Nếu mỗi ngày đọc nhiều loại sách tranh cho trẻ, sẽ khai mở được khả năng ghi nhớ của trẻ khi còn nhỏ (kỳ 2)
(Dân trí) - Lối suy nghĩ cho rằng chỉ nên nói chuyện hay đọc truyện cho trẻ nghe khi trẻ bắt đầu có khả năng hiểu là cách của phương pháp giáo dục bằng não trái. Còn cách thức giáo dục não phải hiệu quả là cha mẹ nói chuyện nhiều với trẻ ngay từ khi trẻ mới chào đời, mỗi ngày đều đọc nhiều loại sách tranh cho trẻ nghe.
1.Bộ não của trẻ sẽ lưu trữ được nhiều và nhanh hơn khi còn nhỏ
Mọi người đều tin rằng những năng lực của con người là vô hạn. Những trải nghiệm tiến hóa của nhân loại trong suốt hai mươi triệu năm quá khứ vẫn được lưu trữ trong DNA (lưu trữ thông tin sinh học) của con người. Để chúng có thể bộc lộ ra thực tế, nhất thiết phải có môi trường và cơ hội cho những DNA này hình thành và phát triển.
Khả năng tính toán tốc độ cao, nhanh hơn cả máy tính của não phải là năng lực đã được thiết lập trong não bộ con người từ rất nhiều năm trước nhưng không được mọi người biết đến trong một thời gian dài. Ngoài khả năng tính toán tốc độ cao, chúng ta đã biết đến sự tồn tại của những năng lực tiềm ẩn khác như khả năng tiếp nhận nhiều ngôn ngữ, khả năng cao độ hoàn hảo, khả năng trực giác trong não bộ của trẻ sơ sinh.
Để có thể phát hiện những năng lực này, cần tạo điều kiện thuận lợi để những năng lực đó được bộc lộ.
Để khai mở được năng lực tính toán của trẻ sơ sinh, chúng ta có thể cho trẻ xem thẻ Dot (thẻ thông minh) không tới một phút một ngày. Để nuôi dưỡng năng lực trực giác, cha mẹ hãy dành một ngày ba đến năm phút cho trẻ chơi các trò chơi trực giác là đủ. Để trẻ xuất sắc trong việc học tiếng Anh, hãy cho trẻ nghe các băng đĩa tiếng Anh mỗi ngày ba mươi phút. Với khả năng cao độ hoàn hảo cũng vậy, cho trẻ chơi, nghe và đoán âm thanh các nốt nhạc nào được chơi từ ba đến năm phút một ngày.
Nhờ vậy, càng ngày càng nhiều thông tin chứa đựng trong DNA sẽ được bộc lộ.
Chúng ta cần phải hiểu rằng những hoạt động kể trên hoàn toàn khác biệt với các phương pháp nuôi dưỡng những năng lực ở não trái. Năng lực của não phải là năng lực rất khó được phát triển nếu trẻ đã bị vuột mất khoảng thời gian quý giá.
Do đó, với những trẻ vừa chào đời, chúng ta nên tác động như thế nào để có thể khơi mở được “bí ẩn não phải” ở trẻ?
2.Bài tập ghi nhớ với những tấm thẻ
Đầu tiên, với những trẻ vừa mới sinh, hãy dùng thẻ Dot và thẻ hình để cho trẻ xem với tốc độ một hình một giây. Đó chính là cách để khai mở não phải. Chúng ta - thế hệ lớn lên với lối tư duy bằng não trái, vì chưa biết đến những khả năng não phải nên vẫn cho rằng vừa cho trẻ xem các thẻ vừa chậm rãi giải thích sẽ giúp trẻ ghi nhớ tốt hơn, tuy nhiên, đây là phương pháp giáo dục của não trái.
Khi chúng ta thực hiện những cách thức như cố gắng ghi nhớ hay cố gắng lý giải, lúc đó não trái sẽ hoạt động và não phải sẽ không thể thực hiện chức năng hoạt động của mình nữa.
