Phạm Thanh Khương sẵn sàng đối thoại với Ngọc Tư
Khi dư âm của vụ <a href="http://dantri.com.vn/giaitri/2006/4/112807.vip">kiểm điểm nữ nhà văn Cà Mau </a>vẫn còn âm ỉ thì mới đây, dư luận lại lên tiếng về việc "Cánh đồng bất tận" và truyện ngắn "Dòng sông tật nguyền" (tác phẩm dự thi in trên báo Văn Nghệ Quân Đội) của Phạm Thanh Khương quá giống nhau.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với các tác giả về việc này:
Phạm Thanh Khương: "Giống hàng xóm nhưng vẫn là con mình"
Ông nhận xét thế nào về truyện "Cánh đồng bất tận" của Nguyễn Ngọc Tư?
Bây giờ trong tay tôi vẫn chưa có gì. Tôi cũng chưa đọc cả những bài đã đăng trên báo chí mấy hôm nay.
Nói như thế nghĩa là đến nay ông vẫn chưa đọc “Cánh đồng bất tận”?
Chưa. Có hôm ai đó đưa cho tôi xem. Tôi có xem qua rất nhanh rồi thì cậu phóng viên lại lấy đi ngay.
Tại sao ông lại có thái độ thờ ơ với những dư luận liên quan đến tác phẩm của mình như vậy?
Bởi vì tôi đã ở cái tuổi "ngũ thập nhi tri thiên mệnh". Tôi không quan tâm nhiều đến những chuyện ầm ĩ xung quanh. Hơn nữa tôi còn có nhiều việc để làm: công việc, chăm sóc vợ con, đấy là chưa kể thời điểm này đang diễn ra World Cup. Tôi chưa bỏ trận nào.
Về tác giả Phạm Thanh Khương: Sinh ngày 15/4/1959 Tốt nghiệp: Học viện Biên phòng, Học viện Chính trị - Quân sự Hiện là Phó tổng biên tập báo Biên Phòng. Các tác phẩm đã xuất bản: |
Khi so sánh giữa "Cánh đồng bất tận" và "Dòng sông tật nguyền", người ta phát hiện ra những điểm tương đồng về mặt ý tưởng, nhân vật (truyện của ông có 4 nhân vật thì cả 4 đều có sự tương đồng với nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư), các chi tiết then chốt… Với sự giống nhau diễn ra trên một cấp độ và phạm vi như thế thì ông nghĩ sao?
Thế thì tôi phải kể một câu chuyện rất vui và rất thật như sau: Khi vợ tôi sinh con, người ta cứ bảo rất giống ông hàng xóm. Như thế cũng tốt thôi, nhưng nó vẫn là con của tôi.
Nhưng ở đây, chúng ta đang nói đến sự giống nhau kỳ lạ giữa hai tác phẩm văn học. Ông nghĩ sao khi tác phẩm của ông ra đời bị dư luận cho là giống với một tác phẩm khác?
Về dư luận thì thế này… Tôi cho rằng chúng ta đang sống trong một môi trường xã hội dân chủ, trong một nền báo chí dân chủ, nói thế nào, hiểu thế nào là quyền của bạn đọc.
Ông có nói, truyện của ông được xây dựng từ chính tuổi thơ của mình. Ông có thể nói rõ thêm về những ngày tháng tuổi thơ này?
Tôi sinh ra ở Thái Bình. Dòng sông được đề cập đến trong tác phẩm là sông Sứ. Gia đình tôi là gia đình thuyền chài nhiều đời. Đến đời tôi mới lên được bờ và lưu lạc qua rất nhiều nơi. Tôi chính là chú bé con ông thuyền chài.
Lấy nguyên mẫu là chính mình, vậy tại sao khi đưa vào tác phẩm, ông lại xây dựng nhân vật “tôi” là con gái ông thuyền chài?
Tôi nghĩ rằng nếu để nhân vật là nữ giới, sức chịu đựng sẽ lớn hơn.
Những ai được đọc tác phẩm này của ông đầu tiên?
Người đầu tiên là anh Vũ Mạnh Thường - tổng biên tập cũ của báo Biên Phòng. Tôi kể toàn bộ câu chuyện cho anh ấy nghe. Anh Thường góp ý, văn chương cần phải nhân văn, chính vì vậy, tôi đã viết thêm đoạn cuối.
