Những góc khuất chưa bao giờ hé lộ của Tuấn Vũ qua lời kể của em gái
(Dân trí) - Trong buổi gặp gỡ phóng viên để giới thiệu về liveshow “Tuấn Vũ - 10 năm tái ngộ” sẽ diễn ra vào 9/12 tới tại Hà Nội, em gái danh ca Tuấn Vũ đã tiết lộ khá nhiều chuyện bí mật của anh trai mình.
Theo chị Kim Loan (người em gái thứ 9 trong gia đình danh ca Tuấn Vũ) thì anh em chị sinh ra trong một gia đình theo đạo ở Ninh Thuận. Bố mẹ chị sinh hạ được tất cả 10 người con. Từ nhỏ, Tuấn Vũ đã bộc lộ khả năng thiên bẩm về âm nhạc.
Trong một bữa ăn, anh chỉ cần cầm một cái chén và một đôi đũa là có thể tự gõ nhịp thành nhạc rất hay và hát chay cực “chất”. Dù không được kinh qua trường lớp âm nhạc nào song chất giọng rền vang và ấm áp của Tuấn Vũ luôn có sức hút người nghe một cách kỳ lạ, cả khi anh gõ nhịp rồi nói mà nghe như đang hát.
Em gái danh ca Tuấn Vũ kể rằng, chị sinh ra sau anh đúng 10 năm nhưng sau này được nghe bố mẹ và mọi người trong gia đình kể lại, khi chị còn nằm nôi, người anh ca sĩ của mình đã đi hát khắp nơi. Niềm đam mê ca hát ngấm vào “máu” nên từ bé, Tuấn Vũ đã tình nguyện tham gia các phong trào văn nghệ ở thôn, xóm, ca đoàn nhà thờ rồi được cử đi thi hát ở cấp xã, cấp huyện. Lần nào đi thi, anh cũng đều giành giải Nhất. Phần thưởng khi ấy chỉ là những món quà lưu niệm tượng trưng nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với anh.
Mặc dù vậy, bố mẹ Tuấn Vũ, nhất là bố anh không hề muốn anh đi theo con đường ca hát, vì vậy luôn nhắc nhở con trai đi hát cho vui chứ không nên nuôi mơ ước trở thành ca sĩ. Nguyện vọng của bậc thân sinh ra anh em Tuấn Vũ khi đó là nuôi dạy các con trưởng thành, dựng vợ gả chồng như bao người bình thường khác, còn đâu không muốn ai theo cái nghề thời bấy giờ vẫn bị quan niệm là “xướng ca vô loài”. Cũng bởi biết suy nghĩ này của cha mình nên cả khi sau này đi hát và nổi tiếng ở cả trong lẫn ngoài nước, Tuấn Vũ cũng không bao giờ khoe hay kể với ông những chuyện liên quan đến công việc của mình.
Cũng theo lời kể của em gái Tuấn Vũ, anh có tính tự lập rất cao. Ngày nhỏ, vì gia đình khó khăn, lại đông con nên trong khi những đứa em được đi học thì Tuấn Vũ đã có ý thức đi làm đỡ đần bố mẹ nuôi em và trang trải cuộc sống gia đình, trong đó có thời gian anh làm phụ việc kéo màn cho một đoàn cải lương.
Làm việc gì, anh cũng toàn tâm toàn ý và làm hết sức mình. Với tính cách chịu khó và chăm chỉ ấy, sau này khi bôn ba sống ở nước ngoài, thời gian chưa đi hát, Tuấn Vũ không ngại ngần hay nề hà làm bất cứ công việc gì để mưu sinh, dù đó chỉ là công việc lao động tay chân.
Cho tới bây giờ, Tuấn Vũ vẫn giữ cách sống tự lập ấy. Mỗi lần về nhà các em chơi, uống xong ly cà phê, anh tự mình đem đi rửa mặc cho người thân bảo “Anh cứ để đấy, em làm cho”. Đáp lại, anh chỉ cười hiền, nói lời cảm ơn nhưng dứt khoát tự làm vì không muốn phiền ai. Vả lại, với Tuấn Vũ thì khi được mọi người quan tâm đến mình quá, anh lại hay cảm thấy ngại.
Không muốn làm phiền ai song ngược lại, Tuấn Vũ lại luôn quan tâm và muốn giúp đỡ mọi người xung quanh, đặc biệt là cha mẹ và người thân trong gia đình.
