1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Quy chế tổ chức thi hoa hậu:

Liệu có dẹp được “loạn”?

(Dân trí) - Trong những năm qua, nước ta đã tổ chức nhiều cuộc thi hoa hậu nhưng chất lượng rất hạn chế. Sau những vụ bê bối của một vài cuộc thi nhan sắc, khán giả lại càng nản lòng với các danh hiệu người đẹp.

Các nhà quản lý phải thừa nhận Quy chế tổ chức thi hoa hậu tồn tại quá nhiều bất cập...

 

Danh hiệu Hoa hậu bị lạm dụng

 

Theo ông Dương Xuân Nam, Tổng Biên tập báo Tiền Phong - Đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam hàng năm - tên gọi trước đây của các cuộc thi người đẹp là Hoa khôi (Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long, Hoa khôi Thể thao, Hoa khôi Du lịch...) còn bây giờ tất cả đều là... Hoa hậu. Thậm chí, một số trường đại học tổ chức thi người đẹp cũng gọi là thi hoa hậu, sinh viên đoạt giải nhất cũng được gọi là hoa hậu.

 

Chính điều này đã phần nào làm tổn hại danh hiệu hoa hậu cho dù cuộc thi người đẹp đó nghiêm túc và thành công. Việc mở rộng các đơn vị được phép tổ chức cùng sự lạm dụng tên gọi đã khiến xảy ra trên thực tế tình trạng mà nhiều người lo ngại: "loạn hoa hậu"!

 

Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Lê Ngọc Cường cũng thừa nhận, năm vừa rồi "được mùa" các cuộc thi sắc đẹp. Nhưng bên cạnh tín hiệu mừng là các cuộc thi được chú ý, quan tâm hơn thì nỗi lo về chất lượng, sự công bằng tại các cuộc thi cũng tăng dần. Việc cuộc thi nào cũng gọi chung bằng cái tên "Hoa hậu" dẫn đến tình trạng thương hiệu đó mất dần giá trị!?

 

Ông Dương Xuân Nam - Tổng Biên tập báo Tiền Phong - Đơn vị tổ chức cuộc thi hoa hậu Việt Nam hàng năm: "Hiện nay, đang có xu hướng một số đơn vị không đủ khả năng cả về uy tín lẫn tiềm lực kinh tế cũng xin giấy phép tổ chức thi hoa hậu. Họ không đủ kinh nghiệm, lệ thuộc quá nhiều vào nhà tài trợ nên đã gây ra những scandal làm ảnh hưởng đến danh tiếng cuộc thi, hay biến cuộc thi thành một hoạt động thương mại.

 

Các cuộc thi, nhất là cuộc thi ở cấp Trung ương, cần có sự kế thừa thành quả của các cuộc thi khác chứ không nên chỉ là một cuộc thi của đơn vị được cấp giấy phép dẫn đến chất lượng thí sinh không cao, không phải là một hoạt động văn hóa sâu rộng từ địa phương.

 

Thi hoa hậu là liên quan đến con người, nên trong Quy chế mới phải qui định rõ đơn vị nào có uy tín chính trị - xã hội, đặc biệt là uy tín về văn hóa, đủ tiềm lực kinh tế... mới được quyền tổ chức".

Coi cuộc thi như một thương vụ

 

Ông Lê Ngọc Cường cũng cho biết tới đây sẽ xem xét lại quy chế, sẽ phải quy định những cuộc thi nào, tầm cỡ nào thì mới được gọi là hoa hậu. Quy chế soạn thảo từ tháng 3/2006 cũng quy định mỗi năm chỉ có một cuộc thi sắc đẹp lớn mang tính toàn quốc và cuộc thi mang cấp quốc gia như thế, do đơn vị có uy tín tổ chức mới được gọi là cuộc thi hoa hậu.

 

Trên thực tế, tổ chức thi hoa hậu là hoạt động đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao, trong khi nhiều đơn vị tổ chức chỉ coi đó là thương vụ làm ăn, chạy theo tài trợ. Nhiều hiện tượng thiếu nghiêm túc trong một số cuộc thi hoa hậu đã xảy ra như công bố giải một đằng, trao giải một nẻo; cách tổ chức lộn xộn gây tranh cãi; hồ sơ thí sinh không hợp lệ... Điển hình, vụ ầm ĩ tại cuộc thi Hoa hậu Trang sức 2007 đã để lại "vết nhơ" cho danh tiếng các cuộc thi sắc đẹp. Thí sinh đoạt giải giờ chỉ canh cánh nỗi buồn, sự day dứt trước nghi vấn của công chúng...

 

Độc quyền dẫn đến “trắng tay”

 

Nhưng một câu hỏi khác được đặt ra là, chúng ta đang kêu gọi xã hội hoá, chống độc quyền trong việc tổ chức thi hoa hậu thì việc "siết chặt" tên gọi và "bó hẹp" đơn vị tổ chức có phải là sự độc quyền hay không?

 

Suốt thời gian qua, giới truyền thông và các nhà quản lý "kêu gào" về sự "độc đoán" của Công ty Elite Việt Nam, đơn vị đưa thí sinh tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Công ty này đã tuỳ ý lựa chọn thí sinh đi thi, bất chấp dư luận phản đối về nhan sắc và thực tài của thí sinh đó. Kết quả, các người đẹp Việt Nam được cử đi thi đều ra về "trắng tay" khiến người dân thất vọng! Có ý kiến cho rằng nếu như Việt Nam có nhiều đơn vị đưa thí sinh đi thi hơn thì sự lựa chọn sẽ chuẩn xác, bớt độc đoán hơn.

 

Siết chặt nhưng không cứng nhắc

 

Để chống "loạn hoa hậu", trong quy chế tổ chức thi hoa hậu tới đây, các nhà quản lý nên đưa ra những biện pháp để nâng cao chất lượng các cuộc thi. Các cuộc thi phải chuyên nghiệp hơn và mỗi cuộc thi phải có được mục đích, ý nghĩa khác nhau; phải có quy định rõ ràng với những đơn vị tổ chức để họ chấp hành đầy đủ, hiểu đúng các quy định của cơ quan quản lý, xác định đúng "quyền lợi và nghĩa vụ" của các nhà tài trợ... thay vì "siết chặt" tên gọi hoặc hạn chế các cuộc thi một cách cứng nhắc.

 

Ngay các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... hàng năm họ tổ chức hàng chục cuộc thi sắc đẹp để phục vụ cho các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới, họ đâu có để xảy ra tình trạng "loạn Hoa hậu" như chúng ta?

 

Nguyễn Hằng