1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Trịnh Công Sơn nói về người bạn tri kỷ Khánh Ly:

Mối tình có một không hai trong nghệ thuật

Chắc không ai phủ nhận rằng trong suốt chặng đường dài của nền tân nhạc Việt Nam, không có mối tình trong âm nhạc nào có sức ám ảnh, lan tỏa và nhiều giai thoại như mối tình Trịnh Công Sơn - Khánh Ly.

Một người đã từ bỏ kiếp trọ trần gian để trở về với cát bụi và làm kẻ du ca muôn đời cùng Nhật Nguyệt. Một người bước sang nửa bên kia của "một cõi đi về". Nhưng "Dấu chân địa đàng" của họ vẫn đang dạo bước đâu đây, giữa những yêu thương tuyệt cùng như thuở ban đầu của công chúng yêu nhạc.

Hãy nghe lại những lời họ nói về nhau trên báo chí, để hiểu thêm một phần những bí ẩn của "mối tình âm nhạc" tuyệt vời này.

Trịnh Công Sơn - Một thứ tình yêu không giống những tình yêu khác

Trong nước, chưa có ca sĩ hát hay nhất nhạc của tôi

Theo nhạc sĩ, ca sĩ nào thể hiện thành công nhất tác phẩm của mình? Nhạc sĩ có thể cho một nhận định công bằng giữa Khánh Ly và cô Bống trong mối quan hệ với nhạc sĩ về nghệ thuật không?

Cách diễn đạt của Hồng Nhung và Khánh Ly hoàn toàn khác nhau. Mỗi người đều có thính giả riêng của mình. Tuy nhiên, cái giới nghe và thích Khánh Ly vẫn đông đảo hơn nhiều. Trong nghệ thuật, Khánh Ly là một người làm việc rất nghiêm túc và luôn giữ mối quan hệ mật thiết với tác giả để tìm hiểu cặn kẽ những điều tác giả muốn nói trong tác phẩm.

Khi nhắc đến nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, người ta đều nghĩ đến Khánh Ly và ngược lại. Theo nhạc sĩ, hiện nay ca sĩ nào trong nước có thể diễn đạt hay nhất những ca khúc của nhạc sĩ?

Có một thời, Khánh Ly cùng tôi đi hát với nhau ở các trường đại học thuộc các đô thị miền Nam. Ngoài ra, còn hát ở sân khấu trình diễn và phòng trà. Có thể nói dạo ấy, tôi chỉ viết cho Khánh Ly hát. Có một vài ca sĩ hát ca khúc của tôi hiện nay nhưng hay nhất thì chưa có.

Gặp Khánh Ly là một may mắn tình cờ

Âm nhạc của anh, nếu tách từng trường đoạn thì rất giản dị giống với những khúc dân ca nhưng nếu xâu chuỗi lại thì nó mang âm hưởng của những bản Thiền ca. Để có không khí thiền ca đó phải chăng là do Huế và Khánh Ly làm nên?

Có thể là đúng là do chỗ địa lý theo tôi rất quan trọng. Tâm hồn mình ít nhiều nhờ một vùng đất đặc biệt nào đó nuôi dưỡng, nó phả vào tâm hồn một điều kỳ lạ và độc đáo. Ấy nên có những giọng nói khác nhau ở mỗi vùng, thực sự trong âm nhạc và nghệ thuật cũng vậy. Có nhiều người than phiền và trách tôi là tại sao tôi ở Huế mà không viết gì về Huế cả.

Tôi nói tất cả những bài hát của tôi đều viết về Huế. Thường như bài hát Nhớ mùa thu Hà Nội, mình không phải là người Hà Nội nên phải dùng từ "Hà Nội" để người ta biết mình viết về vùng đất đó. Như những người không phải là đứa con của Huế thì hay dùng từ "Huế" rất nhiều trong ca khúc của họ. Tôi không nói "Huế" nhưng tất cả các bài hát của mình đều "Huế" cả...

Còn gặp Khánh Ly là một may mắn tình cờ, không phải riêng cho tôi mà còn cho cả Khánh Ly. Lúc gặp Khánh Ly đang hát ở Đà Lạt, lúc đó Khánh Ly chưa nổi tiếng nhưng tôi nghe qua giọng hát thấy phù hợp với những bài mình đang viết và lúc đó tôi chưa tìm ra ca sĩ nào ngoài Khánh Ly.

Tôi đã mời Khánh Ly và rõ ràng giọng hát của Khánh Ly rất hợp với những bài hát của mình. Từ lúc đó, Khánh Ly chỉ hát nhạc của tôi mà không hát nhạc người khác nữa. Đó cũng là lý do cho phép mình tập trung viết cho giọng hát đó và từ đó Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly.

Đó là một thứ tình bạn đặc biệt...

Đến nay, có lẽ chưa có ca sĩ nào hát nhạc Trịnh Công Sơn giàu sức truyền cảm như Khánh Ly. Có phải đó là tình yêu?

Không hề có chuyện tình yêu ở đây. Đó là một thứ tình bạn đặc biệt kết tụ lại những đam mê chung về cuộc sống, tính lãng mạn, sự hồn nhiên. Trong cuộc hạnh ngộ này, người sáng tác và người hát làm thành một thể thống nhất bất khả phân ly. Từ đó, sự hát và ký hiệu trên trang giấy mất đi, nhường chỗ cho một lời tâm sự về đời, về người tưởng như của hai người nhưng thật ra chỉ là một mà thôi.

