Nghe nhà sử học Dương Trung Quốc bàn về Tết xưa và Tết nay
Gặp nhà sử học Dương Trung Quốc những ngày cận Tết, chúng tôi được nghe ông say sưa bàn về sự “phá cách” cái Tết của các gia đình đình trẻ dưới góc nhìn rất văn hóa, hóm hỉnh và gần gũi.
Nhà sử học cho biết, cái Tết của gia đình ông được “bà xã” lo liệu chu toàn ngay cả khi bà đã lên chức bà và vẫn còn sức điều hành việc nhà. Tết của gia đình ông phải luôn đủ đầy, chẳng thể thiếu được thứ gì. Tết đến là phải có cây đào “đại” để chưng và nồi chè kho nấu vào đêm ba mươi Tết. Mâm cỗ không thể thiếu bát măng, bát bóng… hay như tục đổi tiền lẻ, mua phong thư để mừng tuổi người trên người dưới…
Nhà sử học cũng nhận thấy, sự thay đổi trong việc đón Tết của những người trẻ. Đám trẻ, các con và các cháu cũng ít nhiều “phá cách” cái Tết truyền thống cho phù hợp với đời sống… Giờ đây, ý nghĩa ngày Tết là sự hội tụ gia đình, là về quê cũng bắt đầu bị “cạnh tranh” với xu thế đi xa (du lịch dịch vụ hay phượt), với bạn bè nhiều hơn gia đình, với cái hiện đại, mới mẻ hơn.
Tuy nhiên, theo góc nhìn của một người chuyên nghiên cứu các vấn đề văn hóa, dù có thay đổi thế nào đi chăng nữa thì Tết vẫn là cái yếu tố hệ trọng nhất trong sự luân chuyển thời gian giúp chúng ta có cơ hội củng cố lại những giá trị của gia đình, cái tế bào nhỏ bé so với cả xã hội rộng lớn nhưng lại là yếu tố tạo nên sự bền vững cho sự phát triển tiến bộ của xã hội con người. Và vì thế, dù Tết nay có buồn hơn Tết xưa, có giản tiện lắm rồi thì chúng ta vẫn cần phải giữ gìn những giá trị Tết truyền thống, để dòng chảy thiêng liêng này của dân tộc được lưu giữ từ đời này sang đời khác.
Và cái dòng chảy văn hóa này chỉ được lưu truyền khi chính những đứa trẻ trong nhà cũng được trải nghiệm phong tục Tết, được tự tay chuẩn bị tết cùng ông bà, cha mẹ. Một đứa trẻ “tương tác” với Tết càng nhiều thì càng hiểu sâu sắc các giá trị truyền thống, càng trở nên năng động và giàu cảm xúc. Cái nền vững chắc đó không chỉ giúp trẻ hạnh phúc ngay trong ngày Tết đến mà còn khiến sau này trưởng thành, trẻ thêm yêu quý gia đình, dễ dung hòa giữa “truyền thống” và “hiện đại”.
Cùng chung quan điểm với nhà sử học Dương Trung Quốc, các ngôi sao trẻ của Việt Nam như diễn viên Mai Thu Huyền hay Trương Ngọc Ánh cũng muốn ngày Tết cổ truyền là dịp để các con gắn bó hơn và tìm hiểu về truyền thống gia đình. Nữ diễn viên Mai Thu Huyền cho biết: “Ngày Tết, tôi sẽ phải bận rộn hơn một chút khi cùng con trải nghiệm những phong tục Tết như cùng con thả chép tiễn ông Táo về trời, trang trí cây mai, cây đào hay tự tay chuẩn bị mâm cơm ngày Tết… nhưng bù lại là cảm giác hạnh phúc khi thấy được niềm vui và sự háo hức chờ Tết qua ánh mắt long lanh và tiếng nói cười ríu của các con. Và đặc biệt là qua mỗi cái Tết mình thấy các bé lại thêm yêu những giá trị Tết, và có được những bài học làm người ý nghĩa”.
Diễn viên Mai Thu Huyền cùng hai con hào hứng với ngày Tết đến gần
Diễn viên Trương Ngọc Ánh muốn con gái học về Tết Việt
Còn nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh thì muốn con gái sẽ có cảm nhận về Tết gần gũi như cô khi còn thơ ấu: “Cuộc sống bận rộn, ai cũng phải làm việc đến cận Tết mới được nghỉ nên cũng không thể nào mà tự tay làm mọi thứ từ A-Z như các bà các mẹ ngày trước. Tuy nhiên, tôi vẫn luôn cố gắng để cô nhóc nhà mình được lớn lên trong không khí Tết truyền thống để từ đó, con gái tôi luôn háo hức ngóng chờ Tết như tôi lúc xưa”.