Nhạc sĩ nào được trả tiền bản quyền cao nhất năm 2014?
(Dân trí) - Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam vừa hé lộ danh sách những nhạc sĩ được trả tiền bản quyền cao nhất năm 2014. Đứng đầu danh sách nhạc sĩ được trả từ 100 triệu đồng trở lên vẫn là cố nhạc sĩ TCS.
Chị Nguyễn Thị Lựu, Phó giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc cho biết, đứng đầu Top nhạc sĩ được trả tiền bản quyền cao nhất hiện nay vẫn là cố nhạc sĩ TCS. Đứng các vị trí sau đó là nhạc sĩ KĐ, nhạc sĩ NHT, nhạc sĩ HA…Vì lý do cá nhân, đại diện các nhạc sĩ yêu cầu không tiết lộ công khai tên tuổi.
Đêm nhạc Khánh Ly tháng 8/2014 tại Việt Nam khép lại với dư âm lùm xùm về vấn đề bản quyền âm nhạc
Theo thống kê từ VCPMC, số nhạc sĩ được trả tiền bản quyền từ 100 triệu đồng trở lên là 65 nhạc sĩ- chiếm 2,12% tổng số 3072 thành viên năm 2014. Số nhạc sĩ được trả tiền bản quyền từ 50 triệu đến dưới 100 triệu là 88 người- chiếm 2,86% tổng số thành viên. Số nhạc sĩ nhận được tiền bản quyền dưới 100 nghìn đồng chiếm tỷ lệ cao nhất 18,42% (566 người).
Tính đến tháng 12/2014 số nhạc sĩ, tác giả ủy quyền cho VCPMC là 3072 người (tăng thêm 400 tác giả so với năm 2014). Đến tháng 1/2015, số nhạc sĩ ký hợp đồng ủy thác tại VCPMC là 3116 người. Trong đó, số lượng các nhạc sĩ trẻ chiếm 50% tổng các thành viên.
Trong năm 2014, tổng số tiền bản quyền VCPMC thu về là hơn 67 tỷ đồng (sau thuế). Trong đó, tỉ lệ phân phối thành công tiền bản quyền cho các tác giả là 86%. Số chưa phân phối được là những tác giả chưa đến nhận hoặc chưa đủ điều kiện phân phối (xác nhận chưa hợp lệ về thừa kế, địa chỉ liên hệ chưa chính xác.v.v.).
Ngoài ra, số tiền phân phối cho các tác giả quốc tế được thực hiện thông qua các tổ chức đại diện chiếm khoảng 21% của tổng số tiền phân phối trong các năm của Trung tâm.
Nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC cho biết, năm 2014 là một năm sóng gió: từ những thắc mắc không đáng có, thậm chí có người còn cố tình khởi động những ý kiến sai lệch để gây khó khăn cho Trung tâm… nhưng cán bộ nhân viên Trung tâm luôn khắc phục khó khăn, trau dồi kiến thức luật pháp…
Sơn Tùng dính nghi án đạo nhạc Hàn Quốc
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, sự tín nhiệm của các tác giả (được thể hiện ở số thành viên ủy quyền cho Trung tâm ngày càng tăng) chính là động lực để VCPMC luôn nỗ lực không ngừng.
Ngoài hoạt động khai thác, mang lại lợi ích vật chất cho các tác giả, VCPMC vẫn thường xuyên chú trọng công việc xác định tác giả- tác phẩm. Ví dụ trong năm 2014, có một số sự việc “gây bão” về bản quyền âm nhạc như vụ "đòi nợ" của VCPMC trong hai đêm nhạc Khánh Ly hay "lùm xùm" với beat ca khúc Because I miss you của Jung Yong Hwa, trưởng nhóm Rock CNBLUE Hàn Quốc bị một ca sĩ Việt Nam lấy lại sử dụng trong ca khúc của mình.
Bên cạnh đó, VCPMC cũng đưa ra các vụ việc tương tự như ca khúc Ú ủ La hay của Lê Mây bị một người lấy đem đi dự thi đoạt giải hay Bài ca núi Thúy của La Thăng bị một người lấy làm bài tỉnh ca ở Ninh Bình…
Điều đó cho thấy nguy cơ xâm hại quyền sở hữu tác phẩm của các tác giả âm nhạc hiện nay đang diễn ra rất bất cập. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, bên cạnh những nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho các tác giả từ phíaVCPMC, còn cần đến ý thức và sự tự trọng của người làm âm nhạc chuyên nghiệp.
Nguyễn Hằng