1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

“Khuôn mặt mới” của Bùi Bài Bình

Đọc xong cuốn "Ma làng", Bùi Bài Bình gọi ngay cho đạo diễn: “Vai này được, em chơi luôn”. Nhưng để có thể “chơi” được với một nhân vật gian manh, xảo quyệt, khốn nạn như Tòng, quả thực không phải là việc đơn giản đối với một gương mặt quen tử tế như Bùi Bài Bình...

Tập cuối cùng của bộ phim Ma làng, phát trên sóng VTV1, một trong số ít phim truyền hình Việt Nam được khán giả quan tâm đặc biệt, vừa kết thúc. Câu chuyện phim Ma làng đã khép lại, nhưng ấn tượng về một con “ma làng” đội lốt chủ tịch xã với đầy đủ sự gian manh, xảo quyệt không giới hạn của mình vẫn sẽ khó nhạt phai trong lòng khán giả.

 

Người thủ vai “con ma” ti tiện ấy là Bùi Bài Bình, người nổi tiếng với những vai diễn hiền lành, chân chất, chịu đựng...

 

Tốt nghiệp lớp diễn viên điện ảnh khóa 2 ĐH Sân khấu - Điện ảnh VN, bạn học của những gương mặt từng một thời rất nổi tiếng trên màn ảnh: Minh Châu, Thanh Quý, Diệu Thuần, Bùi Cường, và cả bà xã anh, diễn viên Ngọc Thu... Cũng như nhiều ngôi sao thời ấy, Bùi Bài Bình khởi đầu sự nghiệp của mình bằng những vai diễn đầu tiên ngay khi trong trường ĐH.

 

Trong gần hai mươi năm hoàng kim của điện ảnh VN, Bùi Bài Bình góp mặt trong không dưới hai mươi phim với những nhân vật có chung mẫu số: hiền lành, tốt bụng, luôn được yêu mến trong những gia đình nghèo khó. Điển hình cho mẫu nhân vật hiền lành, thân thiện mà Bùi Bài Bình đã vào vai là Hòa hâm trong Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Bùi Bài Bình thể hiện nét ngây ngô đến đáng thương của người trí não không phát triển rất thành công... Và với vai diễn này, anh đã giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 13.

 

Sau Mùa ổi, Bùi Bài Bình hầu như không xuất hiện trên màn ảnh. Có quá ít cơ hội cho một diễn viên tuổi đã gần năm mươi thể hiện tài năng của mình. Phải mất bốn năm sau Mùa ổi, đạo diễn Quốc Trọng mới mời được người tưởng đã “buông xuôi” vào vai trưởng thôn trong Hương đất. Nhưng ngay cả với Hương đấtĐời người và những chuyến đi sau đấy, người ta vẫn thấy một Bùi Bài Bình nhạt nhòa trên màn ảnh. Phải đến Ma làng với vai Tòng, khán giả mới thấy một Bùi Bài Bình thực sự tỏa sáng bởi những cái nhìn, cái nhếch mép đầy xảo quyệt và ti tiện của một con quỷ đội lốt người.

 

Hỏi đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, ông có mạo hiểm không khi quyết định giao Tòng cho Bùi Bài Bình? Ông cười, không hề. Tôi biết khát vọng thay đổi chất của một diễn viên rất mãnh liệt, nhất là với một người tài năng như Bùi Bài Bình. Trước khi phim bấm máy, đạo diễn thuyết phục diễn viên. Này, thôi vứt cái gương mặt cũ kỹ của ông đi. Tôi sẽ giao cho ông một vai rất hay. Câu trả lời. Được, cứ đưa kịch bản đây em đọc trước.

Và đọc xong cuốn Ma làng, Bùi Bài Bình gọi ngay cho đạo diễn: “Vai này được, em chơi luôn”. Nhưng để có thể “chơi” được với một nhân vật gian manh, xảo quyệt, khốn nạn như Tòng, quả thực không phải là việc đơn giản đối với một gương mặt quen tử tế như Bùi Bài Bình.

 

Phải đọc, nghiên cứu nhân vật suốt 6 tháng, Bùi Bài Bình mới có thể chuyển tính cách từ một Hòa “hâm” sang “con ma” Tòng với đủ trò khốn nạn. Bằng những cái liếc mắt gian giảo, những cái nhếch môi đầy mưu mô của kinh nghiệm 30 năm gắn bó với nghiệp diễn... Anh đã vào vai quá thật, quá đạt. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần tâm sự, có lẽ thành công nhất của ông trong phim này là đã đánh được vào khát khao, mong muốn cống hiến và thể hiện mình của các nghệ sĩ. Ông đã biến được một Bùi Bài Bình từ tốt toàn tập đến xấu toàn tập, đến nỗi, ai xem phim cũng phải nguyền rủa: “đại gian ác thế sao không chết sớm đi”.

 

Bùi Bài Bình rất kiệm lời khi nói về mình. Anh sợ “cái mặt mình lên truyền hình nhiều quá, giờ lại lên báo nhiều quá thì nhàm, người ta cười cho”. Những ngày này, anh lại cùng Hồng Sơn, Nguyễn Hữu Phần miệt mài trong trường quay Tây Mỗ để hoàn thành những cảnh quay cuối của bộ phim dài 24 tập Gió làng Kình. Vẫn là một bộ phim về đề tài nông thôn trong thời kỳ đô thị hóa. Bùi Bài Bình bảo, thừa thắng xông lên, vai diễn mới của anh cũng là một vai trưởng thôn gian ác, khốn nạn...

 

Theo Yến Anh

Người Lao Động