Những lát cắt hé lộ vẻ đẹp kỳ lạ của viên ngọc trong đá “The Farewell”
(Dân trí) - Dù có vẻ ngoài dung dị với cốt truyện bình thường, nhưng The Farewell (Lời Từ Biệt) lại ẩn chứa nhiều vẻ đẹp ẩn sau lớp vỏ ấy. Mà chỉ khi bóc tách, soi rọi, người xem mới thấy được viên ngọc quý bên trong, để rồi càng ngắm càng say sưa, càng thấy đẹp và rung động hơn nữa.
Câu chuyện giản dị nhưng đầy cảm động, sâu sắc
The Farewell hiện đang được giới phê bình lẫn công chúng quốc tế đón nhận nồng nhiệt. Điều này có thể nhận thấy khi phim được đánh giá tích cực trên các trang phim uy tín, với điểm số cao vút 8.1 IMDb, 99% Rotten Tomatoes và 89% Metacritic. Những điểm số này phần nào cho thấy The Farewell là một tác phẩm thành công cả về doanh thu lẫn nghệ thuật, đồng thời phản ánh sự chuyển biến của giới phê bình phim Hollywood khi hướng đến các đề tài Á Đông. Mà trong đó, The Farewell là một phim hội tụ đầy đủ, từ đạo diễn và dàn diễn viên gốc Á cho đến câu chuyện gia đình Trung Hoa vốn không phải chủ đề hấp dẫn với Hollywood nhưng lại trở nên lôi cuốn lạ thường! Đạo diễn Lulu Wang đã khéo léo “nâng tầm” bộ phim bằng việc thể hiện chủ đề này trong sự khác biệt văn hóa Đông – Tây.
Nhân vật chính trong The Farewell là Billi - một cô gái trẻ đang gặp thất bại liên tiếp trên con đường sự nghiệp. Vừa bước qua tuổi 30, cô cảm thấy bế tắc và lạc lõng hơn lúc nào hết. Một ngày nọ, Billi bất chợt hay tin từ bố mẹ rằng bà cô, Nai Nai, sắp qua đời tại quê nhà. Họ không nói gì với bà về bệnh tình trầm trọng. Tất cả thành viên gia đình quay lại quê hương Trung Quốc với lý do tổ chức đám cưới cho anh họ Billi, người bất đắc dĩ phải kết hôn cùng cô bạn gái vừa quen vài tháng trước. Sau chuyến bay dài quay về Trung Hoa, mọi người tụ họp tại nhà Nai Nai. Tất cả họ đã không gặp nhau suốt 25 năm vì những người con của Nai Nai đều sớm sang nước ngoài lập nghiệp - bố cô, Haiyan, nay định cư tại Mỹ, và một người bác khác ở Nhật. Buổi đoàn tụ có vẻ được chờ đợi từ lâu. Khoảnh khắc tái ngộ, vì thế, đem đến cảm giác vui buồn lẫn lộn.
Yếu tố Đông – Tây trong The Farewell tuy có sự khác biệt trong nhận thức của nhân vật về việc đối mặt với sinh tử, khác nhau trong cung cách ứng xử, mối quan hệ gia đình… nhưng điều đó không hề xung đột, ngược lại rất đỗi hài hòa và gây hứng thú cho người xem. Với người Mỹ, câu chuyện về một người gốc Hoa trở về một gia đình Trung Hoa “chính hiệu” với nếp sống, với không gian sinh hoạt, cách ăn uống, cách chiêu đãi, cách nói lời “chia tay”… cũng đủ gây tò mò. Còn với khán giả quốc tế, câu chuyện gia đình chưa bao giờ mất đi giá trị nhân văn khi gần đây, càng nhiều phim đề tài này được chú ý. Song song đó, đạo diễn đã rất khéo léo khi sử dụng ngôn ngữ điện ảnh phương Tây để kể một câu chuyện phương Đông nhằm tạo cảm giác gần gũi, hài hòa. Đó là những thước phim màu lạnh, nhạc nền phương Tây, nhân vật chịu ảnh hưởng bởi văn hóa phương Tây, diễn viên chính là Akwafina – một diễn viên gốc Á được chú ý ở Hollywood. Có thể nói, The Farewell là một phiên bản “đời” hơn, chân thật hơn và cá nhân hơn của hiện tượng Crazy Rich Asians (Con Nhà Siêu Giàu Châu Á) mà Akwafina đã tham gia trước đó.
