Ni sư mang dòng máu Ấn – Việt: “Tôi hân hạnh sinh vào xứ Việt Nam”
(Dân trí) - Nước Việt Nam là nơi địa linh nhân kiệt, con người Việt Nam là “con rồng, cháu tiên” bởi ông cha ta xưa muốn con cháu mình được sướng như tiên và đất nước mình có sức mạnh như con rồng ẩn mình trên mây, Ni Sư Thích Nữ Giác Liên cho biết.
Là người Việt lai Ấn, trải qua hơn 70 năm kinh nghiệm cuộc đời, Ni sư Thích Nữ Giác Liên, Viện chủ chùa Phước Hải (Mang Thít – Vĩnh Long) luôn khắc khoải học hỏi và nghiên cứu về đất nước Việt Nam và càng nghiên cứu “sư bà” càng thấy nước Việt Nam có lòng thương nhân loại rất rộng lớn.
“Dân tộc Ấn hãnh diện có Đức Phật Thích Ca giáng trần nơi xứ họ. Dân tộc Trung Hoa tự hào có Lục Tổ Huệ Năng. Còn Việt Nam chúng ta cũng có Phật ra đời đó là Phật Hoàng Trần Nhân Tông và có những vị hiền giả như hai ngài Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu. Đất nước của chúng ta là đất nước địa linh nhân kiệt nên tôi hân hạnh sinh vào xứ Việt Nam,” Ni sư Thích Nữ Giác Liên, chia sẻ tại buổi lễ ra mắt 3 cuốn sách của mình gồm “Như thế nào là giải thoát”, “Thắp sáng đèn chân lý” và “Bờ giải thoát” vừa diễn ra tại Hà Nội.
Theo sư bà, giải thoát không có nghĩa là bỏ cuộc sống để đi lên chùa mà muốn giải thoát thì phải giải phóng những bức xúc trong con người mình. Mặc dù ở đời ai cũng có những nỗi ưu phiền trong công việc, cuộc sống và gia đình nhưng mỗi ngày nên giành ra ít nhất là 10-15 phút để nằm trong vắng lặng, lắng nghe từng hơi thở của mình và trải tâm từ.
“Mỗi chúng ta là một tế bào của vũ trụ vì thế chúng ta nên dung hòa với vũ trụ. Ôm tham lam, sân hận, ganh ghét… sẽ làm cho các tế bào trên cơ thể ta đau khổ. Nếu cứ đem đau khổ, hận thù mãi thì người ta sẽ khinh khi mình…,” sư bà nói.
Sư bà cũng cho rằng: Thế hệ trẻ rất quan trọng đối với đất nước. Vì thế giới trẻ Việt Nam nên nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc. Từ ngàn xưa, người Việt được coi là “con rồng, cháu tiên” bởi ông cha ta muốn con cháu mình được sướng như tiên, đất nước mình được hùng cường như thế rồng ẩn trong mây… Do đó, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với mong mỏi của cha ông.
“Mỗi sinh viên cần biết yêu thương mình, yêu thương đất nước mình, cần nghiên cứu để có hiểu biết về nước Việt Nam ta, cha ông ta đã làm gì… Hạnh phúc là biết cách sống, biết làm người, biết chia sẻ những gì ta có.”
Chẳng thế mà sư bà đã có những câu thơ dõng mãnh trong “Bờ giải thoát”:
“Ta đứng giữa trời đất bao la,
Với tinh thần vô ngại.
Chân lý của ta, là linh hồn tự tại,
Ta an tâm trong cảnh giới động tâm.”
"Như thế nào là giải thoát" gồm những bài viết, những chia sẻ chân thành của sư bà về cách tu tập, lối sống lấy hiếu - nghĩa làm đầu, về những bài học từ tuổi thơ, về nuôi dưỡng tâm trong sáng khi đến với Phật, về tâm lý giáo dục trẻ em và những chuyện màu nhiệm nơi xứ Phật. Trong khi đó, cả "Bờ giải thoát" và "Thắp sáng ngọn đèn chân lý" đều là sách thơ, làgồm các bài thơ sư bà sáng tác trong suốt thời gian tu tập của mình. Mỗi câu thơ, từng con chữ như nhắc nhở chúng ta, hướng dẫn chúng ta cách tu tập bằng việc hướng về hiện tại, tự soi chiếu tâm mình và nhận ra những giá trị sống những niềm hạnh phúc giản đơn quanh ta...
Nguyên An