Mặt trời đỏ: “Lấy ngắn nuôi dài để thoả mãn đam mê”

(Dân trí) - “Tiền cátxê từ các show diễn không thể đủ để trang trải chi phí và nuôi được nghệ sĩ đâu! Nhưng chỉ vì quá yêu nghề nên Mặt trời đỏ phải “liệu cơm gắp mắm” mà tự co kéo”, các cô gái của nhóm Mặt trời đỏ, một nhóm nhạc dân tộc đang gây nhiều chú ý, tâm sự.

Là nhóm nhạc dân tộc nhưng Mặt trời đỏ nhanh chóng khẳng định được vị trí trên thị trường. Tại sao các bạn làm được như vậy?

 

Việc Mặt trời đỏ nhanh chóng khẳng định được mình trên thị trường ca nhạc là vì nhóm đang đưa một hơi thở mới, một mặt mới vào âm nhạc dân tộc. Chúng tôi đưa vào trong các làn điệu dân ca lối phối khí hiện đại với hòa âm và tiết tấu hiện đại.

 

Và đặc biệt, phong cách biểu diễn trẻ trung, sôi động cùng với những bộ trang phục rất quyến rũ (áo dài cách tân, váy ngắn, đầm dạ hội…) đã tạo cho khán giả một cái nhìn hoàn toàn mới đối với nhạc dân tộc bây giờ.

 

Một số thành viên trong nhóm cũng Nam tiến để lập nghiệp, phải chăng Mặt trời đỏ cũng muốn tìm đến với mảnh đất ca nhạc màu mỡ như TPHCM?

 

Việc hội ngộ của 5 thành viên quả là “hữu duyên năng tương ngộ”. 5 cô gái đất Hà thành được học tập bên nhau từ lúc còn nhỏ tại trường Nghệ thuật HN, Nhạc viện HN… Khi trưởng thành, mỗi người một công việc riêng nên phải tạm xa nhau. Không lâu sau, người thì theo gia đình vào Nam công tác, người lấy chồng và theo chồng vào Sài Gòn nên chúng tôi lại không hẹn mà gặp nhau tại đây - TPHCM.

 

Các cô gái chơi nhạc cụ dân tộc trên nền tiết tấu hiện đại, trẻ trung, nhưng  nhiều người vẫn cho đó là sự làm mới không thích hợp đối với âm nhạc truyền thống. Các bạn nghĩ sao?

 

Làm nghệ sỹ cũng như “làm dâu trăm họ”. Đúng là có suy nghĩ cho rằng, việc Mặt trời đỏ làm mới âm nhạc nghĩa là phá vỡ nhạc truyền thống nhưng chúng tôi cho rằng, nghệ thuật luôn là sự sáng tạo và phát triển. Vốn cổ của ông bà ta để lại phải được bảo tồn và lưu giữ, song, cũng phải phát triển nó để phù hợp với hơi thở của thời đại, bắt nhịp cùng tiếng nói chung của thế giới.

 

Các chị từng nói, rất khó sống bằng những đồng cát-sê ít ỏi từ các show diễn, vậy làm thế nào những cô gái liễu yếu đào tơ duy trì nhóm nhạc?

 

Mỗi thành viên của Mặt trời đỏ đều có những công việc riêng! Thu Thủy hiện là nhà quản lý chi nhánh Thái Lan tại Việt Nam. Hồ Nga và Minh Loan là giáo viên dạy nhạc cụ dân tộc, Minh Hà làm cho hãng đàn Piano của Nhật, Hoài Phương - cô em gái út của nhóm là ca sĩ của Nhà hát Ca múa Nhạc Bông Sen.

 

Mỗi lần Mặt trời đỏ ra tiết mục mới, từ việc trả tiền tác phẩm, phối khí, cho đến tiền trả cho biên đạo, tiền trang phục và nhạc cụ, nhóm đều phải tự lo hết. Quả là rất mệt, nhưng cuối cùng, tất cả đều êm xuôi.

 

Sự liên kết giữa các cô gái rất mong manh, vì thường “có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”, Mặt trời đỏ có sợ mình đi theo lối mòn ấy?

 

Bất kỳ cá nhân hay nhóm nhạc nào cũng đều sợ hai từ “chia tay”!Mặt trời đỏ cũng vậy. Thế nên cả nhóm luôn cố gắng làm tốt mọi việc ngay khi còn đang sát cánh bên nhau, cố gắng thông cảm cho nhau và tự nhủ chỉ có đoàn kết mới có thể tồn tại lâu dài.

 

Khi các cô gái chơi nhạc cụ dân tộc, liệu cách yêu của họ có theo hơi hướng cổ điển?

 

Người ta nói rằng tình yêu thì không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hèn, nên dù có chơi nhạc dân tộc hay không thì chữ yêu cũng giống nhau thôi. Mặt trời đỏ đầy nhiệt huyết như vậy nên chắc chắn cách yêu của chúng tôi cũng rất mãnh liệt! Phải nói rằng các cô gái Mặt trời đỏ rất chung thủy và đảm đang.

 

Dự định sắp tới của nhóm?

 

Trong năm tới Mặt trời đỏ dự định sẽ ra một album đầu tay. Hy vọng Mặt trời đỏ sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía khán giả và đặc biệt là các bạn trẻ yêu âm nhạc!

 

Cảm ơn nhóm Mặt trời đỏ!

 

Hà Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm