Nghệ sĩ ưu tú Quang Hưng, người đầu tiên hát bài “Tiến về Sài Gòn”

(Dân trí) - Trưa 30/4/1975, khi các đoàn quân giải phóng ở khắp các ngả tiến về Sài Gòn, thì loa phát thanh của chính quyền Sài Gòn lần đầu tiên vang lên tiếng nhạc hùng tráng bài hát “Tiến về Sài Gòn” của nhạc sĩ Huỳnh Minh Siêng (tức Lưu Hữu Phước).

Sau đó là lời tuyên bố đầu hàng của Tống thống Ngụy quyền, Dương Văn Minh. Cho đến nay bài hát vừa hùng tráng, giục giã, vừa thiết tha, sâu lắng ấy vang lên trong hầu hết các phim tư liệu về chiến thắng lịch sử 1975. Người vinh dự được cất tiếng hát trong giờ phút lịch sử thiêng liêng đó là nghệ sĩ Quang Hưng. Nghệ sĩ Quang Hưng tên thật là Lê Quang Hưng, sinh ngày 15/6/1934 tại Đan Loan, Bình Giang, Hải Dương, nguyên là diễn viên đơn ca Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam. Ông tham gia cách mạng từ khi còn là thiếu niên. Năm 1955, tham gia cuộc thi “Người lính hát hay” được tặng giải nhất toàn quân, và được điều về hát hợp xướng trong Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị. Từ đấy, Quang Hưng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Năm 1967, Quang Hưng đang chuẩn bị cùng Đoàn ca múa Quân giải phóng đi lưu diễn ở nước ngoài, thì nhạc sĩ Lưu Hữu Phước ở miền Nam ra Hà Nội, đưa cho anh bản nhạc bài hát Tiến về Sài Gòn, yêu cầu anh ghi âm mà nhất thiết phải hát bằng giọng miền Nam. Anh thực hiện yêu cầu của nhạc sỹ mà không biết đó là bài hát nhạc sỹ chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân năm 1968. Mãi sau này anh mới biết nhạc sỹ Lưu Hữu Phước mang vào miền Nam 2 băng ghi bài hát này. Một băng, nhạc sỹ giao cho nhóm chiến sĩ có nhiệm vụ chiếm Đài Sài Gòn. Trận đánh không thành, các chiến sĩ hy sinh, băng nhạc cũng mất. Còn băng thứ hai, nhạc sỹ cất giữ rất cẩn thận và mùa xuân năm 1975 lại trao cho cánh quân đánh chiếm Đài phát thanh Ngụy.
Nghệ sĩ ưu tú Quang Hưng, người đầu tiên hát bài “Tiến về Sài Gòn” - 1
Nghệ sĩ ưu tú Quang Hưng, (người đội mũ nồi) chụp cùng đại tướng Võ Nguyên Giáp


Còn Quang Hưng anh dùng ngay bài Tiến về Sài Gòn làm tiết mục trong chuyến lưu diễn 8 nước kéo dài gần một năm ấy. Những câu hát: “Tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù. Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô ...” đã vang lên trên những sân khấu rất lớn, trong đó có sân khấu Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh. Hôm biểu diễn ở Bắc Kinh, nghe bài hát, Thủ tướng Chu Ân Lai lên tặng hoa và nói: “Chúc các đồng chí sớm tiến về Sài Gòn” và ngay đêm đó, Thủ tướng cho người mang đến 10 hòm súng AK 50 khẩu, tặng cho 50 thành viên trong đoàn (số súng này sau đó đoàn trao cho tùy viên quân sự của Sứ quán ta để chuyển về nước). Ở Cuba anh cũng hát bài Tiến về Sài Gòn trong Festi-val “Ca khúc phản kháng” chống cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tổ chức theo sáng kiến của Chủ tịch Fidel Castro. Nghệ sĩ của rất nhiều nước đã tham dự Festival. Thật tuyệt vời khi chính trong những ngày khói lửa ấy, Tiến về Sài Gòn được truyền hình trực tiếp sang Mianma (Mỹ). Tại Festival, nghệ sĩ người Anh Ewan MacColl đã yêu cầu anh dạy mình hát bài Tiến về Sài Gòn và dạy lại anh bài Ballad of Hồ Chí Minh (Bài ca Hồ Chí Minh) với điệp khúc (Hồ - Hồ - Hồ Chí Minh) sáng tác từ năm 1954. Anh đã mang bài hát đó về nước.

Năm 1975, khi quân ta mở các chiến dịch ở miền Nam, anh để ý thấy Đài tiếng nói Việt Nam rất hay phát bài Tiến về Sài Gòn do anh hát, nhưng bằng giọng Bắc. Cho đến ngày 30/4/1975, buổi trưa, anh theo dõi Đài Sài Gòn. Họ cứ phát liên tục các bài tiền chiến như: Con thuyền không bên, Giọt mưa thu, Đêm đông. Đến khoảng 11h 15 phút thì bỗng ngừng bặt một lát, rồi có tiếng nhạc hùng tráng vang lên và: “Nơi thành đô trong ánh điện quang tiếng hát nghẹn câu cười - Khu nhà tranh năm cánh cửa ô rên xiết đêm ngày - Quê nhà ta đau đớn lầm than đang bóp nghẹn tim người - Sài Gòn ơi! Ta đã về đây! Ta đã về đây! ... “ Anh thót tim nghe tiếng hát bằng giọng miền Nam của mình. Anh trào nước mắt và kêu lên: “ Thắng rồi! Ta thắng rồi”. Thật kỳ lạ, đó là lần đầu tiên kể từ khi thu thanh, anh mới được nghe bài hát này do mình hát bằng giọng miền Nam. Mười ngày sau anh có mặt ở Sài Gòn. Gặp Lưu Hữu Phước, ông đã ôm chặt anh và nói: “Quang Hưng, cậu có biết bài Tiến về Sài Gòn của bọn mình ngon lành đến thế nào không? Chúng ta đã ở Sài Gòn rồi chứ không còn ước mơ như trong bài hát nữa”.

Hàng năm, cứ đến ngày 30-4, bài hát “Tiến về Sài Gòn” vang lên. Quang Hưng bồi hồi nhớ lại chính mình là người hát bài hát đó. Tiếng hát đã góp phần nhỏ vào niềm vui lớn của dân tộc trong ngày đại thắng. Niềm vui mùa xuân 1975, non sông gấm vóc của đất nước ta nối liền một dải.
 

Phạm Thành Nghi

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm