1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Lặn ở Hòn Mun

Nụ cười hồ hởi, mãn nguyện nở trên gương mặt là điều thường gặp ở một du khách ngay khi bước lên sàn tàu sau một chuyến lặn biển ở Hòn Mun, Nha Trang. "Có lẽ không thể lấy bất cứ cảnh quan nào trên bờ để so sánh được với những cảnh quan dưới biển", một du khách cảm hứng...

Cho đến giờ, Hòn Mun vẫn là điểm lặn biển đẹp nhất nước so với những nơi đã được đưa vào khai thác du lịch lặn biển. Nơi đây có 9 điểm lặn, san hô tập trung và có mặt hầu như đủ các loại san hô trên thế giới.

Trần Rô, hướng dẫn viên có bằng ba sao của Vietravel, cười, nói: “Ở đây có những con cá mú cỡ 7-8 ký. Có một cái hang có con cá chình to bằng bắp đùi, dài cỡ 3,5 mét, nặng trên 20 ký mà tụi tôi thường đem cá xuống cho ăn, rất dạn dĩ, thân thiện, nhưng du khách mà thấy là bỏ chạy ngay".

Lặn biển, xuống độ sâu cỡ 10 mét, nhìn thấy quang cảnh kỳ tuyệt của dãy san hô, khách cứ tưởng là cũng đã biết nhiều về thủy cung, nhưng các hướng dẫn viên cho biết đó chỉ như “thám hiểm một khu rừng mà chỉ mới đi vào bìa rừng".

Được huấn luyện ở mức cỡ hai sao, mức cho phép lặn sâu dưới 18 mét, mới thật sự là thám hiểm. Hướng dẫn viên Nguyễn Đức Vang cho biết: "Xuống độ sâu cỡ đó thì không còn cảnh đẹp của san hô, nhưng có nhiều hang động để cho người ta khám phá. Có những hang động sâu 10-15 mét, khách phải dùng đèn để quan sát những sinh vật biển chuyên sống trong bóng tối. Bọn mực, tôm hùm, cá đuối thường gặp ở độ sâu này".

Từ khoảng tháng 5 đến tháng 9, Vietravel có tổ chức lặn vào ban đêm trong những ngày có trăng. Cảm giác mạo hiểm sẽ còn cao hơn so với lặn ngày. Trần Rô nói: "Xuống nước trong cảnh tối đen như mực, chỉ có thể lần theo ánh đèn, người lặn lần đầu luôn có cảm giác rờn rợn như sắp bị một loài thủy quái nào tấn công từ phía sau. Nhưng bù lại cảnh đáy biển về đêm rất đẹp, người lặn dễ gặp nhiều loại cá và nhuyễn thể chuyên ăn về đêm mà lặn ngày không sao tìm thấy".

Trong số 6 trung tâm lặn biển ở Nha Trang, trung tâm lặn biển Orca thuộc chi nhánh Vietravel ở Nha Trang là trung tâm chuyên dành cho du khách trong nước.

Ông Bùi Đức Thắng, giám đốc chi nhánh, nói: “Chúng tôi định hướng ngay từ đầu thành lập là phát triển môn thể thao lặn biển dành cho du khách trong nước.

Tàu đưa tđoàn khách của Orca rời khỏi nơi xuất phát lúc 8h30 sáng theo đúng lịch trình. Tới khu vực Hòn Mun thì đã gần 10 giờ. Những vị khách đi lặn gần như không chừa một ai, nhất là khách nước ngoài, lại rất thích xuống biển ngắm cảnh.

Anh Dương Chí Thanh là Việt kiều từ Australia về thăm quê, anh tham gia hai lần lặn biển xuống Hòn Mun. Sau khi lặn xong anh nhận xét: "Cảnh đẹp, nhưng lặn không đơn giản như mình tưởng. Lúc đầu cũng sợ lắm! tuy nhiên sau khi lặn thì cảm thấy vô cùng tuyệt vời."

Chị Nguyễn Thị Mộng Trinh từ TP HCM đến Nha Trang cũng vượt qua cánh đàn ông khi lặn xuống độ sâu 15 mét để xem dưới thềm biển có gì...

