Linh Nga - giọt nước mắt trên sàn tập

Mười năm để trở thành một nghệ sĩ múa thực thụ, một khoảng thời gian khá dài, nhưng như vậy vẫn chưa đủ với Linh Nga.

Cô còn muốn học thêm, học nhiều hơn, dù môi trường nghệ thuật múa ở Việt Nam vẫn còn thiếu vắng khán giả. Một ngày với nghệ sĩ múa chỉ có hơn 4 tiếng đồng hồ để ngủ, thời gian còn lại dành cho sàn tập và học văn hoá. Nhiều khi áp lực làm cô muốn phát điên, Linh Nga có lúc muốn bỏ nghề để làm một việc gì khác.

Nghệ sĩ Linh Nga vừa có đêm diễn thật ấn tượng với vở Vào đời do chính mình biên đạo trong chương trình 10 năm - Những ngôi sao nhỏ (ngày 1/9/2005). Linh Nga là học viên đầu tiên của lớp múa Những ngôi sao nhỏ. Thời gian này còn đi học (Linh Nga hiện là sinh viên năm thứ 2 Học viện múa Bắc Kinh) nhưng mỗi năm Linh Nga đều dành thời gian nghỉ hè về  biểu diễn để khán giả thấy một Linh Nga trưởng thành hơn.

Xa nhà từ năm lên 12 tuổi, lúc ấy còn chưa biết chọn một bộ áo quần  cho mình, vậy mà bố mẹ vẫn quyết tâm để Nga đi. Linh Nga và Thuỳ Chi cùng đến một xứ sở xa lạ, chỉ mới biết qua sách vở. Không có ai thân thiết, không biết một chữ bẻ đôi ngôn ngữ xứ người, hai đứa còn bị tách ra không cho ngồi gần khi đi học và không cho ở chung vì sợ gặp nhau sẽ nói tiếng Việt mà chẳng bao giờ giỏi được tiếng Hoa. Những ngày đầu, 2 “em bé” cứ khóc suốt, tiền điện thoại hàng tháng bố mẹ ở Việt Nam trả mấy triệu đồng vì tối về là các "em bé" lại ôm điện thoại tâm sự với mẹ. Linh Nga nhớ lại, lúc ấy muốn đi qua đường thấy xe đông quá cũng khóc, món ăn không ăn được cũng khóc, tất tần tật mọi chuyện đều giải quyết bằng… nước mắt.

 

Linh Nga - giọt nước mắt trên sàn tập  - 1
 

 

Vậy mà loáng một cái, 2 cô trở thành thiếu nữ mười chín tuổi. Thời gian tưởng chừng qua nhanh, nhưng đó thực sự là những chuỗi ngày đầy gian nan khổ luyện. 6 năm kết thúc lớp trung cấp múa, Thuỳ Chi giờ đã đi làm tại Trung tâm giải trí Thâm Quyến. Từ đôi giày cho đến bít tất, cây quạt đều có người lo tận nơi, thu nhập khá, cuộc sống thoải mái. Đó là con đường của một biên đạo múa tương lai. Còn Linh Nga chọn lớp diễn viên, cô muốn học lên cao để hoàn thiện nghệ thuật vũ đạo. Một năm vài trăm triệu đồng, số tiền không nhỏ với một gia đình nghệ sĩ, nhưng Linh Nga quyết tâm học, vì ngưng một thời gian sẽ khó học tiếp được. Bố mẹ không để Nga lo lắng tiền bạc, nhưng sau này làm diễn viên múa, biết đến lúc nào mới đủ tiền trả lại cho bố mẹ đây?

Mỗi ngày thức dậy từ 6 giờ sáng và tập đến chiều, tối lại học văn hoá, dù mưa nắng, dù mùa đông Trung Quốc lạnh âm 10 độ, cả thân hình cứng lại, đôi chân không buồn nhúc nhích, nhưng Linh Nga không bao giờ bỏ học dù một ngày. Kỷ luật ở trường múa chỉ cần vắng quá 3 buổi là bị kiểm điểm, trễ giờ là bị phạt. Có những đêm tập về đói quá, Nga nấu một gói mì ăn vội, thấy giám thị đi ngang qua phải đổ vào thùng rác. Làm diễn viên múa thì sau 20h tối không được ăn bất cứ một món gì, sợ lệch cân, quá cỡ số đo… có thể bị loại ra khỏi lớp học.

Diễn viên múa Việt Nam không khoẻ bằng người nước ngoài và cả người Trung Quốc. Mỗi ngày họ ngồi trên sàn tập từ sáng cho đến chiều mà không cần nghỉ ngơi, nhưng Linh Nga đến 12h trưa là muốn đuối sức. Hết năm này qua năm khác tập theo họ, áp lực với Linh Nga ngày càng tăng. Linh Nga có lúc muốn điên lên, muốn hét lên, tại sao mình phải khổ luyện nhiều đến thế, mà có mấy người hiểu và chia sẻ?

Đôi lúc, cô gái trẻ nản lòng, nhưng lúc này thì không có quyền nói thích hay là không thích nữa mà chỉ biết học cho thật tốt và chờ ngày về lại quê hương, hy vọng có thể làm thay đổi một chút gì đó quan niệm của người xem về nghệ thuật múa Việt Nam. Vì hoài bão ấy, Linh Nga có thêm sức mạnh, cô làm việc không biết mệt mỏi, bất chấp cả căn bệnh trật khớp. Không có chỗ nào, ngoại trừ khuôn mặt, trên cơ thể Nga mà chưa từng thương tích. Mỗi lần đến kỳ thi, những khớp tay chân sưng phù lên vì lạnh, đau buốt vì luyện quá nhiều, đầu óc muốn nổ tung mà khuôn mặt lúc nào cũng phải cười. 

Linh Nga từng có lúc quỵ ngã trên sàn rồi tự nắm chặt tay mình đứng lên. Giọt nước mắt ẩn chứa biết bao nỗi niềm, Linh Nga giấu vào lòng. Tuổi thanh xuân, sức lực, những thú vui của thiếu nữ mới lớn, những năm tháng xa mẹ, xa quê hương… Linh Nga đã hy sinh để nhận được giải thưởng ở học viện múa hàng đầu thế giới. Hơn nữa, cô chờ một ngày về lại quê hương để cống hiến cho nghệ thuật múa Việt Nam

 Theo Giaidieuxanh