Lê Minh Quốc: Đến với thơ như đến với người tình
(Dân trí) - “Yêu thì làm gì có kinh nghiệm. Với tôi, đến với cuộc tình nào tôi cũng đều choáng váng như lần đầu tiên bước ra ngoài sân gặp một ngày nắng đẹp'' - nhà thơ Lê Minh Quốc bày tỏ nhân dịp ra mắt tập trường ca “Hành trình của con kiến” (HTCCK - NXB Trẻ 2006).
''Huyên náo, ồn ào, trợn trạo, khuếch trương” - anh xấu hổ hay tự hào với “đặc điểm nhận dạng” này của mình?
Đó là những gì người ta nhìn tôi từ phía bên ngoài. Họ nhận xét như thế là không hiểu gì về tôi cả. Thật ra, trong sâu thẳm tâm hồn, tôi là người lúc nào cũng cảm thấy bơ vơ và đơn độc. Đôi khi buồn quá ngưòi ta phải há miệng ra cười. Khi cười cợt, ồn ào là chính mình đã tự tìm cách tốt nhất "trú ẩn" an toàn nhất trước đám đông.
"Bơ vơ - đơn độc” là trạng thái cảm xúc rất mạnh trong HTCCK. Anh nghĩ, thơ có làm những nỗi thống khổ dễ chịu hơn không?
Nghệ thuật mục tiêu cuối cùng của nó, theo tôi là sự cứu rỗi. Nhưng làm sao ai có thể kéo được con ngừoi ra khỏi nỗi buồn dằng dặc đang bủa vây, từng ngày, từng giờ? Và thơ sẽ làm được gì? Tôi nghĩ, nó cũng như một tiếng chim reo, một chiếc là thu phai mơn trớn trong nắng... để đem lại cho con người một cảm gíác bình yên hơn. Vì thế đừng đặt cho thơ quá nhiều sứ mệnh. Một câu thơ hay, an ủi được ai đó nào khác gì một bàn tay ấm áp nắm lấy tay ta trong lúc lạc đường?
"Cứu rỗi” - hình như trong những bài thơ của mình, anh cũng đã dùng cách gọi này để nói về tình yêu?
Trong HTCCK, tôi viết rằng: "Cuộc đời không có nhiều niềm vui/ tôi lao vào tình yêu/ mỗi lần yêu là một lần suýt chết/ trái tim tan hoàng điêu tàn mõi mệt/ ngày quên thở/ đói quên ăn/ nhịp kim đồng gồ quên gõ nhịp/ ngày ngừng trôi..." Tình yêu, tôi nghĩ đó sự cứu rỗi kỳ diệu nhất của con người. Nhưng cũng chính nó lại đem đến cho con người nỗi tuyệt vọng khủng khiếp nhất.
Tình yêu quá nồng nhiệt của anh (như thấy trong thơ) có làm ai đó… hoảng sợ?
''Nói yêu em tự nhiên như đói thì ăn như mệt thì nằm như đang sống thì từng ngày hít thở/ vì lẽ đó khiến em hoảng sợ/ biết làm sao? "(HTCCK). Như biết làm thế nào khác được. Đơn giản vì tôi không phải là một kép hát, có thể khua môi múa mép để đạt được sự ngọt ngào, dễ chịu từ phía người nghe. Với tôi, khi yêu thì nói yêu, phải gọi tình yêu ấy trong sự hoan lạc hoặc buồn tủi. "Trăm năm trong cõi người/ Đã yêu là phải gọi...". Nhưng chính vì thế đó là một sự thất bại não nề mà tôi đã cảm nhận được.
Đã biết thế mà anh không "rút kinh nghiệm”?
Yêu thì làm gì có kinh nghiệm. Với tôi, đến với cuộc tình nào tôi cũng đều choáng váng như lần đầu tiên bước ra ngoài sân gặp một ngày nắng đẹp
Anh nghĩ gì khi tới tuổi này - anh vẫn được gọi là Nhà thơ trẻ?
Chữ nhà thơ trẻ đã bỏ tôi đi quá lâu rồi. Và bây giờ chính tôi lại gọi các cây bút thơ thế hệ 8X là nhà thơ trẻ. Mà theo tôi, trẻ già cũng chẳng ý nghĩa gì cả. Vấn đề là anh có còn đủ sức đánh đu cùng bể dâu trong cái cõi thi ca huyền hoặc và đầy bất trắc này không? Nếu người ta gọi tôi là "nhà thơ trẻ" thì chẳng lẽ các đại biểu dự đại hội Nhà văn VN vừa rồi đều là "trẻ" hết sao?!
Rất nhiều người không còn tin vào sức lay động của thơ. Phải chăng vì công chúng đang thực dụng đi, hay vì những “giấc mơ” của các nhà thơ mãi chỉ đơn lẻ với những chuyện cá nhân của mình?
Nghệ thuật có sức lay động riêng của nó. Có bao giờ bạn đã tìm thấy nét đẹp trong tiếng hót của chim họa mi? Không cảm nhận lúc này thì sẽ cảm nhận lúc khác, chứ tiếng chim ấy vẫn lặng lẽ hót trong cõi nhân gian này đấy thôi. Người ta xa lánh thơ vì nhiều lý do. Nhưng tự trong thâm tâm họ, đến một lúc nào đó họ sẽ phải tìm đến thơ. Bởi thơ có cách nói, cách diễn dạt nhằm chia sẻ với những điều họ cần chia sẻ. Tôi tin như thế. Không phải người ta xa lánh thơ "vì những ''giấc mơ'' của các nhà thơ mãi chỉ đơn lẻ với những chuyện cá nhân của mình?" đâu. Bởi thi ca đích thực là gì? Là anh khai thác tâm trạng của chính anh. Qua tâm trạng ấy, bằng tài năng, người đọc sẽ tìm thấy được tâm trạng của chính họ.