Cho dù sau này nhiều ca sĩ đã cố gắng thể hiện khá tốt những phong cách khác nhau về các nhạc phẩm của anh nhưng người nghe đều có chung một nhận xét, Khánh Ly mới đúng là một cặp "đối ngẫu" lý tưởng với âm điệu của anh. Là tác giả, anh nghĩ sao?

Đúng là chỉ có Khánh Ly mới thể hiện đúng tâm trạng của tôi nhất, nhưng không phải tất cả các bài nào của tôi Khánh Ly cũng đều hát hay nhất. Tôi muốn nhắc đến Lệ Thu, người hát hay nhất Hạ trắng Xin mặt trời ngủ yên. Bạch Yến thì hát hay hơn hẳn Khánh Ly bài Lời buồn Thánh.

Có một nghịch lý tôi muốn đưa ra đây để thấy sự cảm nhận rất vô chừng ở mỗi người. Chẳng hạn, có một cô sinh viên Hà Nội cho biết cô chỉ thích nghe nhạc tôi do Khánh Ly hát nhưng cũng có một phụ nữ lớn tuổi, hiện sống ở nước ngoài, từng mê Khánh Ly hát nhạc tôi, khi có dịp về nước và nghe các ca sĩ sau này hát nhạc tôi thì tỏ ra rất thích thú và cho rằng họ có một cách hát nhạc Trịnh Công Sơn mới, hiện đại và rất hay.

Khánh Ly đã thức trọn đêm, vật lộn với "Một cõi đi về"

Hiện tại, ông nghĩ gì trước hiện tượng có khá nhiều ca sĩ đến tập bài mới ngay tại phòng thu rồi một, hai tiếng sau... ghi âm luôn mà không quan tâm tới việc "nhập" và hiểu tình cảm, nội dung của bài hát?

Tôi đưa ra đây một tấm gương lao động nghệ thuật của Khánh Ly để thấy rằng trước khi muốn hát một bài thành công thì người ca sĩ phải trải qua một quá trình hóa thân vào tác phẩm đó như thế nào. Nhớ dạo tôi mới viết bài Một cõi đi về mấy tháng trước khi Giải phóng miền Nam (30/4/1975). Sau này, có dịp đi Mỹ, tôi gặp Khánh Ly và đưa cho cô bài hát này.

Tôi nhớ Khánh Ly cầm và lẩm nhẩm bài hát này từ 7 giờ tới... 7 giờ sáng hôm sau. Cô đã thức trọn đêm, "vật lộn" với bài hát nhờ sự giúp đỡ của thuốc lá, cà phê đen. Vậy mà cô cho rằng vẫn chưa "thấm" bài mấy. Người ca sĩ phải làm việc nghiêm túc và có trách nhiệm như vậy mới tạo ra những nét sáng tạo riêng trong từng bài hát đồng thời thể hiện chính xác những tâm trạng bài hát của nhạc sĩ.

Trong lòng Khánh Ly ngày trước có nhiều điều chưa nói được

"Sống ở đời, lúc nào cũng cần có một tấm lòng". Bài viết của Khánh Ly trong Tuần tin Thanh niên và được báo Tiền Phong in lại vào số Tết năm 1989 đã gây ngạc nhiên và xúc động nhiều đối với bạn đọc. Riêng anh, đối tượng mà Khánh Ly nhắc đến trong bài viết, anh nghĩ như thế nào khi đọc bài đó?

Trước tiên, đó là một bài viết hay, những câu nói âu yếm trong bài là dành cho một người khác đã chết rồi. Tôi và Khánh Ly chỉ là hai người bạn. Thương nhau vô cùng, trên tình bạn. Những gì tôi đã làm được cho Khánh Ly thì cũng là phù phiếm thôi. Trong lòng Khánh Ly ngày trước có nhiều điều chưa nói được. Không nói được thì đành thôi vậy. Đời sống không đơn giản. Nếu cần một phút nói rất thật thì tôi nói rằng: "Khánh Ly và tôi là hai người bạn lãng đãng trong cuộc đời mà rất yêu thương nhau".

Tôi có những người em gái cũng vậy. Yêu thương tôi hơn yêu chồng. Bởi lẽ tôi đã cố gắng mang đến trong cuộc sống ngắn ngủi của mình một tình cảm chân thật và nhân hậu. Mỗi người có đời sống riêng. Khánh Ly cũng vậy. Nhưng nhớ thương nhau vì sự đùm bọc lẫn nhau nâng nhau lên với một tình cảm phúc hậu mà không mưu toan thì hiếm.

Chúng tôi đã có một thời chia sẻ cho nhau từng miếng ăn, thức uống. Từ đó, này sinh ra một thứ tình yêu không giống những tình yêu khác. Chúng tôi như hai đứa bạn trai. Nếu có điều gì chưa nói hết thì điều đó thuộc đời riêng của Khánh Ly. Có ai đủ can đảm phủ nhận một thời hạnh phúc mà trong đó Khánh Ly và tôi đã tận hưởng từ những tình cảm nhân loại nhất của mọi người.

Với người yêu nhạc Trịnh, Khánh Ly là giọng ca khó thay thế. 20 năm qua, có lúc nào anh đi tìm người thay thế Khánh Ly?

Ai cũng thừa nhận Khánh Ly là giọng ca khó lặp lại trong đời. Mình biết khó có thể tìm được một giọng ca khác như cô. Mình cũng cố đi tìm một người hát nhạc mình hay như Lan Ngọc, Cẩm Vân, Hồng Hạnh, Thu Hà. Trong số đó, mình tìm ra Hồng Nhung. Với tác phẩm của mình, Hồng Nhung có sự đồng cảm.

 Theo Đàn Ông