Mệt mỏi khi xem "39° yêu"

Trái hẳn với tâm trạng háo hức lẫn tò mò trước khi bước chân vào rạp, khán giả đến xem bộ phim 39° yêu không khỏi bực mình sau khi đi ra. Thậm chí có những người không đủ kiên nhẫn và phép lịch sự để xem hết phim.

Nỗi bực tức không phải không duyên cớ. Những tấm apphich, panô giăng khắp đường phố lẫn chiến dịch quảng cáo rầm rộ suốt một tháng qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, không đủ che lấp những hạt sạn to đùng của bộ phim.

 

Mở đầu phim là những khuôn hình lỡ cỡ, hình ảnh nhòe nhoẹt, thường xuyên bị out nét do việc chuyển từ băng Betacam sang phim nhựa không đạt chất lượng, hành hạ khán giả suốt từ đầu tới cuối phim.

 

Câu chuyện tình yêu được ca ngợi là vượt qua cả không gian và thời gian đang quảng cáo ra rả trên truyền hình thực chất lại được thể hiện rất lộn xộn, không theo một đường dây rõ nét và thậm chí vô lý. Khán giả khá mệt mỏi khi phải cố gắng chạy đua cùng các nhà biên kịch để cố hiểu được cốt chuyện và quan hệ giữa các nhân vật.

 

Các mẫu nhân vật và nội dung bộ phim, hỡi ôi, xưa như trái đất. Một chàng trai gác nỗi đau quá khứ, cố gắng tìm kiếm tương lai bằng tình yêu, nhưng không may bị nhiều vật cản: bị cô gái khác ghen tuông, bị kẻ xấu rủ rê, hãm hại. Kết phim có hậu, anh vẫn vượt qua được mọi cám dỗ, trở thành “anh hùng cứu mỹ nhân”. Thế nhưng nó được gắn kết vào nhau một cách rất chật vật bởi những nút lạt buộc mỏng mảnh và hờ hững, không tuân thủ đúng trình tự và qui luật phát triển của một kịch bản điện ảnh. Các nhân vật đều rất mờ nhạt, không có chiều sâu, không phân định rõ chính - phụ, không xác định được từng bước phát triển tâm lý hoặc chuyển đổi tâm lý từ thấp lên cao.

 

Quá khứ, hiện tại, tương lai, tâm tư tình cảm của nhân vật và quan hệ giữa các nhân vật đều được đơn giản hóa tới mức không thể giản lược hơn, đặc biệt đều được “diễn bằng thoại”. Tất nhiên lỗi phần lớn là do kịch bản quá yếu. Điều này cũng rất dễ hiểu bởi bộ phim này vốn là một đứa con rơi, ra đời ngoài ý muốn của các nhà làm phim.

 

Sau 16 tập phim truyền hình (50 phút/tập), những người dư sức sáng tạo này đột nhiên nảy ra ý tưởng mới, áp dụng chính sách tiết kiệm, tận dụng những thước phim truyền hình, cắt tỉa lại tạo nên một bộ phim truyện và chuyển sang phim nhựa để công chiếu trên các rạp. Sẽ chẳng có gì đáng phàn nàn nếu đó chỉ là một thử nghiệm cho riêng mình theo một hướng sản xuất mới, kết hợp cả phim truyện lẫn phim truyền hình. Tuy nhiên nó nên được thưởng thức ở nhà, cho cá nhân hơn là ở ngoài rạp.

 

 

Theo Nguyễn Ngọc Bi

Tuổi Trẻ