Ông nghĩ sao nếu Nguyễn Ngọc Tư muốn được đối thoại với ông?
Tôi rất mong muốn được trao đổi trực tiếp và thẳng thắn với không chỉ Nguyễn Ngọc Tư mà tất cả những bạn đọc nào quan tâm. Nhà tôi ở số 19, ngách 11/2 Đường Ngô Gia Tự, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội, số điện thoại 04.8777098.
Nguyễn Ngọc Tư: "Tôi luôn tin tưởng vào bản thân mình"
Chị có thể nhắc lại mốc thời gian chị hoàn thành tác phẩm "Cánh đồng bất tận"?
Tôi đã nói về điều này rất nhiều trên các báo trước đây rồi nên xin được phép không nhắc lại nữa.
Trong quá trình sáng tác "Cánh đồng bất tận", chị có đọc văn bản nào na ná như những gì mình có ý định viết?
Hoàn toàn không. Tôi viết "Cánh đồng" trong tâm trạng trăn trở và lấy tư liệu từ cuộc sống là chính. Thời gian đó tôi cũng chẳng đi đâu xa khỏi quê hương mình.
Khi tác phẩm hoàn thành, ai là người chị cho xem đầu tiên?
Nhà báo Huỳnh Kim, một người bạn của tôi hiện ở thành phố Cần Thơ.
Trước nhiều sự việc xảy ra quanh tác phẩm của mình, chị cảm thấy thế nào?
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào bản thân tôi và tôi vẫn đang viết.
Hiện giờ tâm trạng chị ra sao?
Hiện tại, tôi rất mệt mỏi. Tôi vẫn đang viết và viết báo là nhiều. Mới đây trên một tờ báo có phỏng vấn lấy ý kiến tôi về việc này nhưng lại diễn đạt không đúng như ý tôi muốn nói. Tôi không muốn có gì ầm ĩ, xôn xao, cũng không có gì đến nỗi phải lên báo làm căng thẳng. Đây là chuyện giữa tôi và tác giả Phạm Thanh Khương. Đến lúc nào đó, tôi và tác giả Phạm Thanh Khương sẽ phải đối thoại với nhau.
Phóng viên đã liên lạc với ông Huỳnh Kim, hiện là nhà báo ở thành phố Cần Thơ, và được ông cho biết: Vào khoảng tháng 4/2005, tôi nhận được e-mail từ Cà Mau của Nguyễn Ngọc Tư truyện Cánh đồng bất tận. Lúc đó Tư chỉ mới viết dang dở phân nửa câu chuyện mới chừng chục trang. Ngọc Tư cũng thường mail cho bạn bè những truyện đang viết dở để lấy ý kiến như thế. Tôi đọc xong thấy quá thích nên chuyền cho nhiều người bạn khác nữa cùng đọc và ai cũng khen hay. Tôi viết mail thúc Tư viết nốt phần còn lại. Đến tháng 7/2005, Ngọc Tư hoàn thành tác phẩm này và có mail cho tôi. Lúc đó truyện được phân làm 7 đoạn, nhưng tôi có góp ý Tư tách đoạn 7 ra thêm 1 đoạn nữa để cho mạch truyện được rõ hơn. Vì thế, hiện tại truyện này được phân làm 8 đoạn. Vào tháng 8/2005, thầy Trần Hữu Dũng, người từng lập thư viện online về các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, từ Mỹ về dự hội nghị ở Đà Nẵng đã lặn lội về Cà Mau thăm Ngọc Tư. Sau đó, tôi có gặp anh Hữu Dũng ở Cần Thơ. Hai anh em bàn về tác phẩm mới của Nguyễn Ngọc Tư với rất nhiều tình cảm mến phục. Tôi nhớ hình như có đọc trên báo Tư trả lời phỏng vấn là viết truyện này trong khoảng 6 tháng. Vậy làm một phép tính nhẩm có thể suy đoán Tư bắt tay vào viết Cánh đồng bất tận từ khoảng tháng giêng năm 2005. |
Theo Anh Vân - Lưu Hà
Vnexpress