Chị Nguyễn Thị Kim Loan nói thêm, bao nhiêu năm sống xa quê, những món mà Tuấn Vũ thèm ăn nhất mỗi khi trở về là: canh cua, canh cá đồng nấu mướp mồng tơi, cà pháo, cá sông kho tộ, rau bí hấp… Khẩu vị của anh rất đơn giản chứ không thích ăn những món cao lương mỹ vị.
Không chỉ vậy, nam danh ca “Nỗi buồn sa mạc” còn có tính thương người và hay động lòng trắc ẩn. Chẳng hạn, khi đi đường, mua một ly nước mía hay đánh một đôi giày, thấy người ta vất vả cực nhọc quá, anh luôn khéo léo đưa thừa nhiều tiền và nói họ không cần “thối” lại.
Người phụ nữ này cũng tiết lộ, điểm yếu lớn nhất của người anh trai - Tuấn Vũ có lẽ là tính cả nể. Đó là ưu điểm khiến anh được nhiều người thêm yêu mến song có lẽ cũng là điểm yếu của nam danh ca, khiến anh nhiều khi luôn nhận phần thiệt về phía mình, từ những việc rất nhỏ.
Theo đó, khi trở thành người nổi tiếng, mỗi lần về thăm quê, Tuấn Vũ vẫn giữ tính cách bình dị, dân dã, không bao giờ đặt ra khoảng cách nào giữa mình với mọi người xung quanh, dù đó là ai đi chăng nữa.
Có một điều thú vị ít ai biết, đó là Tuấn Vũ rất khéo tay. Có lẽ nếu không đi hát và trở thành ca sĩ, anh đã trở thành đầu bếp. Chị Kim Loan kể, ngày nhỏ mấy anh em trong nhà mà muốn ăn bánh trái gì là đều phải cậy nhờ vào tài của Tuấn Vũ vì anh tỉ mỉ và khéo tay vô cùng.
Nhớ lại, em gái nam ca sĩ hào hứng cho biết, ngày đó nhà nghèo, mỗi lần làm bánh ngọt nhưng không có nhiều đậu xanh để làm nhân, Tuấn Vũ nghĩ ra cách luộc hạt mít, bóc vỏ, nghiền ra rồi trộn chung với đậu xanh làm nhân bánh. Bánh làm ra, ăn rất bùi và ngon, không nói ra thì chẳng ai biết nhân bánh còn được làm từ hột mít.
Rồi như món bánh bột lọc ở quê, mọi người thường nặn thành hình tròn tròn bẹt bẹt rồi bỏ nhân vào nhưng Tuấn Vũ thì khác. Thấy mấy đứa em hì hụi làm, anh bảo: “Tụi bay làm vậy thì lâu lắm”. Nói đoạn, anh lấy cái chai lăn qua lăn lại, cán cho bột đều ra rồi lấy cái ly úp lên, vậy là có luôn cái bánh hình tròn.
Mỗi lần Tuấn Vũ về thăm quê, họ hàng và bà con làng xóm vẫn kéo đến có khi tới cả mấy trăm người chỉ để được nghe anh hát. Và lần nào cũng thế, anh luôn vui vẻ chiều lòng mọi người dù âm thanh không chuẩn, míc cũng không tốt. Có một điều Tuấn Vũ tâm niệm và chia sẻ với các em ngay từ những ngày đầu tiên anh bước chân vào con đường ca hát đó là anh sẽ không bao giờ hát “nhép”.
Năm 2001, Tuấn Vũ lần đầu tiên về nước sau một thời gian dài sinh sống và định cư ở nước ngoài. Điều nuối tiếc lớn nhất với anh khi ấy là không kịp nhìn mặt cha mình lần cuối trước lúc ông qua đời. Năm 2015, khi mẹ mất, Tuấn Vũ cũng không kịp về.
Sau đó, khi trở về, mỗi lần ra viếng thăm mộ cha mẹ, anh đều đứng trầm lặng rất lâu rồi bật khóc. Em gái Tuấn Vũ thổ lộ, nam danh ca là người sống rất tình cảm, trải qua những sóng gió trong cuộc sống, anh luôn nói với các em rằng, tiền bạc chỉ là phù du, tình cảm mới là điều sẽ còn lại mãi.
Hà Tùng Long