ thuật, trong chính sách đầu tư, trong những tư duy làm phim lỗi thời… đã đẩy nền điện ảnh đến bờ vực bế tắc và tụt hậu.
NSND Bùi Đình Hạc thể hiện tâm tư của mình về chất lượng phim Việt Nam hiện tại so với điện ảnh nhiều nước châu Á. Theo NSND Bùi Đình Hạc, chất lượng phim là vấn đề cần giải quyết lập tức. Chất lượng phim đang kéo nền điện ảnh đi xuống.
Đạo diễn Thanh Vân bày tỏ quan điểm về mối quan hệ phức tạp giữa đạo diễn và biên kịch. Đạo diễn sẵn sàng nhận bất kỳ kịch bản nào hãng giao cho để có việc làm, bất cần có thích đề tài đó hay không. Nhà biên kịch cũng chăm chăm bán cho được kịch bản, chẳng cần quan tâm xem đạo diễn nào sẽ nhận và “chế biến” kịch bản ấy như thế nào. Chính điều đó đã gây ra những hệ luỵ đáng tiếc, những trận tranh cãi, kiện tụng ầm ĩ giữa các đạo diễn và các nhà biên kịch. Điều đó thể hiện rõ nhất tính không chuyên nghiệp của điện ảnh Việt.
Nhà sản xuất Phước Sang đề cao hệ thống phát hành phim tại các rạp chiếu. Theo anh, “Nhà nước đã có những tập đoàn dệt may, tập đoàn cao su, tại sao không có tập đoàn phát hành phim Việt Nam?”. Xây dựng và nâng cấp hệ thống rạp là vấn đề thiết yếu nhất hiện nay dưới cái nhìn của nhà sản xuất Phước Sang.
***
Hội thảo Nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp trong sản xuất và phổ biến phim - do Cục điện ảnh tổ chức đã diễn ra vào ngày 17/7 tại Hà Nội. Tham dự có thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Lê Tiến Thọ; Lãnh đạo Cục Điện ảnh và đông đảo các nhà làm phim. |
Các cuộc hội thảo của ngành điện ảnh chỉ có một tác dụng duy nhất, đó là, bộc lộ rõ nét tất cả sự yếu kém của thực trạng nền điện ảnh. Ai đến đó cũng mang theo một bản tham luận “tố khổ”, ghi rất chi tiết và cụ thể về những khó khăn của nền điện ảnh nghèo nàn, lạc hậu. Nhưng không ai có thể đưa ra bất kỳ giải pháp nào cho mỗi thực trạng, tất cả chỉ biết trông chờ vào các cấp lãnh đạo!
Có thể thấy sự khôi hài khi đi dự hội thảo của ngành điện ảnh. Mỗi cuộc hội thảo giống như ngành điện ảnh thu nhỏ, ở đó, người ta thấy rất rõ thực trạng khó khăn, nhưng giải pháp thì xem ra... không có!
Hào Hoa