Hoàng Phủ Ngọc Tường: Con ấu trùng tham ăn... sách!
(Dân trí) - Một cái tên hễ nhắc đến, độc giả trong và ngoài nước đều mến mộ. Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số ít những nhà văn viết ký hay nhất của ta hiện nay. Mặc dù bị liệt từ tám năm nay, nhưng đều đặn mỗi ngày, ông đều làm việc tám tiếng.
Tình bạn của ông và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã được nói đến nhiều, nhưng tại sao ông lại chờ đến mãi năm 2004 mới chọn Trịnh Công Sơn làm nhân vật cho tác phẩm “ Trịnh Công Sơn và cây đàn Lya của hoàng tử bé”, thưa nhà văn?
Tôi viết về Trịnh Công Sơn không phải vì tôi và Sơn là bạn với nhau từ thuở nhỏ mà bởi lòng cảm phục đối với âm nhạc của Sơn. Trịnh Công Sơn có đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam đương đại, nhất là trong lĩnh vực tình ca. Tôi còn nhớ một lời phê bình của Giáo sư Hoàng Vĩnh Tiến: “Trịnh Công Sơn là người viết thơ tình hay nhất thế kỷ”. Chất thơ trong nhạc của Trịnh Công Sơn kỳ lạ đến mức người đọc lấy làm hài lòng vì đã hát một bài thơ hay. Chất thơ của ca từ làm thành “mặt tiền” của những bài hát, còn chất triết học là bộ phận cắm sâu trong ngôn ngữ nhạc Trịnh. Tình ca là một tình yêu, nó như là một lớp lang nhìn từ nhiều mặt, nhìn quanh là thấy lấp lánh. Tôi chọn những đề mục bằng tên bài hát của Sơn cũng nhằm lý giải về âm nhạc của Sơn và những điều ảnh hưởng trực tiếp đến nhạc Trịnh.
Tôi nhìn vào âm nhạc của Sơn như nhìn vào một cõi tâm thức, với bao nhiêu điều chiêm nghiệm buồn vui, yêu thương nhân ái cuộc sống này, qua cái “cõi” đó, tôi mong muốn mọi người hiểu thêm nhiều điều về Sơn, và về nhạc Trịnh.
Được đánh giá là người viết ký hay nhất của văn học nước ta hiện nay, tại sao ông chọn thể loại này để gửi gắm những suy nghĩ của mình?
Khi tôi bước chân vào bút ký, mọi người không cho đó là thể loại chính thống. Tôi vẫn cứ làm và bây giờ họ đã khẳng định: Bút ký là một thể loại. Nhìn lại chặng đường viết, tôi cho rằng bút ký - ký là một thể loại văn học có thể diễn tả mọi ý muốn sáng tác của con người.
Trong số các tác phẩm ký, nhàn đàm của mình như Ngồi trên đỉnh Phu Văn Lâu, Ngọn núi ảo ảnh, Miền gái đẹp, Bản di chúc của cỏ lau..., ông thấy mình “ưng ý” với tác phẩm nào nhất?
Tất cả các cuốn sách, các tác phẩm này đều được ví như những đứa con của tôi đứt ruột đẻ ra. Dù có thể, đứa này không phải là một cô gái xinh đẹp, đứa kia không phải là một chàng trai hoàn hảo, còn nhiều thiếu sót. Nhưng tôi yêu tất cả chúng nó, nên thật khó phải nói lên sự lựa chọn của mình.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - Sinh năm 1937, tại Huế -Hội viên Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế và Quảng Trị. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. -Các tác phẩm đã xuất bản: Ngồi trên đỉnh Phu Văn Lâu (Bút ký- 1972), Bản di chúc của cỏ lau (Truyện ký- 1984), Ngọn núi ảo ảnh (Bút ký- 2000), Rượu hồng (Truyện ký- 2001), Người ham chơi ( Nhàn đàm- 1998), Miền gái đẹp (Nhàn đàm- 2001), Những dấu chân qua thành phố (Thơ- 1976), Người hát phù dung (Thơ- 1995), Trịnh Công Sơn và cây đàn Lya của hoàng tử bé (2004). |
Theo ông, các nhà văn trẻ hiện nay nếu muốn viết bút ký thành công cần phải có những tố chất gì?
Viết bút ký, muốn thành công thì phải viết cho thật. Bút ký tính sự kiện rất nặng. Tôi cho rằng, khi viết bút ký, các nhà văn trẻ nên tranh thủ đi thật nhiều. Không thể đi theo kiểu “thực tế” rồi sáng tác ngay được mà đi để quan sát cuộc sống để nó thấm vào người.
Thứ hai, họ phải đọc sách thật nhiều. Hãy đọc tham lam như những con ấu trùng tham ăn. Dù ở thể loại nào của văn học cũng vậy, có đọc nhiều, đi nhiều, có suy nghĩ nhiều thì mới nên bắt tay vào viết. Lời tôi muốn gửi gắm tới các nhà văn trẻ là như vậy.
|
Vợ ông, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã âm thầm hy sinh rất nhiều trong cuộc sống của mình để ở cạnh ông, nếu nói một điều thật khách quan thì ông sẽ nói gì về vợ mình?
Dạ là một nhà thơ, đứng một mình độc lập thì cô ấy cũng có dấu ấn cá nhân và những thành công riêng. Từ hồi tôi bị đau, rồi bệnh tật như này, Dạ đã phải chịu rất nhiều khó khăn và hy sinh nhiều công việc riêng tư ở cạnh tôi. Ngoài công việc chăm sóc cho tôi hàng ngày, Dạ còn phải lo tổng tập bản thảo, biên tập lại để khi cần, chúng tôi có thể in tập, rồi lo đối nội đối ngoại, lo cho các con, cho gia đình. Ngay như con bé Lim (cô con gái thứ hai, tên Hoàng Dạ Thi), đi đâu về hắn cũng chỉ gọi “mẹ ơi”, chứ có bao giờ gọi “ba ơi” đâu, song tôi không cảm thấy buồn lòng về điều đó, mà càng thấy phục Dạ hơn. Tôi không bao giờ tin rằng, một người phụ nữ nhỏ bé như Dạ mà lại có sức chịu đựng “dài hơi” như vậy.
Có câu danh ngôn rằng: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông có bóng dáng của một người phụ nữ”, tôi càng thấm thía và tâm đắc với điều này hơn bao giờ hết.
Trong các người con của ông, Hoàng Dạ Thi có một thời cũng từng “làm mưa làm gió” trên văn đàn nhưng hiện giờ lại không thấy xuất hiện nữa, phải chăng vì những công việc của mình, vì những bận bịu của cuộc sống mà cô ấy không có thời gian để viết, hay là đã nguội đi tình yêu với ngọn lửa văn chương?
Con bé Lim trước nó cũng viết, nhưng từ hồi đi học ở Úc về, làm việc, sau đó thì lấy chồng, hắn hết yêu văn chương rồi (cười). Hắn đến với văn chương như một người dạo chơi trên cánh đồng hoa, thấy cái đẹp thì ngưỡng mộ, chứ không muốn trở thành một người trồng hoa, rồi tự thưởng thức những thành quả lao động của mình. Các con, mỗi đứa một việc, mỗi đứa một chí hướng, nhưng tôi cũng không thể bắt buộc đứa nào đi theo con đường của mình, bởi bản thân văn chương là sự sáng tạo, yêu thương và khổ ải, muốn dấn thân vào phải tự nguyện và chấp nhận những điều đó.
Hàng ngày, sau mỗi buổi tập phục hồi là thời gian làm việc, vậy những dự định trong thời gian tới của ông là gì, thưa Nhà văn?
Mỗi ngày tôi tập phục hồi chức năng hai buổi, chia thành sáng và chiều. Thời gian sau đó, tôi dành ra để viết, đọc sách. Nhưng bây giờ tôi viết cũng không được nhiều, vì khi mình chỉ ngồi một chỗ, viết lại bằng trí nhớ về những nơi đôi chân đã đi qua thì lâu dần cũng trở thành khô cạn, lại nảy sinh sự bịa đặt. Vì thế, tôi không đặt ra một “chỉ tiêu” dự định nào cho việc in ấn, vả lại, khi nào mình còn sức lực để làm việc thì vẫn nên cố làm, cuộc sống của mình nhờ đó mà sẽ thoải mái, sẽ tốt hơn.
Xin cảm ơn ông và chúc ông luôn có đủ sức khoẻ để hoàn thành những công việc của mình.
Bài: Đinh Hương
Ảnh: Việt Hưng