Công chúng ngày nay có còn nhu cầu đọc thơ tình thuần khiết không, theo anh?
Làm gì có "thơ tình thuần khiết" hoặc không "thuần khiết". Nếu bài thơ tình ấy viết ra không vì tình yêu thì liệu có nên gọi đó là thơ tình?
Tôi hỏi thế vì vẫn có nhan nhản loại thơ "tán gái" được mặc nhiên gọi là thơ tình?
Thơ "tán gái" vẫn gọi là thơ tình nếu nó đạt được hiệu quả như tác giả mong muốn và được công chúng thừa nhận.
Từng biên soạn truyện cười, viết sách về ẩm thực, giải đáp kiến thức văn hoá phổ thông…, anh làm vì sinh nhai hay muốn chứng tỏ mình ''đa di năng''? “Viết lách thập cẩm” có làm hạ thấp Người Thơ đi không anh?
Tôi làm bất cứ việc gì nếu tôi cảm nhận đó là việc làm lương thiện, phải "đổ mồ hôi sôi nước mắt" ra mà làm; và tôi làm việc đó bởi trong thời điểm đó, tâm trạng của tôi như thế, sở thích của tôi như thế. Có như thế thì người ta mới tìm thấy được sự thanh nhàn trong lúc lao động. Như tôi đã nói, các nhà thơ đừng đặt cho thơ quá nhiều sứ mệnh để rồi ảo tưởng về chính mình. Chẳng lẽ, nhà thơ cao quý hơn những nguời "viết lách thập cẩm" à?! Hơn nữa, khi làm thơ là tôi làm cho tôi, chứ nào ai ép buộc đâu. Còn khi viết linh tinh này nọ là tôi vừa làm cho tôi và làm cho người khác. Do đó, hai công việc này chẳng "ăn nhập" gì với nhau cả.
Vì trong chúng ta ai cũng được học thuộc lòng rằng: Thơ là để thanh lọc tâm hồn, kèm theo rất nhièu hình dung trừu tượng và cao quý khác. Trong khi chữ nghĩa (thập cẩm) in ra trên sách báo có lúc chỉ để người ta đọc rồi xả stress, hoặc biết cách nấu 1 món cà ri, hậu trường các ngôi sao yêu ai bỏ ai...
Bạn ơi, "chữ nghĩa (thập cẩm) đôi khi còn ích lợi hơn một bài thơ.... dở!
Báo chí và văn chương anh ''chia sẻ'' đời sống của mình cho 2 phần ấy như thế nào?
Điều hạnh phúc và bất hạnh nhất là khi người ta đã bị "lập trình". Với báo chí, tôi sống thuờng trực với nó trong các sự kiện diễn ra hằng ngày mà mắt thấy, tai nghe. Với văn chưong thú thật, tôi không rõ lúc nào nó sẽ đến với tôi và sẽ ra đi. Vì thế giữa hai công việc này tôi phân biệt rất rạch ròi. Chẳng hạn khi viết báo, tôi đã tự "biên tập" lấy chính tôi, với những gì tôi đã viết; nhưng với thơ thì tôi hoàn toàn để cảm xúc làm chủ lấy mình.
Cảm giác thấp thỏm ''không rõ lúc nào nó sẽ đến và sẽ ra đi'' có khiến anh sống tận với Thơ?Có bao giờ anh tự hỏi, mình cứ “khốn khổ” theo thơ vì lý do gì?
Đến với thơ cũng giống như đến với người tình, nào ai biết lúc nào sẽ bị tình phụ? Dù biết thế, nhưng một khi đã yêu thì người ta vẫn chấp nhận "cuộc chơi" một cách đam mê và rồ dại. Đó là cũng bản chất của những người tự nguyện đeo đuổi thi ca. Chẳng bao giờ, tôi tự hỏi tai sao mình "cứ "khốn khổ" theo thơ" cả, bởi lẽ, như tình yêu, thi ca với tôi cũng là một sự cứu rỗi.
Thực tế, anh dễ bị “đốn ngã” bởi điều gì nhất? Đức tính nào của con người khiến anh cúi đầu?
Thi sĩ "chịu chơi" Cao Bá Quát trong cuộc đời sóng gió, dữ dội chỉ cúi đầu trước hoa mai. Thiên tài Nguyễn Du, lúc đói lòng chỉ ăn hoa cúc. Không là những bậc quân tử tót vời ấy, tôi là một công dân lương thiện, tôi cúi đầu trước đức tính thành thật, thậm chí là sự cả tin của người khác. Trong thực tế , tôi dễ bị "đốn ngã" bởi sự níu kéo của người khác, do sự nể nang của tôi mà ra. Nghĩ cho cùng như thế là yếu đuối.
Anh cầu điều gì cho chính bản thân mình, lúc này?
"Từ đây, anh biết mùi đái dầm con trẻ/ đem lại cho ta một hạnh phúc diệu kỳ/ thiên thần trong nôi giống anh như đúc/ sẽ dìu anh và sẽ dẫn anh đi..".
Lam Nguyễn