Kim Ngọc: Mọi loại âm thanh phải được bình quyền
Số lần biểu diễn trong nước của chị chỉ đếm trên đầu ngón tay, thế nhưng trong lĩnh vực âm nhạc đương đại cùng với Vũ Nhật Tân, Kim Ngọc là cái tên được nhắc đến nhiều nhất.
Biết mình muốn gì là đi được nửa đường
5 tuổi, Ngọc được bố dắt vào trường nhạc chơi. Bố chỉ cho con gái hàng chục loại nhạc cụ khác nhau, hỏi con thích học loại nào. Ngọc suy nghĩ một lúc rồi chỉ vào cái vĩ cầm. Bố lắc đầu bảo: Học piano hơn, sau này piano có điều kiện để phát triển.
Sự áp đặt đầu tiên ấy đã gieo trong lòng Ngọc một ý thức phản kháng ngấm ngầm: Tại sao cứ phải làm theo ý muốn của mọi người, không đứa trẻ con nào được tự do làm theo ý thích của chính nó? Cũng rất may, piano hợp với tạng của Ngọc, biết nó đúng là cái mình tìm, mình cần.
Việc còn lại của Ngọc chỉ còn là đi, đi, và đi với tất cả sự dễ chịu và tự tin vào bản thân mình.
Nếu yêu thì không gọi là hy sinh
Đến với âm nhạc bằng piano, sau đó chuyển sang sáng tác cộng với 2 năm học ở Đức về sáng tác ngẫu hứng và nhạc điện tử Ngọc có vốn liếng tàm tạm để “dắt lưng” tự tin đi theo những lối của mình.
Con đường mà Ngọc chọn không giống với lối chơi nhạc truyền thống, nhiều người gọi nó là nhạc đương đại. Ngọc không thích dùng chữ “đương đại”, nghe biên độ quá rộng, lại dễ gây tranh cãi. Cô gọi những sáng tác của mình là thể nghiệm (tiếng Anh là underground).
Ở Việt Nam, người ta quen nhìn những tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại như là một thứ “tắc tị”, xa lạ với kinh nghiệm thưởng thức thông thường, đầy hơi hướng Tây và... khó xơi.
Có người không tiếc lời nói Ngọc không biết gì về nhạc, rằng nhạc của Ngọc lai căng... Họ không tưởng tượng được cái gọi là âm nhạc của Ngọc lại lẫn lộn cả piano, cả tiếng ầm ì sôi động của cuộc sống, của tiếng trống, chèo...
Những người làm nhạc thể nghiệm như Ngọc giải thích rằng: Việc cho vào nhạc những ngôn ngữ khác chỉ làm phong phú hơn vốn liếng âm nhạc vốn chưa bao giờ đủ đa dạng của Việt Nam, và mọi loại âm thanh phải được bình quyền, miễn là người ta phải chọn đúng cái hay của nó...
Nhiều người thấy Ngọc chọn nhạc thể nghiệm, “xót” hộ cô bảo: Việc gì phải hy sinh thế, làm người tiên phong không phải sung sướng gì...
Ngọc bảo: Nếu như tôi thích con đường đó thì tại sao lại gọi là hy sinh? Chính những người bày tỏ lòng cảm thông với Ngọc cũng ngạc nhiên trong trường hợp ấy. Ừ nhỉ, xưa nay ở Việt Nam người ta không giải thích những sự lựa chọn khó khăn như cách của Ngọc.
Điều khó khăn nhất, dai dẳng và thường trực đối với Ngọc chính là những cuộc chiến với bản thân. Những cuộc chiến ấy làm cho Ngọc sợ hãi đủ thứ khi viết một tác phẩm mới, vì khi ấy đồng nghĩa với việc cô phải đối mặt với một ham muốn lớn, một dự định lớn và quay cuồng với những câu hỏi bất tận: Mình có làm được không? mình làm được đến đâu? Cảm giác ấy giống y như trước khi cô bước lên sân khấu, biết là ngốc nghếch vì sau đó thì những khó khăn qua đi, qua đi... nhưng đến lần sau lại là lặp lại nguyên vẹn ngần ấy vật lộn, với chính mình.
Quan trọng nhất là làm được những gì mình thích
Để khẳng định lối đi của mình, Ngọc chọn châu Âu làm điểm đỗ. Tất nhiên, để tồn tại ở một môi trường mà nghệ thuật thể nghiệm đã có quá nhiều thành tựu như thế sức ép mà những nghệ sĩ phải chịu lớn gấp nhiều lần trong nước, và sự cạnh tranh về tài năng như lời Kim Ngọc là “kinh khủng”.
Nói lại quá trình hoà nhập vào đời sống nhạc thể nghiệm ở châu Âu của Ngọc thì quá dài. Chỉ biết cô phải đánh đổi bằng quá nhiều mồ hôi, sự khổ luyện và cả những lựa chọn khó khăn.
Không phải không có những lời mời hấp dẫn về tài chính nhưng nhận ra mình có nguy cơ bị biến thành một “món hàng” chỉ vì mình là nghệ sĩ thể nghiệm đến từ một nước nghèo, Ngọc đủ dũng cảm để nói “tạm biệt”.
Hiện, Ngọc sống bằng những đơn đặt hàng cho những buổi hoà tấu, cho những vở múa, và công việc biểu diễn. Thu nhập ấy đủ để cô vững tâm đi theo những thể nghiệm không ra nhiều tiền của mình.
Quan điểm của Ngọc về nghệ thuật giống như quan điểm sống của cô: Khi gặp những khó khăn, việc trước tiên nên làm là thoát khỏi nó một thời gian. Ngọc gọi đó là những giải pháp mang tính phản ứng.
Đợi khi nào mình đủ sức thì đứng lên, nhìn nhận lại và đưa ra những quyết định, thái độ ấy giống như khi ta đứng ngoài một cuộc hỗn loạn và nhìn nhận được tất cả mọi thứ, thay vì bị đám hỗn loạn ấy bủa vây.
Theo Người Đẹp