Anh chàng người Nhật tên Hiden Kasahara thích thú ra mặt khi lặn vào hang ở Hòn Rơm, và sang đến Hòn Mun thì mãi chưa chịu lên bờ. Kasahara nói: "Tôi đã lặn ở nhiều nơi ở Nhật Bản, nhưng khi lặn ở Nha Trang tôi phải sững sờ vì sự lộng lẫy của biển nơi này. Có san hô, cá đủ màu và đa dạng sinh vật biển."

Bên cạnh đó, một toán khách từ Pháp vừa đến Nha Trang đã lao xuống biển với bộ đồ lặn với cảm giác hân hoan. Họ đi Nha Trang với mục đích đầu tiên là lặn biển.

Nhiều du khách đến Nha Trang nhưng chưa hề xuống lòng biển. Đó có thể là điều đáng tiếc, bởi có xuống biển mới biết lặn biển là điều rất hấp dẫn, cho ta thấy những bí ẩn đến kỳ lạ dưới dòng nước xanh kia. Nếu chưa đi bạn sẽ không hình dung ra lặn biển như thế nào...

Đồ nghề lặn khá phức tạp, gồm bộ quần áo lặn, kính mắt, chân vịt và cả chiếc bình hơi 13 ký cùng dây nịt bằng chì để cho đủ sức nặng chìm xuống nước. Vấn đề an toàn cho khách được đưa lên hàng đầu, cho nên mỗi du khách khi xuống biển đều có một hướng dẫn viên (HDV) đi theo cho đến khi lên bờ.

Khóa học lặn cũng rất cấp tốc khi lên tàu. Những ký hiệu như hai ngón tay tạo vòng tròn là OK. Xoè tay ra là dừng lại, ngón tay chỉ lên mặt nước là đi lên, chỉ xuống là lặn xuống... Để giao tiếp với nhau và với HDV khi lặn.

Đối với du khách Việt, người chưa hề lặn bao giờ, thì sẽ được thực tập ngay tại Hòn Mun với HDV, sau đó HDV sẽ đi cùng khách lặn xuống biển.

Những du khách có bằng chứng nhận hoặc từng lặn biển sẽ được đưa đến Hòn Rơm, nơi có nhiều hang động để khách len vào tham quan. Lần lặn thứ hai, sau khi nghỉ trưa là đến biển Hòn Mun. Khách sẽ chứng kiến các loại san hô, thủy tức và cả những khu vực có những con cá chình lớn, HDV phải đem mồi theo cho chình ăn như là nuôi chúng để khách xem. Có cả những con chình nhỏ để cho khách có thể chạm tay vào đùa một chút...

Hòn Mun và cả những khu vực du lịch lặn là khu bảo tồn biển, cho nên việc bảo vệ môi trường ở đây được giữ gìn tuyệt đối. Những sinh vật biển dưới nước trở thành một "bảo tàng sống", không ai được quyền săn bắt hoặc vi phạm đến chúng. Quy định trong cuộc hành trình dưới biển là du khách không được uống bia rượu, không xả rác xuống biển. Để bảo vệ môi trường, hàng ngày có những chiếc tàu dọn rác trên biển. Khu vực lặn rất sạch và nước trong. Những ngày nắng đẹp nhìn từ trên thuyền có thể thấy cả rạn san hô ở dưới đáy biển.

Nếu chưa lặn biển, chẳng thể hình dung cả vùng biển rộng lại có khi có cả trăm người cùng bơi lặn, nhìn nhau trông thật là vui. Loại hình du lịch lặn biển dù chỉ mới bắt đầu hình thành vài năm nay... Nhiều người nói đi Nha Trang mà chưa lặn biển thì làm sao biết ở Nha Trang có một thềm san hô đẹp nhất Đông Nam Á? Khi xuống biển mới biết ở dưới lòng biển có nhiều con cá xinh đẹp như Mao tiên , Mao quỹ và những loại san hô này nữa: San hô đỏ , San hô sừng nai... Nếu bạn có đến Nha Trang, đừng bỏ lỡ cơ hội khám phá lòng biển.

Theo Khánh Hoà