Phim hình sự Việt Nam: Tốc độ tư duy quá chậm!
Phim "Cảnh sát hình sự" của ta cũng có nhiều tập hay, nhưng căn bệnh hay mắc là thoại dài quá, nhất là hay họp ban chuyên án, mỗi lần vậy lại thuyết giảng nhiều, và quá cũ, hô "quyết tâm" (phá án nhanh) hơi nhiều…
Dường như có một làn sóng phim hình sự của Mỹ, Trung Quốc đang chiếu trên truyền hình cả nước liên tục mấy tuần nay. Truyền hình cáp còn chiếu song song cả phim hình sự ta và hình sự tây. Khán giả so sánh như một lẽ tự nhiên và đương nhiên phần lép vế thuộc về phim VN...
Truyền hình Hà Nội có "Ranh giới nguy hiểm", "Nữ thợ săn", truyền hình VN phim cuối tuần giờ cũng liên tục chiếu các phim hình sự Mỹ, gần nhất là "Sát thủ kề bên", "Một bước sai lầm"... Truyền hình cáp là "Điệp viên Jack 2.0" và "Cuộc chiến không cân sức". Truyền hình kỹ thuật số đang chiếu phim "Chuyên án 7 ngày"...
Xem loạt phim hình sự nước ngoài trên, nhất là phim Trung Quốc (TQ) với bối cảnh và câu chuyện tương đồng hơn cả với ta, đặt cạnh hàng loạt phim "Cảnh sát hình sự" của Việt Nam, mới phát hiện nhiều điểm lý thú.
Chi tiết và cách dựng phim hấp dẫn hơn
Chỉ xin dẫn ra phim TQ "Chuyên án 7 ngày". Mặc dù câu chuyện không quá phức tạp, thủ phạm đôi khi đã hé lộ từ đầu, nhưng khán giả vẫn bị hút vào màn ảnh. Vì cách dựng phim cuốn hút, nhiều đoạn đặt song song bối cảnh - để chỉ việc cùng lúc các tình huống diễn ra dồn dập tại nhiều bối cảnh khác nhau, vừa giúp khán giả có dịp đối chứng, liên kết sự việc dễ dàng.
Để tăng tiết tấu của phim, thời hạn các vụ phá án được đẩy nhanh lên, "Chuyên án 7 ngày" mỗi ngày kéo dài cả chục tập. Và thời gian luôn chạy vùn vụt qua hình ảnh chiếc kim đồng hồ luôn chạy trên màn hình... Một chi tiết nhỏ nhưng góp phần tăng tính hấp dẫn của phim.
Ít thoại, thoại ngắn và hành động
Phim "Cảnh sát hình sự" của ta cũng có nhiều tập hay, nhưng căn bệnh hay mắc là thoại dài quá, nhất là hay họp ban chuyên án, mỗi lần vậy lại thuyết giảng nhiều, và quá cũ, hô "quyết tâm" (phá án nhanh) hơi nhiều.
Trong khi bản chất của phim hình sự là hành động (action) và phim TQ thoại ít hơn, dùng hành động làm ngôn ngữ chính của phim, dùng hành động để mô tả tâm lý. Phim "Cuộc chiến không cân sức" chỉ quay từ phía sau sự chuyển động của hai cái đầu viên chỉ huy và anh cảnh sát mà nói lên rất nhiều. Phim họ đôi khi cũng có đoạn thoại dài nhưng khi đó hàm lượng thông tin hoặc độ đậm đặc của cảm xúc lại rất mạnh.
Nhân vật mờ nhạt
Phim hình sự ta rất chú ý đến xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an, đặc biệt là đời sống tình cảm nội tâm, nhưng thường dành rất nhiều trường đoạn mà nhân vật vẫn không rõ tính cách. Vì quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện vợ, (hay người yêu) không thông cảm với chồng (hay bạn trai) về công việc... Mâu thuẫn này là có thật nhưng lặp mãi sẽ nhàm. Diễn viên đóng phim ở ta phần lớn lại từ các đoàn kịch, diễn sân khấu quen diễn liên tục, và phóng đại. Trong khi diễn viên điện ảnh phải quen diễn ngắt đoạn và diễn tự nhiên, đời thường.
Nghiệp vụ cảnh sát có "vấn đề"
Đã đành làm phim hình sự không thể lôi ra tất cả biện pháp nghiệp vụ, nhưng cần tránh biến cảnh sát hình sự thành "hiền lành", ngây ngô. Một số người trong nghề cảnh sát hình sự khi xem loạt phim này đã lắc đầu vì một số tình tiết quá thiếu chính xác, thể hiện sự non kém của trinh sát. Phải chăng thiếu sự tư vấn cẩn trọng của một số dân nghề thật sự?
Tốc độ nhanh mà hoá chậm
Phim hình sự của TQ xem hấp dẫn còn vì tiết tấu nhanh - là tổng hoà của nhiều yếu tố: Sự việc diễn ra nhanh, phán đoán và xử lý nhanh của nhân vật... - Tóm lại là thể hiện tốc độ tư duy của chính những người làm phim. Phim hình sự ta xem nhiều cảnh đuổi bắt tốc độ, nhiều cú đánh nhanh nhưng nhìn chung vẫn thấy chậm. Sâu xa là chậm trong tư duy.
Theo Việt Văn
Lao Động