MC Mỹ Linh: “Tôi phải biết lựa cơm để gắp mắm”

(Dân trí) - Từ Pháp trở về, Mỹ Linh nhận làm “bà đỡ” cho chương trình Văn hoá - sự kiện và nhân vật. Với cách trò chuyện đầy bản lĩnh, cách đưa nhân vật vào không gian của chính họ, MC Mỹ Linh đang trở thành nhân vật có “thương hiệu” của nhà Đài.

Có nhiều ý kiến cho rằng, nhà Đài lâu nay hay “vẽ” ra nhiều chương trình cho đủ… “quân số”. Nhưng, nhiều chương trình tuy khác nhau về hình thức, kịch bản, tên gọi nhưng nội dung phản ánh lại giống nhau. Ví dụ như "Tôi và chúng ta" (của Văn nghệ chủ nhật), "Dành cho người hâm mộ" và "Văn hoá - nhân vật và sự kiện" của chị chẳng hạn. Chị nghĩ sao về điều này?

 

Trước hết, tôi muốn nói đến chuyên mục Tôi và chúng ta của Văn nghệ chủ nhật là chương trình ra đời sau Văn hoá sự kiện và nhân vật (VHSK&NV), nên tôi không chịu trách nhiệm về sự giống nhau này. Tôi cũng không xem nhiều Tôi và chúng ta nên thật khó để nói một điều gì.

 

Riêng với Dành cho người hâm mộ, nếu xem kỹ thì sẽ thấy đó là một cách phản ánh khác. Với cùng một nhân vật, chương trình này có thể nghiêng về những góc dành cho gia đình, những bữa cơm tối, những buổi chiều đón con của nhân vật, VHSK&NV không làm như thế, nhân vật của chúng tôi thường gắn liền với một sự kiện nào đó, và nghiêng về góc độ nghề nghiệp nhiều hơn, cách quan niệm về công việc cũng như những cố gắng trong công việc của nhân vật.

 

Cái cách di chuyển và biến hoá sân khấu của VHSK&NV, khi thì chị trò chuyện với nhạc sỹ Dương Thụ ở một salon bar, khi chị ngồi hàn huyên với nghệ sỹ Chí Trung ở một quán cà phê nhỏ, khi lại thấy chị ngồi lắng nghe Lê Hùng trên một sân khấu đang dàn dựng dở dang… Đó có phải là những gì chị học được từ nước Pháp?

 

Thật ra cái này cũng không cần học ở Pháp đâu, chỉ cần xem nhiều và chịu khó suy nghĩ một tí thôi mà. Tôi thích đưa nhân vật vào không gian của họ, đến những nơi khác chứ không nhất thiết lúc nào cũng ở trong trường quay. Tôi nghĩ trong không gian đó nhân vật của tôi sẽ thấy thoái mái hơn, dễ nói đúng những điều họ nghĩ. Nhưng để làm được điều này không phải dễ, chúng tôi phải huy động nhiều nhân lực, vật lực tốn kém và nhiều yếu tố khó khăn nữa.

 

Những gì tôi học được từ nước Pháp thì nhiều, nhưng không phải cái gì cũng có thể áp dụng được trong thực tiễn làm việc ở Việt Nam. Thứ nhất, là nhân lực chúng tôi rất thiếu. Và yếu tố thứ hai quan trọng hơn, đó là, điều kiện kỹ thuật ở truyền hình của ta còn thiếu và còn yếu. Nói chung, trong công việc tôi phải biết cách “lựa cơm để gắp mắm”.

 

MC Mỹ Linh:  “Tôi phải biết lựa cơm để gắp mắm”  - 1

 

Nhiều ý kiến khán giả cho rằng, chị lên hình là để bày tỏ quan điểm cá nhân mình và tranh cãi với các nhân vật về một đề tài nào đó, với một thái độ rất…nghênh nghênh!, là cách để chị thể hiện mình. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

 

(Cười) Cái nghênh nghênh đấy là do… trời! Tôi không sao sửa được. Việc trò chuyện với nhân vật của mình thì tôi có ý kiến khác. Thứ nhất, tôi trò chuyện với các nhân vật vừa với vai trò của một nhà báo, vừa có vai trò của một khán giả. Tất nhiên nhà báo thì phải có quan điểm của mình rồi , nhưng tôi cũng luôn tìm hiểu và lắng nghe dư luận xã hội để xem mọi người nghĩ gì quan tâm đến điều gì và từ đó chọn lựa cách để phỏng vấn.

 

Tôi nghĩ, cách phỏng vấn của tôi đáp ứng được mối quan tâm của một bộ phận khán giả thực sự quan tâm đến Văn hóa, và bỏ sót một bộ phận khán giả thích những câu hỏi “tròn trịa”. Nhưng tôi thấy sự chọn lựa của mình là đúng. Còn để thể hiện mình thì (cười)… Tôi là của quí của bố mẹ, thần tượng của con, vợ lý tưởng của chồng (cho đến thời điểm này)… Còn tham vọng gì nữa?

 

“Giờ vàng” (quãng thời gian mà khán giả tập trung xem truyền hình nhiều nhất) của nhà Đài luôn được phủ kín bởi các showgame, chị có thấy buồn không khi VHSK&NV của chị không được phát sóng vào quỹ giờ vàng?

 

Làm sao được khi mỗi chương trình trò chơi đem về hàng tỉ đồng cho ngân quỹ? Còn văn hóa thì là cái ngấm sâu nhưng lại lâu và chỉ đem lại giá trị tinh thần. Xu thế thương mại hoá trên các kênh truyền hình hiện nay là xu thế chung của cả thế giới. Tất cả các chương trình showgame, giải trí luôn được chọn phát sóng vào khung giờ vàng, ở Pháp cũng như nhiều nước công nghệ truyền hình phát triển đều như thế.  

 

Tuy nhiên, họ có thuận lợi hơn là có rất nhiều kênh, nhiều sóng, nên họ có thể cân bằng được thông tin có tính giải trí đơn thuần và những thông tin giá trị (tạm gọi như vậy). Ví dụ, họ có kênh dành riêng cho phim, cho ca nhạc, nhưng cũng có kênh ưu tiên nhiều cho phim tài liệu và những tác phẩm có tính thử nghiệm… Chúng ta chưa có được điều đó. Nhưng, theo tôi, cũng đã đến lúc nên có sự cân bằng trong việc chuyển tải thông tin.

 

MC Mỹ Linh:  “Tôi phải biết lựa cơm để gắp mắm”  - 2

 

Vẫn có “định kiến” rằng, phụ nữ làm báo thì vất vả, khó khăn chuyện gia đình. Hình như, với chị, “định kiến” đó hoàn toàn ngược lại?

 

Cũng có thể. Bởi chồng tôi là người đàn ông được lớn lên, được nuôi dạy ở một đất nước mà đàn ông phải tôn trọng phụ nữ! (Chồng Mỹ Linh là người Pháp). Chồng có công việc, có niềm đam mê, có sự bận rộn thì vợ cũng vậy.

 

Thời gian dành cho công việc ở Đài của tôi cũng khá kín, nhưng tôi luôn nhận được sự sẻ chia từ phía gia đình. Các con tôi được học tính độc lập từ nhỏ. Chỉ có điều, con trai tôi, luôn tâm sự rằng, không thích nhìn thấy mẹ trên tivi (cười).

 

Cảm ơn chị và chúc chị luôn thành công!

 

Bài: Hiền Hương

Ảnh: Phương Hoa