"Muôn kiếp nhân sinh" 2: Hành trình tiền kiếp và bài học nhân quả

Tú Oanh

(Dân trí) - Cuốn sách dày gần 600 trang, với câu chuyện vừa mang màu sắc tiểu thuyết, vừa như các cuốn sử ký, cuốn hút người đọc từ đầu cho tới cuối.

Trước khi đến với "Muôn kiếp nhân sinh", là người Việt Nam, được tiếp xúc với Phật giáo từ bé, tôi luôn tin có luật nhân quả, rằng "gieo nhân gì gặp quả ấy". Trong thực tế, mỗi chúng ta từ bé dù vô tình hay cố ý, các bậc phụ huynh vẫn dùng khái niệm "nhân quả" để răn dạy con cháu sống có trách nhiệm với hành động của mình.

Trong "Muôn kiếp nhân sinh" tập 2, một lần nữa khái niệm "nhân quả" được nhắc lại nhưng ở góc độ khác biệt. Không mang màu sắc huyền bí, những khái niệm tâm linh như linh hồn, địa ngục, thế giới sau khi chết… đã được tác giả giải thích dưới cái nhìn khoa học, dễ hiểu. Nhưng điểm hấp dẫn nhất của "Muôn kiếp nhân sinh" tập 2 dày gần 600 trang lại nằm ở câu chuyện vừa mang màu sắc tiểu thuyết, vừa như các cuốn sử ký, cuốn hút người đọc từ đầu tới cuối.

Muôn kiếp nhân sinh 2: Hành trình tiền kiếp và bài học nhân quả - 1

Hành trình giàu cảm xúc qua các nền văn minh

Trong ba kiếp sống trước của Thomas, từ nước Mỹ hiện đại đến nền văn minh Assyria và Hy Lạp, những người Thomas gặp và cả bản thân ông đã chịu "quả" của những hành động, cách sống - từ những "nhân" đã gieo trong các kiếp trước.

Trong nền văn minh Assyria, Thomas dưới hiện thân là một cô gái thông minh trong gia đình có ba anh chị em. Dù thông minh và biết tính toán, vun vén cho gia đình nhưng vì tính tình ngang bướng, không xem ai ra gì cuối cùng "ông" đã bị gả cho một người chồng vũ phu chỉ vì món hồi môn quý giá. Trải bao đau thương trong gia đình nhà chồng, cuối cùng cô gái chọn cuộc sống tự do, cô độc vì quá e ngại hôn nhân. Những đau khổ mà cô phải chịu đó chính là nhân quả của việc sống không quan tâm đến gia đình, luôn tự cao tự đại, ganh ghét, tị hiềm những người thân.

Trong nền văn minh Hy Lạp, Thomas lại sống kiếp của một nô lệ, yêu đơn phương người con gái của chủ nhân. Tình cảm của ông đã bị chà đạp, khinh bỉ và cuối cùng ông bị chính người mình yêu đẩy vào ngục tù. Vì những tội lỗi với một người con gái ở kiếp sống Alantis trước đó mà chính kiếp này ông đã phải chịu đựng nỗi đau khổ của tình yêu đơn phương, bị hắt hủi, khinh miệt.

Một phần giàu cảm xúc nhất của "Muôn kiếp nhân sinh" tập 2 là hành trình chinh phạt của Alexander đại đế. Dưới ngòi bút của Nguyên Phong, Alexander hiện lên với đầy đủ các ưu điểm, khuyết điểm. Là hoàng đế "bách chiến bách thắng" nhưng ông cũng là một người bình thường. Ông cũng từng kiêu ngạo khi cho rằng nền văn minh Hy Lạp là tiến bộ hơn hẳn Ba Tư. Ông cũng có lúc uống say và đưa ra những quyết định vội vã, sai lầm.

Nhưng ông cũng là một vị hoàng đế vĩ đại, mơ ước về một thế giới nơi mọi dân tộc có thể chung sống hòa bình không có ranh giới về tôn giáo, sắc tộc, chính trị, người sẵn lòng từ bỏ những thành kiến hẹp hòi, mở rộng tầm nhìn để lĩnh hội kiến thức nhân loại từ các nhà hiền triết, các học giả để thu phục "nhân tâm" của người dân ở các vùng đất ông chinh phạt.

Nhân quả không tránh khỏi và cách để thay đổi nghiệp báo

Những câu chuyện hấp dẫn tiếp diễn qua nhiều thời đại với nhiều đế quốc khác nhau nhưng tựu trung lại là dù cá nhân hay quốc gia, tất cả đều không tránh khỏi luật nhân quả.

Muôn kiếp nhân sinh 2: Hành trình tiền kiếp và bài học nhân quả - 2

Alexander đại đế đã bị đầu độc và vợ con của ông bị giết chết vì những nghiệp báo mà ông đã gây ra trong cuộc chinh phạt của mình. Hy Lạp chìm trong nội chiến hàng năm trời sau những gì họ đã gây ra với các nước chư hầu. Alexander ra đi khi giấc mơ còn dang dở, như một lời giải cho vòng xoáy bất tận của vô lượng kiếp, của chu kỳ Thành - Trụ - Hoại - Diệt.

Rộng hơn cả, là thế giới hiện nay đang chịu cảnh thiên tai, dịch bệnh bùng phát do những hành động của con người gây nên. Liệu chúng ta có thể làm gì để chuyển hóa nghiệp quả trong chính thời nay?

Trong "Muôn kiếp nhân sinh" tập 2, có câu chuyện về một vị vua Ấn Độ bị mắc bệnh hiểm nghèo. Ông vua ấy từ khi lên ngôi đã cho xây lại đền đài, cung điện nguy nga mặc cho dân chúng lầm than, đói khổ. Khi vua mắc bệnh, các nhà chiêm tinh trong nước cũng được vời đến để đoán vận mệnh cho nhà vua và họ đều kết luận là nhà vua chỉ sống được cùng lắm là 1 tháng nữa. Trước khi ra về, nhà chiêm tinh cuối cùng đã ghé tai nói với nhà vua một lời cuối. Nhà vua bỗng biến sắc, lặng người suy nghĩ.

Sau đó, vua cho hủy bỏ việc xây cung điện, mang của cải ra bố thí cho dân nghèo trong cả vương quốc. Kỳ lạ là, sau khi nhà vua từ bỏ việc xây cung điện và chấp nhận số phận thì sức khỏe ông lại khá hơn từng ngày. Nhà vua cho gọi vị quan chiêm tinh đến hỏi chuyện thì ông trả lời rằng: "Đáng lẽ vua sẽ phải chết, song hành động bố thí đã chiêu cảm được những điều tốt lành và may mắn, chuyển hóa được nghiệp báo nên nhà vua không phải chết nữa".

Số phận con người có thể thay đổi tùy theo tâm thức và sự thức tỉnh của người đó. Đó cũng chính là nguyên lý "đức năng thắng số" mà Phật giáo thường giảng giải.

Không bao giờ là quá muộn để thay đổi. Nếu chúng ta có thể cùng nhau chuyển hóa những tư tưởng thù hận, tham lam, ích kỷ bằng những tư tưởng cao thượng, tốt lành, chuyển hóa các hành động độc ác, giết chóc bằng tình yêu thương rộng lớn thì mọi việc đều có thể thay đổi. Một khi mỗi cá nhân có thể sửa đổi nghiệp quả của mình bằng cách làm việc thiện lành thì một tổ chức hay một quốc gia cũng có thể làm như vậy để chuyển nghiệp và có sự thay đổi tốt đẹp hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm