Khoa rock
Khoa hát đủ loại nhạc rock, từ ballad đến alternative thậm chí cả rock nặng như heavy metal, hard rock. Chỉ cần nhìn dáng vẻ của Anh Khoa bước ra sân khấu đã thấy rock rồi, dù cho ca khúc - "Em, chiếc lá và tôi" mới chỉ là một sáng tác rock rất nhẹ nhàng của chính Khoa
Khoa viết ca khúc "Em, chiếc lá và tôi" cách đây 4 tháng. Đó là một bài hát duy nhất Khoa sáng tác trong lúc vui, bài hát có đoạn "... Và giờ đây em đã nói với tôi câu nói yêu mong chờ. Tim thao thức ngỡ ngàng muốn nói yêu bao điều bên mình...".
Khoa sáng tác từ năm 15 tuổi, khi đó đang học võ và chơi thể thao tại TP Nha Trang nhưng lại thích guitar. Lúc đầu học guitar để đệm đàn cho người ta hát, nhưng lại thích hát thế là thử và thành công. Từ đó thi thoảng buồn Khoa thường viết ca khúc. Ca khúc mà Khoa tâm đắc nhất, "Dòng đời", có đoạn thế này "...Dòng đời đôi lúc đẩy xô dòng đời, xa cuộc đời, xa vời vợi nên chẳng thấy nhau... Đừng vội khóc, vì trần thế còn lắm điều gian dối, hỡi em đừng, đừng vội nói, đừng vội nhớ, để những ưu phiền tan biến. Mỏi mòn con mắt nhìn theo cuộc đời, thấy cuộc đời chỉ còn là một màu, ôi màu mắt em!".
Lúc đó, Khoa bi quan nhất về cuộc sống. Nhóm hát 3D của Khoa (nghệ danh trong nhóm của Khoa là Kinh Du, còn 2 người kia là Phong Dinh và Huy Dân - ảnh hưởng nặng làn sóng nhạc F4 Đài Loan) tan rã, bị đuổi khỏi trường ĐH Văn Hóa TP. HCM vì tội nghỉ học nhiều đi diễn. Hôm nhóm tuyên bố rã đám tại Đà Lạt, mỗi người một ngả, Khoa không có lấy 1 đồng trong túi, chưa biết đi về đâu, định trở lại Cam Ranh - Khánh Hòa nhưng lại nhủ thầm mình còn trẻ, phải vượt qua được, thế là vay tiền người bà con về lại Sài Gòn.
... Buổi tối Sài Gòn mưa, Khoa cưỡi chiếc xe máy bình dân đi hát ở một phòng trà khá hẻo lánh, chẳng ai biết Anh Khoa hết và họ có nghe Khoa hết hay không? Khoa chỉ được hát lót, 150N/1 buổi diễn cho 4 - 5 bài. Vất vả kiếm tiền, vì từ khi nhóm nhạc 3D của Khoa tan rã. 100 triệu để dành từ ngày chơi thể thao ở Nha Trang cũng không cánh mà bay, do phải đền hợp đồng làm album và quay video clip. Khoa "cày" như điên để có tiền trang trải cuộc sống.
Khoa đã đi học lại, xin vào nhạc viện TP.HCM, do nhạc sĩ Tuấn Khanh khuyên. Nhạc sĩ Tuấn Khanh gặp Khoa đúng lúc Khoa đang trong tâm trạng chán chường và mất niềm tin vào âm nhạc. Nhờ nhạc sĩ, Khoa tự khám phá khả năng rock của mình rồi mê Linkink Park, Oasis, Stieve Tyler...
Chính mái tóc và rock mà nhiều người so sánh Khoa với Kasim Hoàng Vũ . Khoa khẳng định, vô tình mà giống. Có nhiều người còn bảo Khoa giống Ronaldinho của đội tuyển bóng đá Brazil, Khoa cũng thích, vì hâm mộ cầu thủ này. Nếu không đi hát, chắc chắn Khoa sẽ trở thành cầu thủ bóng đá, với bóng rổ Khoa cũng từng đoạt HCV của tỉnh Khánh Hòa năm 2001.
Trong 3 ca sĩ nam vào vòng trong của SMĐH, Khoa tự biết mình không có ngoại hình bằng Hoàng Hải và Hà Anh Tuấn, nhưng Khoa biết điểm mạnh là tự tin và đi theo dòng nhạc riêng "Dòng nhạc của em thường là thu hút những khán giả lớn hơn một chút, cá tính một chút. Còn những khán giả ấn bàn phím để bầu chọn đa phần là tuổi teen. Nhưng Khoa không sợ điều đó, nếu ai lấy mất sự tự tin của Khoa thì Khoa thua".
Khoa tập với nhóm tại trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Quân Đội - Hà Nội, vẻ ga lăng hiển diện khi thì lấy nước uống cho Thùy Trang, lúc làm chỗ dựa cho Ngọc Anh, hoặc là trêu đùa Cẩm Tú. "Anh Khoa là người khá tình cảm luôn chịu khó tạo không khí cho mọi người cười. Một người hăng say với công việc và cực kỳ nghiêm túc' - Cẩm Tú nói. Khoa là một người ưa khám phá. Ra Hà Nội, ngay buổi đầu tiên đã đi bộ một mình ra Hồ Tây hóng mát. Khi ở Cam Ranh cũng vậy, một mình ra Nha Trang để học thể thao, rồi vào Sài Gòn học hát.
Từ ngày ra Hà Nội, Khoa chăm gọi điện thoại cho bố mẹ hơn. Khoa cũng biết họ hàng nội ngoại đang rất tự hào về Khoa. Bố Khoa bảo, "Đàn ông là phải thế, có sức khỏe, có sức khỏe vứt đâu cũng sống được", đó là lời nói của một người đàn ông làm nghề tài xế mấy chục năm nay, chạy xe tải. Nên có thời điểm 4 năm ở Sài Gòn mà dăm thì mười họa Khoa mới có 1 cuộc điện thoại về nhà, nhưng bố Khoa không hề lo lắng chút nào, mà còn dặn "Tao muốn mày là thằng Khoa, chứ không phải là ai hết", đó cũng là câu nói ông thường xuyên nhắc lại khi Khoa còn sống với gia đình, lúc đó Khoa nghe nhiều nhạc Elvis Phương qua bố, tự dưng ngấm, tự dưng thích và hát khá giống với bản chính, nên ông sợ.
21 tuổi còn quá trẻ, nhưng sự trải đời thì quá lớn. Khoa cho biết, có những lúc Khoa cảm thấy già nua, vì suy nghĩ chín chắn quá, cũng do vấp váp quá nhiều. Ngay từ bé dã phải phụ giúp mẹ mở hàng ăn. Khoa cũng đi chợ được, nấu vài món xào, bưng bê và rửa chén bát. Mẹ Khoa là trụ cột chính kinh tế cho gia đình, em gái năm nay học lớp 11. Khoa chưa giúp gì về kinh tế cho gia đình nên dù khó khăn cũng nhất quyết không xin tiền. Khoa biết ở nhà cũng có lúc đủ ăn, có lúc thiếu. Động lực Khoa ra khỏi Cam Ranh cũng vì muốn tìm một lối thoát khỏi cái nghèo, rồi sau đó Khoa lại về quê hương thôi.
Theo Lương Trọng Nghĩa
Người Đẹp