Mỗi khán giả sẽ có những trải nghiệm riêng biệt
Với cách kể từ tốn, chậm rãi nhưng len lỏi âm thầm vào con tim người xem, The Farewell khiến những đứa con “xa nhà” phải sụt sùi, những con tim thẫn thờ với gia đình phải rung lên, và rồi những giọt nước mắt chảy ra. Ở đó có người bà, dẫu bị con cái bỏ rơi suốt hàng chục năm trời, nhưng vẫn một lòng đón con về từ nước ngoài và tiễn con đi với nụ cười bên ngoài nhưng trong lòng gần như ngã quỵ. Ở đó có người mẹ dù là dâu con trong nhà, thương mẹ, thương chồng, thương con nhưng vẫn giấu yêu thương để nói ra những lời chạnh lòng vì không giỏi thể hiện cảm xúc. Ở đó có người cha tưởng vô tâm, thích đùa nhưng lại là người nghĩ về đấng sinh thành nhiều nhất. Và The Farewell sẽ giúp bạn hiểu thế nào là tình gia đình đậm chất Á Đông. Nghẹn ngào. Đau đáu như con tim sắp vỡ.
Không ép người xem đứng lề bên nào, không đưa ra một “đại tự sự”, đặt tâm thế nhân vật chính trước tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong những khác biệt Đông - Tây, The Farewell là bộ phim giản dị nhưng mang đậm dấu ấn hậu hiện đại khi giải phóng cả tâm trí nhân vật và người xem. Tác phẩm để mặc sức cho khán giả đưa ra góc nhìn riêng về quyết định của Billi, và tự mình nếm trải dư vị mà đạo diễn cài cắm trong phim. Đó là sự xung đột văn hóa, xung đột thế hệ khi đứng trước một vấn đề, nỗi trăn trở của người tha hương về nguồn gốc – sự hội nhập – sự bảo tồn văn hóa; giữa sự kết nối và mất kết nối với gia đình, quê hương hay chỉ là 1 chỗ quen thuộc trong ký ức; nỗi cô đơn hoang hoải trước bối cảnh nào đó.
Những người trẻ Việt Nam hôm nay cũng dễ tìm thấy bóng dáng của mình trong câu chuyện: đó là những hoài bão tuổi trẻ, xa quê, lập nghiệp, mang theo khát vọng của gia đình, quay về, cảm giác mất mát.
The Farewell được đan cài thật sâu bằng ngôn ngữ điện ảnh phong phú: hình ảnh ẩn dụ và ý nghĩa biểu tượng (hoa và chim, không khí, những cầu thang xoáy ốc, những mẫu đối thoại mộc mạc nhưng sâu sắc) bên trong bố cục khung hình chật chội đè nén. Tất cả đã làm nên những thước phim tao nhã, tinh tế và đẹp đến thắt lòng. Để rồi trong bầu không khí lạnh lẽo pha lẫn ấm áp, điềm đạm và dữ dội ngấm ngầm, phim kết thúc với khoảnh khắc ấn tượng bởi tiếng hét bật hơi cuối cùng của nữ chính. Đó là khoảnh khắc Billi giải phóng bản thân, giành lấy sự tự do, sự thấu hiểu và thông suất hoàn toàn. Như thể những cách chim bay vút lên trời, cuốn đi mọi âu lo.
Lời Từ Biệt đang được chiếu tại các rạp chiếu phim trên toàn quốc.