“Mật mã Dyatlov” - Giải mã một bí ẩn chấn động nước Nga suốt nửa thế kỷ
(Dân trí) - Năm 1959, 9 thành viên trẻ tuổi của Nga khởi hành chuyến du lịch mạo hiểm chinh phục dãy núi bắc Ural. Không có người nào trong nhóm trở về. Câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cả nhóm vẫn là sự kiện bí ẩn nhất trong hơn nửa thế kỷ.
Sau hơn 2 thập niên vắng bóng tại các rạp chiếu phim Việt, bộ phim “Mật mã Dyatlov” (The Dyatlov Pass Incident) sẽ mang điện ảnh Nga trở lại Việt Nam. Kịch bản phim được xây dựng theo sự kiện có thật về sự cố đèo Dyatlov; ranh giới giữa hư cấu và thực tế trở nên mong manh, mờ nhạt, tạo nên sự kì bí, cuốn hút người xem đến tận cùng. Điều thực sự khác biệt của phim là dựa theo tư liệu tìm thấy được nhằm kết nối câu chuyện hư cấu với các sự kiện đã xảy ra trong thế giới thực.
“Mật mã Dyatlov” sau khi ra mắt tại Nga ngày 28/2 đã đạt doanh thu gần 5 triệu USD. Sức hút của bộ phim này tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo ra “bom tấn” với việc giải mã một bí ẩn chấn động nước Nga suốt nửa thế kỷ.
Bối cảnh hùng vĩ của bộ phim.
Xuất phát điểm từ câu chuyện có thật đã xảy ra tại vùng núi Ural từ hơn nửa thế kỷ trước, vào đầu năm 1959 khi 9 thành viên trẻ tuổi của Nga, do Ygor Dyatlov làm trưởng nhóm, khởi hành chuyến du lịch mạo hiểm chinh phục dãy núi bắc Ural. Nhưng họ đã ra đi mãi mãi mà không có người nào trong nhóm trở về. Ngay sau đó, mặc dù đã có các hoạt động cứu hộ và các cuộc điều tra được tiến hành, song đến nay, câu trả lời về nguyên nhân dẫn đến cái chết của cả nhóm vẫn còn bỏ ngỏ và trở thành sự kiện bí ẩn nhất trong hơn nửa thế kỷ qua.
Bút tích cuối cùng trong nhật ký của họ cho thấy tinh thần của họ rất thoải mái, họ thậm chí còn viết 1 bài báo có tiêu đề “Buổi tối Otorten”. Ngày hôm sau, họ lên kế hoạch tiếp tục leo núi, chỉ đi khoảng 10 km về phía bắc, trước khi trở về nơi cắm trại của họ. Tuy nhiên, cả 9 người lần lượt chết một cách kỳ lạ.
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra: sự khắc nghiệt của thời tiết và thay đổi bất thường của hướng gió; sự xuất hiện của những vật thể không xác định trên bầu trời có liên quan đến người ngoài hành tinh hoặc người tuyết. Một giả thiết khác, theo quan niệm của bộ tộc người Mansi, họ tin rằng nơi xảy ra tai nạn là vùng giao thoa giữa thế giới tâm linh và cuộc sống hiện thực. Còn theo các nhà điều tra của Liên Xô, có một quyền lực xa lạ nào đó đã đưa đoàn thám hiểm ra đi trong một cơn bão tuyết.
“Mật mã Dyatlov” - Giải mã một bí ẩn chấn động nước Nga suốt nửa thế kỷ.
Kịch bản phim “Mật mã Dyatlov” được xây dựng theo sự kiện có thật về sự cố đèo Dyatlov; ranh giới giữa hư cấu và thực tế trở nên mong manh, mờ nhạt, tạo nên sự kì bí, cuốn hút người xem đến tận cùng. Điều thực sự khác biệt của phim là dựa theo tư liệu tìm thấy được nhằm kết nối câu chuyện hư cấu với các sự kiện đã xảy ra trong thế giới thực.
Phong cách về hình ảnh phim nhấn mạnh vào tính chân thực. Ở phần đầu, người ta cảm nhận bộ phim rất chuyên nghiệp và mang phong cách tài liệu thực tế. Tuy nhiên, sự hồi hộp và căng thẳng trong suốt phần hai, khiến cho phong cách làm phim, cũng như các nhân vật, bắt đầu vỡ ra. Ở phần ba, việc xử lý hành động khiến cho khán giả cảm thấy đứng tim. Cách làm này cho phép những hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất trong phim được giữ kín, với gợi ý tinh tế dẫn dụ khán giả tới sự tưởng tượng phong phú nhất - một trò ảo sẽ được khẳng định ở những khoảnh khắc cuối cùng của bộ phim.
Tất nhiên, những yếu tố nói trên góp phần tạo nên một câu chuyện mạnh mẽ và hấp dẫn cho phim. Các nhân vật đều trẻ tuổi, thích mạo hiểm và đầy tham vọng. Trong quá trình làm phim, họ phải vật lộn với những gì họ chưa từng biết đến, nhưng quan trọng nhất, là với chính họ. Bị cô lập và hoảng sợ, các mối quan hệ của họ thay đổi, nỗi ghen tuông, và một mối đe dọa thường xuyên là nhóm có thể bị tan rã trước khi các lực lượng khác có cơ hội tấn công họ. Tuy nhiên, họ buộc phải chấp nhận rằng một số sự thật vẫn bị chôn vùi sâu dưới tuyết. Nếu không chịu chấp nhận điều đó, kết cục có thể khủng khiếp vượt quá sự tưởng tượng của họ.
“Mật mã Dyatlov” khiến cho khán giả cảm thấy hồi hộp, bất ngờ như là họ đang tham gia vào hoạt động huyền bí.
The Dyatlov Pass Incident được thực hiện theo phong cách Found-Footage (tài liệu được tìm thấy), khi cả bộ phim được kể lại từ dữ liệu của chiếc máy quay mà đoàn thám hiểm người Mỹ đã sử dụng. Được khởi xướng từ Cannibal Holocaust(1981), phổ biến rộng rãi với The Blair Witch Project (1998) và quen thuộc với người yêu điện ảnh vài năm trở lại đây với những Paranormal Activity, REC(2007), Cloverfield (2008), thể loại Found-Footage được đạo diễn Renny Harlin vận dụng rất thành công. Không cần nhạc nền hay một dàn diễn viên danh tiếng, phim vẫn thu hút người xem nhờ những hình ảnh chân thực và cũng không kém phần đẹp mắt trong rặng núi Ural trắng xóa tuyết.
Một điểm hay gây khó chịu của thể loại này là máy quay thường rung, khiến người xem có cảm giác chóng mặt đã được loại trừ khi người cầm máy trong phim giữ thăng bằng cho hình ảnh rất tốt. Không những vậy, lý do đoàn sinh viên tới khu Ural để làm phim tài liệu cũng khiến việc một tiếng rưỡi phim được ghi lại trên camera cầm tay trở nên hợp lý. Sau khi vượt qua những nhược điểm của Found-Footage, Harlin khai thác điểm mạnh của nó triệt để - tính chân thực và khiến khán giả gắn bó hơn với câu chuyện bởi họ được nhìn thấy mọi việc từ góc nhìn của nhân vật.
Câu chuyện vừa bí hiểm vừa thông minh, các nhân vật rất chân thực và việc dựng phim và hình ảnh tạo cho “Mật mã Dyatlov” khiến cho khán giả cảm thấy hồi hộp, bất ngờ như là họ đang tham gia vào hoạt động huyền bí, và có những cảm nhận mạnh mẽ đến từ giác quan thứ sáu.
Anh Thế