Giáo viên ở các trường học chú trọng giáo dục não trái cho rằng dạy cho trẻ ba tuổi các phép nhân đến chín là vô nghĩa vì trẻ không hiểu ý nghĩa về điều mình được học, dạy Luận ngữ cũng không có lợi ích gì, và học các tác phẩm thi ca kinh điển bằng tiếng Nhật cũng là vô ích. Những suy nghĩ này thể hiện rằng họ chưa hề biết đến giáo dục não phải.
Giáo dục não phải là phương thức tiếp nhận một lượng lớn thông tin vào não bộ một cách vô thức mà không yêu cầu phải ghi nhớ. Sự đơn thuần lặp đi lặp lại theo trình tự không cần lý giải sẽ làm khai mở các mạch trong não phải. Khi các mạch liên kết được hình thành, việc xử lý và hiểu thông tin sẽ tự nhiên được tiến hành, từ đó, việc ghi nhớ dần được thiết lập.
Mặc dù trẻ không cần ghi nhớ bằng ý thức, tiềm thức của trẻ vẫn đang hoạt động để thu nhận. Đây chính là phương pháp giáo dục não phải. Hơn nữa, những điều được đưa vào não phải trong vô thức sẽ trở thành tính nhạy cảm, trở thành một cảm giác đặc biệt. Những trẻ ba, bốn tuổi khi được nghe thường xuyên các tác phẩm thi ca kinh điển của Nhật Bản, trái tim thấu hiểu hay sự nhạy cảm về thi ca của các em cũng sẽ được nuôi dưỡng. Với những học sinh mười lăm, mười sáu tuổi lần đầu tiên đọc các tác phẩm đó, các em chỉ có thể hiểu được chúng một cách khô khan, buồn tẻ. Do đó, các em sẽ khó có thể trải nghiệm được cảm giác xúc động trào dâng của trái tim từ trong tiềm thức.
Vì não phải có chức năng xử lý song song tốc độ cao nên những hoạt động chức năng sau đó sẽ tự động được hoàn thành. Hãy tráo cho trẻ xem mười tấm thẻ Dot và một trăm tấm thẻ hình mỗi ngày và đừng giải thích ý nghĩa của chúng.
3.Mỗi ngày nên đọc từ 10 đến 20 quyển sách cho trẻ
Lối suy nghĩ cho rằng chỉ nên nói chuyện hay đọc truyện cho trẻ nghe khi trẻ bắt đầu có khả năng hiểu là cách phương pháp giáo dục bằng não trái. Còn cách thức giáo dục não phải hiệu quả là cha mẹ nói chuyện nhiều với trẻ ngay từ khi trẻ mới chào đời, mỗi ngày đều đọc nhiều loại sách tranh cho trẻ nghe.
Từ khi còn là trẻ sơ sinh, hãy đọc cho trẻ nghe từ mười đến hai mươi quyển sách tranh một ngày. Cha mẹ hãy để trẻ học các bài thơ cũng như thơ Haiku (thể thơ truyền thống Nhật Bản) gồm mười bảy âm tiết, và bật cho trẻ nghe các băng đĩa tiếng Anh khoảng ba mươi phút mỗi ngày.
Trẻ sơ sinh chưa thể giải thích được ý nghĩa từ vựng và khả năng ghi nhớ cũng chưa hoạt động thật tốt, do đó não phải luôn hoạt động bằng tất cả “công suất” của nó. Và khi các hoạt động giáo dục não phải kích hoạt tốt bán cầu não phải sẽ mang đến những thành quả tuyệt vời.
Các bà mẹ thông thường hay nói chuyện với con mà không có ý thức dạy cho con từ vựng ngay từ khi con vừa chào đời. Nếu người mẹ nghĩ rằng chỉ khi trẻ được sáu tháng, trẻ mới bắt đầu hiểu được nội dung mà mẹ nói, điều này đồng nghĩa với việc thời kì quan trọng của phát triển não phải đã bị trôi qua lãng phí.
Trích sách “Trẻ em là thiên tài”
Sách do First News thực hiện